Tình trạng giáo viên “né” luật hoặc biến tướng hình thức để dạy thêm là do quy định dạy thêm - học thêm vẫn còn một số “kẽ hở” và chưa phù hợp với thực tế. Theo các chuyên gia giáo dục, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hoạt động dạy thêm - học thêm, cần thay đổi một số quy định về dạy thêm - học thêm cho phù hợp.
Quy định hoạt động BDVH còn nhiều điểm chưa rõ ràng. (Ảnh chụp trước cổng một trung tâm BDVH tại TP.Vũng Tàu). |
Bỏ ngỏ quy định giữ trẻ
Theo quy định tại Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, giáo viên tiểu học là đối tượng không được phép dạy thêm nên để “né luật”, giáo viên tiểu học đăng ký với nhà trường chỉ tổ chức trông giữ trẻ (như đã phản ánh ở bài 1). Tuy nhiên, quy định về dạy thêm - học thêm không đề cập đến loại hình này và Nhà nước cũng không có bất kỳ quy định nào khác về hoạt động của mô hình giữ trẻ kiểu này.
Thực tế, việc cho con học thêm và gửi ở nhà giáo viên đang là nhu cầu cấp thiết của nhiều phụ huynh ở khu vực thành thị, bởi phần lớn phụ huynh phải đi làm vào giờ hành chính, không có nhiều thời gian chăm sóc trẻ. Vì vậy, do không có quy định, chế tài về việc giữ trẻ từ bậc tiểu học trở lên nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát và xử lý. Chẳng hạn, hiệu trưởng các trường chỉ có quyền quản lý, chấn chỉnh khi giáo viên tổ chức dạy thêm, còn tổ chức giữ trẻ thì cơ quan nào sẽ là người giám sát và quản lý?
Trong các cuộc họp của ngành GD-ĐT, vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo khá nhiều. Có ý kiến cho rằng loại hình giữ trẻ do UBND các phường, xã quản lý, giám sát, như loại hình các nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên, thực tế loại hình giữ trẻ từ bậc tiểu học trở lên khác hẳn với loại hình nhóm trẻ gia đình, bởi giáo viên giữ trẻ là học sinh đang học lớp mình dạy trên trường, việc giữ trẻ tại nhà giáo viên không chỉ đơn thuần là cho ăn, ngủ mà còn cả dạy học. Vì thế đã xảy ra không ít trường hợp giáo viên lợi dụng điều này để o ép học sinh đi học với mức học phí khá cao.
Ông Võ Văn Lương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho rằng: “Việc giữ trẻ của giáo viên tiểu học hiện nay là hoạt động trá hình của dạy thêm - học thêm. Vừa qua, chúng tôi đã thanh tra đột xuất theo đơn phản ánh của phụ huynh và phải đi bằng taxi để giáo viên không thể biết được, mới bắt gặp tại chỗ giáo viên đang dạy. Hơn nữa, việc tổ chức giữ trẻ tại nhà của giáo viên cũng không bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ cho trẻ. Do vậy, tỉnh cần có quy định cấm tuyệt đối giáo viên tiểu học tổ chức trông giữ trẻ. Thay vào đó, tỉnh tăng cường đầu tư để các trường tiểu học tổ chức bán trú, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh”.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng nên cho phép thành lập các nhóm trông giữ trẻ vì nhu cầu của phụ huynh rất lớn, nhiều phụ huynh còn năn nỉ cho gửi con vào thứ bảy. Tuy nhiên, quy định dạy thêm - học thêm phải nêu rõ là chỉ dạy kỹ năng sống và các môn nghệ thuật.
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Chúng tôi đã từng khảo sát ý kiến học sinh tại một số trường. Kết quả cho thấy thời gian học của các em quá nhiều, không có thời gian để sinh hoạt ngoại khóa, Sao nhi đồng... Do vậy, các nhà trường nên tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, giao cho giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp tham gia thực hiện. Như vậy, trẻ được sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, còn phụ huynh thì cũng an tâm”.
Một lớp học thêm tại nhà trên đường Hàn Mặc tử TP.Vũng Tàu. |
Quy định bồi dưỡng văn hóa chưa rõ ràng
Liên quan vấn đề nhiều trung tâm, cơ sở bồi dưỡng văn hóa (BDVH) có tổ chức loại hình dạy thêm - học thêm, lãnh đạo các Phòng GD-ĐT cho rằng, “kẽ hở” của quy định hoạt động BDVH là do chưa quy định rõ ràng, phạm vi, nội dung chương trình BDVH ở mức độ như thế nào?
Ông Phạm Văn Ngọc, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho biết, ở điều 2 trong các Quyết định cấp phép của Sở GD-ĐT cho một số cơ sở BDVH có nêu: “… được phép bồi dưỡng văn hóa cho các đối tượng theo học chương trình từ lớp 6 trở lên”. Việc này tạo “kẽ hở” cho các cơ sở tổ chức cho giáo viên không đủ điều kiện dạy thêm tham gia dạy thêm, tổ chức cho giáo viên dạy thêm không tuân thủ các quy định về nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học. Thực tế, các cơ sở BDVH đã dạy thêm chương trình tiểu học, THCS hoặc cho giáo viên tiểu học, THCS thuê mở lớp dạy thêm, gây khó khăn trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra của Phòng GD-ĐT (được UBND thành phố ủy quyền).
Phòng GD-ĐT TP. Bà Rịa cũng gặp khó khăn tương tự khi xử lý các cơ sở BDVH có tổ chức dạy thêm - học thêm. Ông Lê Văn Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP. Bà Rịa cho biết, đã tổ chức thanh, kiểm tra hầu hết các cơ sở BDVH trên địa bàn TP. Bà Rịa và cũng phát hiện các cơ sở có tổ chức dạy thêm - học thêm. Tuy nhiên, các cơ sở này đều do Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động nên Phòng GD-ĐT khó có thể xử lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã đi kiểm tra và cũng nhận thấy nhiều cơ sở BDVH thực ra là những “lò” dạy thêm. Sở GD-ĐT đã ngưng cấp phép cho các cơ sở BDVH và sẽ tiếp tục không cấp phép cho loại hình này, trừ BDVH các môn năng khiếu tin học, ngoại ngữ. Những cơ sở BDVH nếu chỉ thực hiện hoạt động dạy thêm - học thêm thì đề nghị chủ cơ sở hoàn thiện các điều kiện, thủ tục để được cấp phép dạy. “Các Phòng GD-ĐT khi kiểm tra các trung tâm, cơ sở BDVH có phát hiện vi phạm dạy thêm - học thêm cần tham mưu với UBND huyện, thành phố xử lý vi phạm theo quy định dạy thêm - học thêm. Sở GD-ĐT cũng sẽ rút giấy phép các trung tâm, cơ sở BDVH có vi phạm”, ông Nguyễn Thanh Giang nhấn mạnh.
Bài ảnh: BÍCH VÂN - ĐỨC THI
Đến nay, toàn tỉnh có 43 cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường và 8 cơ sở dạy thêm trong nhà trường được cấp phép. Trong đó, 24 cơ sở tổ chức dạy thêm khối THPT do Sở GD-ĐT cấp phép, 27 cơ sở tổ chức dạy thêm khối THCS do Phòng GD-ĐT cấp phép. Giáo viên trong các cơ sở giáo dục có tham gia dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường phải làm thủ tục cấp phép và chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản. Giáo viên vi phạm quy định dạy thêm - học thêm sẽ bị cắt danh hiệu thi đua năm học, đồng thời, nhà trường và hiệu trưởng của trường đó cũng không được xem xét thi đua. .................................................................................................... Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu phối hợp với các cơ quan chức năng vừa tổ chức thanh, kiểm tra một số địa chỉ nhà, cơ sở BDVH. Kết quả, đoàn đã phát hiện 2 giáo viên tiểu học dạy thêm tại nhà, 2 giáo viên tiểu học dạy thêm tại trung tâm BDVH; 2 cơ sở BDVH là Bình Minh và Tương Lai Việt có tổ chức dạy thêm-học thêm. Tuy nhiên, tại hai cơ sở BDVH này, người phụ trách đều vắng mặt nên đoàn không kiểm tra được hồ sơ, giấy tờ pháp lý của cơ sở. Trước đó, đoàn đã kiểm tra đột xuất một số địa điểm và phát hiện 2 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên THCS vi phạm quy định dạy thêm-học thêm; kiểm tra và chấn chỉnh một số cơ sở BDVH vi phạm quy định dạy thêm-học thêm: Lan Anh, nhóm trẻ Búp Sen Xanh, Nguyễn Đăng, Tương Lai. |