Sức cuốn hút của vật dụng tranh, tre, nứa, lá của các dân tộc bản địa
Trong cuộc sinh tồn, con người luôn không ngừng lao động sáng tạo để thích ứng, hòa hợp với thiên nhiên. Sống giữa đại ngàn, các dân tộc Mạ, K’Ho, Churu sinh từ lâu đời ở tỉnh Lâm Ðồng đã tác tạo ra nhiều vật dụng sinh hoạt làm bằng nguyên liệu tranh, tre, nứa, lá phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của mình.
Không gian trưng bày độc đáo thu hút khách tham quan. |
Ðáng chú ý nhất là bộ sưu tập gùi gồm hơn 20 cái, đủ loại, đủ kích cỡ, kiểu dáng, có công dụng khác nhau. Chiếc gùi được biết đến là vật dụng gần gũi, tiện dụng phổ biến nhất của đồng bào các dân tộc Mạ, K’Ho, Churu thay cho cả đôi quang gánh, giỏ xách, rổ, rá của người miền xuôi khi đi chợ, đi làm, đi chơi. Gùi để “cõng” lúa khi thu hoạch, gùi củi về nhà, gùi đựng rau, nấm, đọt mây và những thứ lặt vặt kiếm được khi đi rừng, lên rẫy, đi chợ... Chiếc gùi có nắp được đan cầu kỳ, công phu, tỉ mỉ nhất, phần tạo dáng rất cân đối, hài hòa. Nắp gùi được đan công phu là những sợi mây chuốt như tơ, nhẵn bóng, đan thành một núm cầm xoáy tròn ở giữa, tỏa ra xung quanh là những sợi nan được đan khéo léo theo đường tròn đồng tâm. Thân gùi được tạo nên bởi những hoa văn sinh động từ việc thay đổi các kiểu đan, tạo hoa văn khác biệt. Hai quai gùi được tết chắc chắn, trên nắp còn có hai lỗ tròn được xoắn khéo léo để quai gùi xuyên qua mà nắp vẫn đậy khít vào thân. Gùi có nắp còn là vật dụng để cố định thay cho tủ, cho giường thường để đồ vật quý trong nhà, hoặc đựng quà đi thăm thú họ hàng, đựng sính lễ đi cưới hỏi... Gùi nhỏ thường được đan cầu kỳ nhất trong các loại gùi, được đan bằng nan nhỏ, mịn, được trang trí rực rỡ bằng những sợi len tạo hoa đủ màu sắc quanh miệng, thân, quai đeo, vì thế được gọi là gùi hoa; gùi nhỏ được tạo ra để làm quà tặng, làm kỷ vật, dùng khi đi chơi; ngày nay được dùng lên sân khấu múa hát.
Dụng cụ bắt cá. |
Ngắm các vật dụng, sự công phu, tỉ mỉ, mỗi cái được đan một kiểu, một dáng vẻ, không chán mắt. Xem cách họ cần mẫn chuốt từng sợi nan, sợi mây nhẵn bóng, nắn nót tạo nên từng mắt nan quện vào nhau đều đặn, mới thấy họ không chỉ khéo tay, hay làm, cần cù lao động mà còn thể hiện cả óc sáng tạo. Mỗi vật dụng như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo từ đường nét tạo dáng, đến phối màu, hoa văn, kiểu đan, không cái nào giống cái nào, mà người tạo tác nên nó đều để lại dấu ấn cá nhân độc đáo riêng. Bộ pàp (đơm, đó dùng bắt các loại cá to, cá nhỏ), xa drup (đồ dùng bắt mối) được đan 2 lớp bằng sợi nan nhỏ như tơ), gùi k’Soh (để lúa), gùi yoh xala (gùi hoa dùng để đi thông gia, đi cưới hỏi, múa hát)... Miệt mài, tỉ mỉ ở từng “mắt”, từng nan tre, kỹ lưỡng đến từng chi tiết, rít chặt, nén chặt, đều đẹp đến độ tinh xảo. Việc đan lát không theo một khuôn mẫu cố định nào, đan theo cảm hứng, vừa đan vừa sáng tạo theo ý thích, theo cảm nhận cái đẹp riêng của người đan. Nghệ nhân Ya Hiêng (buôn Pré, Phú Hội, Đức Trọng) kể: Tây Nguyên ngày xưa mùa mưa dầm dề 7 tháng/năm; những ngày mưa kéo dài không ai ra khỏi nhà, quây quần bên bếp lửa, họ tự làm những vật dụng cần thiết cho gia đình, cho chính mình. Người đan thường dành hết tâm sức, vừa đan vừa ngắm nghía cho đồ vật mình làm ra đạt đến độ sắc sảo nhất, đẹp nhất có thể, không định thời gian bao lâu phải đan xong một vật dụng, có những vật dụng được làm trong vài tháng mới hoàn thành.
Bà Đoàn Thị Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết: Đây là một trong những bộ sưu tầm hiện vật quý, độc đáo của Bảo tàng, các vật dụng được sưu tầm tại nhiều hộ gia đình ở những buôn làng xa xôi của đồng bào, đã qua sử dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt gia đình vẫn giữ được vẻ đẹp, độ bền. Được tạo tác công phu, phản ánh giá trị văn hóa, tình yêu cái đẹp của đồng bào; đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, nhưng vừa có công năng sử dụng, vừa mang giá trị thẩm mỹ, đạt đến độ hoàn hảo cả về kỹ thuật và mỹ thuật cao. Với xu thế phát triển, vật dụng sinh hoạt bằng nhựa với giá cả vừa phải, tiện dụng đã dần xuất hiện ngày càng nhiều trong gia đình đồng bào các dân tộc bản địa, vật dụng đan lát của đồng bào cũng ít dần đi. Cuộc trưng bày đã giúp công chúng thấy rõ những nét đẹp trong từng đồ vật, từ đó khuyến khích đồng bào các dân tộc trân trọng, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Sau hơn 2 tháng trưng bày, không gian luôn có sức hút, người xem trầm trồ, ngắm nghía, thích thú, ngợi khen. Chị Trần Thị Hoàng Hà, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Những vật dụng bằng tranh, tre, nứa, lá của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng thật độc đáo, thú vị, có tính thẩm mỹ rất cao. Qua đó công chúng được chiêm ngưỡng và hiểu sâu hơn về đời sống vật chất, tinh thần, những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào, hiểu thêm về những giá trị văn hóa vật thể của các dân tộc bản địa sinh sống ở Lâm Đồng, thêm yêu mảnh đất này.
THÁI AN
Theo baolamdong.vn