Vượt qua tật nguyền

Thứ Hai, 26/08/2013, 06:46 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng ý chí, nghị lực nhiều người khuyết tật (NKT) đã không ngừng vươn lên, tìm kiếm công việc phù hợp tự nuôi sống bản thân và quan trọng hơn là họ tìm được niềm vui, xóa đi những mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng.

Anh Đỗ Tú Phương (tổ 6, khu phố Nam Dinh, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) may quần áo cho khách hàng.
Anh Đỗ Tú Phương (tổ 6, khu phố Nam Dinh, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) may quần áo cho khách hàng.

Ông Nguyễn Vũ Hòa, cán bộ phụ trách về NKT của khu phố Nam Dinh, phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) dẫn chúng tôi đến thăm nhà anh Đỗ Tú Phương (35 tuổi, ở tổ 6, khu phố Nam Dinh, phường Kim Dinh) - một trong những thanh niên khuyết tật vượt khó tiêu biểu của khu phố. “Phương là một trong những thanh niên khuyết tật nhiều nghị lực, biết vượt qua khó khăn vươn lên, hòa nhập cuộc sống, đáng để các thanh niên khác học tập”- đó là lời nhận xét ngắn gọn của ông Hòa về Đỗ Tú Phương.

Lúc chúng tôi đến, anh Phương đang loay hoay cắt những sợi chỉ thừa để hoàn thiện chiếc quần tây vừa may cho khách. Nghỉ tay tiếp chuyện chúng tôi, anh cho biết, để có được việc làm như ngày hôm nay là một quá trình vất vả phấn đấu lâu dài. Năm lên một tuổi, anh bị sốt nặng làm cho đôi chân bị liệt, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, mọi sinh hoạt đều dựa vào người thân. Lớn lên, anh suy nghĩ mình không thể là gánh nặng cho ba mẹ và gia đình được, bởi ba mẹ rồi cũng già yếu, các anh chị rồi cũng có cuộc sống riêng. Anh ấp ủ trong lòng ý định học nghề để tự nuôi sống bản thân. “Mình đã mất đi đôi chân nhưng mình còn đôi tay còn có thể làm được nhiều việc có ích…”- anh Phương chia sẻ. Năm 2002 anh xin vào phụ việc và học may ở một tiệm may gần nhà.

Sau hơn một năm vừa học nghề, vừa phụ việc, anh quyết định mở tiệm may riêng. Lúc đầu, tay nghề chưa cao, khách hàng chưa biết nhiều nên anh chỉ có khách là người thân và sửa chữa quần áo cho người quen. Tranh thủ thời gian rảnh, anh tìm hiểu thêm về nghề may trên sách, báo, Internet để nâng cao tay nghề. Nhờ đó, tay nghề của anh ngày một nâng cao, được nhiều người biết đến. Hiện tiệm may của anh đã có lượng khách ổn định, mỗi tháng trừ chi phí cũng cho thu nhập hơn 2,5 triệu đồng. Giờ đây, anh có thể tự nuôi sống bản thân và dành dụm lo cho cuộc sống sau này.

Cũng bị liệt hai chân từ nhỏ nhưng chị Trương Thị Mộng Thu (46 tuổi, ở tổ 5, ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền) lại có cách làm khác để vươn lên từ đôi chân tật nguyền của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên cuộc sống của chị lại càng vất vả. Năm 15 tuổi chị đã phải đi làm thuê phụ giúp ba mẹ. Nhưng do sức khỏe yếu nên chị chỉ làm được các công việc như đan lát, gói bánh kẹo… với thu nhập chỉ 400-500 ngàn đồng/tháng. Làm được một thời gian, chị gom góp được ít tiền và vay thêm từ Ngân hàng chính sách xã hội 15 triệu đồng để buôn bán, chăn nuôi. Chị mở một cửa hàng tạp hóa và mua một con bò để nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên việc buôn bán của chị có lãi, từ một con bò ban đầu, nay tăng lên 3 con. Giờ chị không những tự nuôi sống bản thân, mà còn nuôi thêm một người em bị bệnh thần kinh vì ba, mẹ đã mất.

Đó chỉ là hai trong số nhiều NKT giàu nghị lực, ý chí vươn lên trước số phận kém may mắn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay, đa số NKT còn chưa có việc làm, sống phụ thuộc vào gia đình, người thân, trong khi đó, nhiều hộ gia đình có cuộc sống khó khăn, phải chạy ăn từng bữa.

Theo ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật-Trẻ mồ côi-Bệnh nhân nghèo tỉnh, những năm qua, cùng với việc thăm hỏi, tặng quà thì tạo việc làm cho NKT là một trong những công việc quan trọng được Hội chú trọng. Hội đã phối hợp với nhiều công ty dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Nhưng nhìn chung hiệu quả mang lại chưa cao, bởi đa phần NKT còn nhiều hạn chế về sức khỏe, trình độ văn hóa… “Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu mở các lớp dạy văn hóa để giải quyết vấn đề cơ bản về lâu dài cho NKT và tiếp tục phối hợp với các đơn vị, công ty dạy nghề và tạo việc làm để giúp họ tự tin, hòa nhập vào cộng đồng” - ông Đức cho biết thêm.

Bài, ảnh: HUY PHƯƠNG

;
.