Nhằm bảo tồn voi nhà trước nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam, Vườn Quốc gia Yók Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) hỗ trợ 65.000USD trong thời gian 5 năm để chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện cùng voi. Đây là mô hình đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, là tín hiệu vui cho voi nhà thoát khỏi cảnh xiềng xích…
Voi ở khu du lịch Buôn Đôn phải phục vụ, chở khách từ sáng đến tối. |
MỘT MÔ HÌNH Ý NGHĨA
Ông Nguyễn Tuấn Linh, quyền Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn, phấn khởi cho hay, đơn vị vừa nhận 13.000USD kinh phí hỗ trợ năm đầu tiên để thực hiện mô hình thân thiện cùng voi từ Tổ chức Động vật châu Á. Mô hình này là hình thức vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng... Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch truyền thống, trực tiếp tác động đến voi như cưỡi, tiếp xúc trực tiếp với voi sẽ bị cấm, để tránh ảnh hưởng đến voi.
Theo chân nài voi Y Vi Si Niê (ngụ xã Krông Ana), chúng tôi đi sâu vào VQG Yók Đôn, nơi chăn thả của 3 chú voi. Từ xa, chúng tôi đã nghe hú gầm trời của voi Thông Khăm. Nhìn qua các tán cây, voi Thông Khăm đang vô tư chơi đùa. Chú voi trẻ tuổi này hút nước, phun nhả liên tục, rồi hú lên từng hồi một cách thích thú.
Anh Y Vi Si quản lý voi Thông Khăm từ ngày mới đưa về VQG. Đối với anh, Thông Khăm như một người bạn tri kỷ. Những lúc Thông Khăm đau ốm, anh Y Vi Si mang chăn, chiếu ra rừng ở nhiều ngày trời để chăm sóc. Thấy Thông Khăm chơi đùa, anh Y Vi Si cười nói: “Chỉ mới gần 1 tháng không phục vụ cho du khách mà sức khỏe Thông Khăm sung mãn đến lạ, nó chơi đùa, rồi đi lại khắp”.
Không nghịch ngợm như Thông Khăm, voi Buôn Khăm (48 tuổi) thong thả đi dạo quanh bãi thả, bẻ những đọt măng mới nhú, nhâm nhi một cách thích thú. Ông Y Mưh Byă, người gắn bó với Buôn Khăm 27 năm qua, tâm sự: “Trước đây, hàng ngày Buôn Khăm phải vào khu du lịch phục vụ khách từ sáng sớm cho đến mịt tối. Ở khu du lịch, đặc biệt những mùa cao điểm, voi làm việc cả ngày và chỉ ăn uống sơ sài vài cây chuối, mía… rồi phải chịu xiềng xích, quản thúc nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho du khách khiến sức khỏe voi giảm sút trầm trọng. Giờ thấy voi được tự do, tôi mừng biết nhường nào”.
Ông Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ, VQG Yók Đôn phấn khởi: “Mặc dù mô hình mới được áp dụng chưa đầy 1 tháng nhưng có khá nhiều tour đã đăng ký để trải nghiệm khám phá các hoạt động cùng voi. Đây là tín hiệu đáng mừng ở thời điểm khởi đầu của mô hình du lịch thân thiện cùng voi. Mô hình mới không chỉ cho du khách trải nghiệm mà còn góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật cho khách tham quan”.
SẼ NHÂN RỘNG
Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho hay tại Đắk Lắk hiện còn 44 cá thể voi nhà, tập trung tại Buôn Đôn và huyện Lắk. Hơn 30 năm trở lại đây, voi nhà không sinh sản được voi con nào. Việc phục vụ du lịch quá sức cũng là một trong những nguyên nhân khiến hạn chế sức khỏe sinh sản của voi. Hy vọng rằng, với mô hình giúp voi được về với thiên nhiên, có sức khỏe tốt, voi sẽ sinh sản được. “Thái Lan đã áp dụng mô hình du lịch thân thiện cùng voi từ nhiều năm trước và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn việc kinh doanh cưỡi voi. Mô hình mới nếu phát huy tốt không chỉ mang lại nguồn lợi mà còn bảo vệ loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta”, ông Chung nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Hà (huyện Buôn Đôn) cũng cho hay, cưỡi voi là một trong những hoạt động thu hút du khách. Tuy nhiên, nếu có đơn vị hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình thân thiện với voi, công ty sẽ sẵn sàng. Việc chuyển đổi mô hình cần phải đồng bộ trên toàn tỉnh, nếu không sẽ bị cạnh tranh dịch vụ giữa các công ty du lịch. Hiện đơn vị cũng chỉ cho du khách cưỡi voi với quãng đường ngắn, thời gian đi từ 5-10 phút, hạn chế số người cưỡi. Ngoài ra, đơn vị cũng đầu tư các hạng mục, dịch vụ như chụp hình, ngắm, cho voi ăn… để thu lợi nhuận mà không cần phải bắt voi chở khách, đảm sức khỏe cho voi.
Ông Nguyễn Công Chung cho biết thêm, hiện tại mô hình chỉ mới áp dụng tại VQG Yók Đôn. Qua khảo sát, các đơn vị du lịch và chủ voi tư nhân đều đồng tình với mô hình thân thiện cùng voi.
Sắp tới, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk sẽ liên hệ với các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới, để được hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh và cả nước. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh xin thêm diện tích đất tại huyện Lắk để đầu tư khu chăn thả voi.
ĐÔNG NGUYÊN
Theo Sggp.org.vn
Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, voi nhà của tỉnh Đắk Lắk đang suy giảm nghiêm trọng, năm 1980 trên toàn tỉnh có 502 con, đến nay đã giảm xuống còn 44 con. Hơn 30 năm qua, không có voi sinh sản. Voi chết dần dẫn đến việc voi nhà đứng trước nguy cơ có thể tuyệt chủng. |