TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) gần một thế kỷ qua từng được biết đến là “thủ phủ” của nghề ươm tơ - dệt lụa nổi tiếng của Việt Nam. Song, sau nhiều năm “thăng trầm”, đến nay cái nghề “ăn cơm đứng” này đang “hồi sinh”. Cùng với trà, tơ lụa Bảo Lộc đang là sản phẩm thu hút đông đảo khách du lịch thập phương…
“LẬN ĐẬN” ĐỜI… TẰM
Du khách thập phương, nhất là những thương gia giàu có, khách “sành điệu” ăn mặc, thời trang trong và ngoài nước đã một thời mê đắm lụa tơ tằm Bảo Lộc! Nghề ươm tơ - dệt lụa Bảo Lộc đã khẳng định trên thị trường trong nước và thế giới gần một thế kỷ qua vốn nhiều biến động của cuộc sống.
Thế nhưng, đã có một thời gian dài tơ lụa Bảo Lộc rơi vào lao đao, lận đận. Cùng với sự lụi tắt một thời hoàng kim của nó là sự thua lỗ, tan rã, giải thể hàng loạt nhà máy, xí nghiệp xe tơ, dệt lụa của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam. Nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, công nhân, nghệ nhân thất nghiệp.
Trong tình cảnh đó, một số nghệ nhân, hộ gia đình từng gắn bó bao đời với con tằm - tơ lụa, nghề truyền thống này vẫn lặng thầm trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa tại hộ gia đình, hoặc duy trì cơ sở sản xuất tư nhân để “sống chết”, thủy chung với nó.
Sản phẩm lụa tơ tằm của Công ty TNHH Hà Bảo được giới thiệu tại Silk House. |
Có lẽ nhờ vậy, nghề tơ lụa Bảo Lộc sau thời gian dài “leo lắt” đã đến ngày “hồi sinh”! Trong dịp Festival Hoa Đà Lạt - 2017, dường như du khách và cư dân địa phương quan tâm, dành sự ưu ái đặc biệt cho tơ lụa Bảo Lộc. Không phải ngẫu nhiên, tái hiện, tôn vinh nghề tơ lụa Bảo Lộc được sắp xếp là một trong 16 chương trình chính thức của Festival Hoa Đà Lạt - 2017 và đã khá thành công!
Lần đầu tiên, những bộ trang phục được làm từ chất liệu lụa tơ tằm được trình diễn chính tại thủ phủ dâu tằm tơ Bảo Lộc đã khiến cho nhiều nghệ nhân lớn tuổi một đời gắn bó với nghề tơ tằm trên thành phố trẻ cao nguyên này sung sướng rơi lệ.
XÔN XAO “XỨ LỤA”
Chúng tôi trở lại Bảo Lộc giữa những ngày đầu Thu năm nay, chứng kiến không khí lao động phấn khởi, rộn ràng tràn đầy niềm tin từ người nông dân trên các nông trường chè, nương dâu, cho đến các nhà máy, xí nghiệp ươm tơ dệt lụa của thành phố trẻ năng động.
Tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Xe tơ Dệt lụa Hà Bảo (phường Lộc Phát, Bảo Lộc), hơn 100 công nhân làm việc, với mức thu nhập trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty cho biết, lụa của Công ty Hà Bảo cũng như nhiều DN nơi đây đã sản xuất hàng chục năm qua, được bán đến nhiều nơi trong nước và trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...
Năm 2017, Công ty Hà Bảo cùng với 6 DN khác: Bảo Lộc Silk, Lụa Việt (Bảo Lộc); Thái Nam Silk (Hà Nam); Đũi Nam Cao (Thái Bình); Minh Trang (Ninh Bình) đã thành lập Vietnam Silk House với các điểm trưng bày tại Đà Lạt và Bảo Lộc. Riêng tại Silk House (phường Lộc Tiến, TP.Bảo Lộc), nằm trên tuyến quốc lộ 20, nối TP.Hồ Chí Minh - Đà Lạt) của Công ty Hà Bảo đang hoạt động khá mạnh, là “điểm” mua sắm hấp dẫn của nhiều đoàn khách trong nước và khách quốc tế mỗi khi đến Bảo Lộc, hay du lịch Đà Lạt.
Tại đây, ngoài quảng bá, giới thiệu sản phẩm, còn được bày bán nhiều loại sản phẩm lụa tơ tằm có giá rất cao. Cụ thể, 1m lụa Hà Bảo giá từ 1 - 3 triệu đồng; caravat: từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/cái; cùng nhiều sản phẩm lụa cao cấp như: Satin, các loại vải lụa habuta, lụa CDC…
Ngoài Công ty Hà Bảo, tại Bảo Lộc còn có 23 DN hoạt động ươm tơ, dệt lụa. Sản lượng tơ lụa sản xuất hằng năm trên địa bàn TP.Bảo Lộc đạt khoảng 1.000 tấn tơ, 5,6 triệu m2 lụa các loại. Cùng với sự “hồi sinh” của nghề tơ lụa, diện tích cây dâu tằm - nguồn nguyên liệu quý cũng tăng đáng kể, hiện diện tích đất trồng dâu của Bảo Lộc trên 200ha…
Công nhân miệt mài dệt lụa. |
Để bảo đảm phát triển ngành tơ lụa, UBND TP.Bảo Lộc đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tơ lụa Bảo Lộc và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; đã có 7 DN được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tơ lụa…
Tuy nhiên, ngành tơ lụa Bảo Lộc cũng đang gặp khó khăn, thách thức mới như: thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất; Nhà nước, nhà khoa học thiếu liên kết chặt chẽ tạo thuận lợi cho DN hoạt động; giống tằm, vùng nguyên liệu dâu, nguyên liệu kén... chưa đảm bảo. Việc hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới để nhập trứng giống tằm cấp 1, giống gốc; tổ chức khảo nghiệm, đánh giá việc sản xuất trứng giống tằm cấp 2; chọn tạo giống tằm lưỡng hệ phù hợp với Việt Nam; đào tạo trình độ chuyên cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, chọn tạo giống và ứng dụng công nghệ mới trong trong nghiên cứu tạo giống tằm… còn hạn chế. Việc đầu tư xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc, cũng như liên doanh, liên kết phát triển tơ lụa Bảo Lộc rộng rãi đến các nước trên thế giới… còn khó khăn.
Dù vậy, song chúng tôi tin rằng, cùng với sự quan tâm thiết thực của ngành Tơ tằm Việt Nam, sự vào cuộc nhịp nhàng, trách nhiệm, tâm huyết của chính quyền Lâm Đồng, TP. Bảo Lộc, đặc biệt, tấm lòng gắn bó thủy chung của người nông dân, các nghệ nhân trên vùng đất này sẽ “gỡ khó” để thúc đẩy ngành Tơ tằm Bảo Lộc phát triển trong tương lai. Thương hiệu “Trà B’Lao, lụa tơ tằm Bảo Lộc” sẽ lan xa, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
THANH DƯƠNG HỒNG
Theo baodulich.net.vn