Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) là đơn vị có nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào sáng kiến, sáng chế. Nhiều cá nhân, tập thể sở hữu hàng chục sáng kiến, sáng chế góp phần tăng năng suất lao động và tiết kiệm tiền của cho VSP.
Kỹ sư Trần Xuân Lý, “cây sáng chế” của Xí nghiệp Sửa chữa cơ điện, tại xưởng sửa chữa của đơn vị. |
Qua giới thiệu, chúng tôi đến gặp anh Trần Xuân Lý, kỹ sư cơ khí chế tạo máy Xí nghiệp sửa chữa cơ điện thuộc VSP - người được gắn với biệt danh là “cây sáng chế” của đơn vị. Đến nay, anh đã có 12 sáng kiến, sáng chế được đơn vị và tập đoàn công nhận. Hầu hết những sáng kiến, sáng chế của kỹ sư Lý và các đồng sự đều được áp dụng và mang lại nhiều lợi ích trong công việc.
“Bất cứ nghề nào cũng cần có sự say mê mới có thể gắn bó và thành công. Chỉ có lòng yêu nghề, bạn cống hiến hết mình cho công việc. Còn ngược lại, dù bạn có năng lực nhưng không có lòng say nghề thì đôi khi công việc chỉ giết chết đam mê sáng tạo mà thôi”, anh Lý nói về động lực khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của bản thân.
Một trong những sáng kiến của anh cùng các đồng nghiệp tại phân xưởng thực hiện là “Thiết kế và chế tạo hệ thống làm mát dầu thủy lực cho máy cưa vòng model MACC 700 DI – Italia”. Máy cưa này có thể cưa những cây sắt đường kính lên đến 500 mm. Khi nhập khẩu về Việt Nam lại không thể sử dụng được, cứ vài ba ngày là phải thay một lưỡi cưa, cắt không đều, không đứt, thậm chí không hoạt động. Nhiều lần phải gọi những chuyên gia Italia sang để bảo trì, sửa chữa nhưng vẫn không phát hiện ra được sự cố máy móc.
Trước tình hình đó, các công nhân kỹ sư trong xưởng nghĩ rằng chắc chắn có sự bất thường ở đây. Họ tìm tòi, suy nghĩ và phát hiện ra được mấu chốt của vấn đề là hệ thống này được thiết kế dựa trên điều kiện nhiệt độ mát lạnh ở châu Âu, khi về nước ta sử dụng thì hệ thống làm mát này không đáp ứng được điều kiện thời tiết nóng ẩm dẫn đến các sự cố trong quá trình máy hoạt động. Sau một thời gian nghiên cứu, anh Lý cùng với các đồng nghiệp đã sáng chế ra hệ thống làm mát dầu thủy lực. Anh Trần Xuân Lý nói: “Nói một cách khác là chúng tôi đã nhiệt đới hóa một sản phẩm nhập khẩu cho phù hợp với điều kiện sản xuất của mình để đạt hiệu quả công việc. Trước khi có hệ thống này thì máy thường xuyên hư hỏng, phải xài hơn 10 lưỡi cưa/tháng, tốn từ 30 – 40 triệu đồng, nhưng từ khi áp dụng sáng chế này mỗi tháng chỉ xài 1 – 2 lưỡi cưa, tiết kiệm hàng chục triệu đồng”.
Anh chia sẻ rất nhiều điều thú vị về công việc và cho rằng, nghề cơ khí không khô khan như những gì chúng ta thường nghĩ. “Đừng nghĩ nghề cơ khí là một nghề gắn với sự khô cứng, đơn điệu. Người thợ cơ khí cũng cần phải có sự khéo léo, giống như những người làm công tác mỹ thuật. Mỗi một chi tiết đòi hỏi phải chính xác đến từng mi-li-mét. Do đó, người làm cơ khí phải khéo léo, chăm chút để đạt độ chính xác cao, phải luôn luôn nghiên cứu để làm sao sản phẩm có mẫu mã đẹp thu hút người tiêu dùng”, anh Lý nói.
Bài, ảnh: MAI PHƯƠNG