Vào những dịp nghỉ lễ, muốn rời xa nơi phồn hoa đô hội, bạn và gia đình hãy thử làm một tour du lịch về với Vĩnh Long.
Ngoài tận hưởng không khí trong lành, thư thả trên những chiếc tàu du lịch xuôi theo những dòng sông, con rạch để đắm mình vào sinh thái sông nước miệt vườn, bạn còn có thể tìm hiểu và hòa mình với người dân tham gia sản xuất sản phẩm tại các làng nghề truyền thống đã hình thành và tồn tại trên mảnh đất này hàng trăm năm tuổi.
GHÉ THĂM “VƯƠNG QUỐC GẠCH NGÓI”
Nép mình bên dòng Cổ Chiên thơ mộng, hàng trăm miệng lò ở làng nghề gạch, ngói, gốm thuộc 2 huyện Long Hồ và Mang Thít trông như dãy “phố cổ” hừng hực cháy suốt ngày đêm để cho ra nhiều mẻ sản phẩm gạch, ngói và gốm đỏ cung cấp cho các thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất gạch, gốm ở Mang Thít. Ảnh: Minh Tâm |
Gạch, ngói và gốm của Vĩnh Long có màu đỏ tự nhiên đặc trưng pha lẫn với những đốm trắng bạc, nên được thị trường châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng.
Làng nghề gạch, ngói, gốm tỉnh Vĩnh Long hình thành và phát triển lâu đời. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, làng nghề gạch, ngói, gốm của tỉnh có trên 1.000 cơ sở với gần 3.000 miệng lò đang hoạt động, là một trong những làng nghề đặc trưng của tỉnh, được nhiều công ty du lịch lữ hành quốc tế đưa vào chương trình tour để khai thác, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước thời gian qua.
NGHỀ CHẰM NÓN LÁ LONG HỒ
Không biết làng nghề chằm nón huyện Long Hồ có tự bao lâu, nhưng các cụ cao niên nơi đây cho biết: Nghề nón theo chân một người đàn ông gốc Huế vô Nam bằng ghe bầu, bà con quanh xóm quen gọi là ông Dố.
Ông Dố đem theo nghề chằm nón làm kế sinh nhai, rồi truyền dạy cho những người trong xóm (nay thuộc Khóm 5, Khóm 6, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ) và được nhiều gia đình xem là nghề chính để nuôi sống gia đình.
Chiếc nón lá gắn liền với người phụ nữ Vĩnh Long trong lao động, sản xuất. Ảnh: Thanh Bình |
Đường vào làng nghề thật lặng lẽ, êm đềm. Đến đây, du khách dễ dàng nhận biết làng nghề qua những bụi trúc thanh mảnh, xòe tán rợp cả ngôi nhà ven ngõ. Ẩn khuất sau lá trúc là hình ảnh của các cô gái, vài cụ già thoăn thoắt đôi tay sau khung nón.
Nghề chằm nón lá huyện Long Hồ phát triển nhất là vào những năm 70-80 của thế kỷ XX, với khoảng 300 gia đình sống bằng nghề chằm nón lá và thu nhập ổn định. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh- thành khác cũng đến xin học nghề. Hầu hết phụ nữ và trẻ con ở làng nghề đều biết chằm nón từ lúc còn nhỏ.
LÀNG BÁNH TRÁNG TRĂM NĂM TUỔI
Hình thành khoảng 100 năm, làng nghề bánh tráng trải qua nhiều thay đổi, có lúc có nguy cơ mai một. Song, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng sự yêu nghề của những người thợ làm bánh, giờ đây bánh tráng cù lao Mây đã trở thành một làng nghề truyền thống, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu làng nghề và mua bánh về làm quà tặng cho người thân.
Phơi bánh tráng. Ảnh: Minh Triết |
Làng nghề bánh tráng cù lao Mây thuộc 2 xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành (Trà Ôn) cách TP.Cần Thơ khoảng 16km về phía Nam được hình thành cách đây khoảng trăm năm.
Bánh tráng ở cù lao Mây có nhiều mẫu mã và ngon để du khách lựa chọn, mua về làm quà biếu như: bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng ớt, bánh tráng béo, bánh tráng mặn…
Bánh tráng cù lao Mây hiện đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong ẩm thực của nhiều gia đình ở Nam Bộ. Nổi bật là món bánh tráng nem được dùng để cuốn chả giò ăn với rau thơm, cải xà lách chấm nước mắm chua cay hay nước xí muội hoặc dùng để xúc hến xào ăn với cơm nóng.
Những năm gần đây, tận dụng lợi thế tự nhiên nằm dọc theo dòng sông Hậu hiền hòa, cùng với chợ nổi Trà Ôn và nhiều vườn cây ăn trái xanh tươi, trĩu quả, người dân cù lao Mây vừa tráng bánh bán cho du khách vừa kết hợp đầu tư mở cơ sở homestay để kinh doanh du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nhiệm nghề làm bánh tráng bằng hình thức cùng ăn, cùng ở, cùng làm bánh với người dân.
Từ đó, những xấp bánh tráng cù lao Mây đã vươn xa ra nhiều nước trên thế giới và trở thành món ăn không thể thiếu đối với nhiều du khách phương xa đến đây.
NGHỀ LÀM TÀU HŨ KY
Làng nghề làm tàu hũ ky thuộc cù lao Mỹ Hòa (TX. Bình Minh) có lịch sử hình thành và tồn tại ngót nghét 100 năm.
Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, làng nghề cũng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chưa bao giờ bị mai một. Hiện nay, tuy số lượng gia đình theo nghề làm tàu hũ ky ở Mỹ Hòa có giảm so với trước đây, song nhiều hộ đã bỏ vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất thuận lợi, tăng lợi nhuận.
Nghề làm tàu hũ ky ở TX. Bình Minh. Ảnh: Thanh Bình |
Tàu hũ ky là loại thực phẩm dùng để chế biến thức ăn, nó chiếm một lượng lớn tiêu thụ trong đời sống hàng ngày, do tập quán ăn chay trường hoặc ăn chay nhiều ngày trong tháng của các tín đồ tôn giáo và cư dân vùng Nam Bộ.
NGHỀ LÀM DƯA CẢI Ở BÌNH TÂN
Làng nghề làm dưa cải ấp Tân Định (xã Tân Lược-Bình Tân) có khoảng 30 hộ làm nghề. Do có con sông Trà Ngươn (còn gọi là sông Lồng Ống) chảy qua, tàu bè có thể thông thương đi lại dễ dàng, nên thuận lợi cho việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Người dân làm nghề dưa cải sử dụng dòng nước của sông để rửa cải, vận chuyển dưa cải chở đi bán khắp nơi.
Theo những người có thâm niên trong nghề cho hay nghề này có chừng hơn 50 năm. Ban đầu chỉ có vài ba hộ làm dưa cải để ăn, theo thời gian việc làm dưa cải trở thành nghề của địa phương.
Trước đây, việc sản xuất và buôn bán dưa cải chỉ mang tính nhỏ lẻ, tiêu thụ chủ yếu tại địa phương. Sau đó, thấy bán được nên một số người chèo ghe chở vài ba lu dưa cải đi bán thử ở Sa Đéc (Đồng Tháp), sau mở rộng qua Long Xuyên (An Giang), Vị Thanh (Hậu Giang). Những năm gần đây, sản phẩm dưa cải Tân Lược, Bình Tân đã đến nhiều tỉnh ở ĐBSCL và được nhiều người biết đến với thương hiệu đặc trưng “dưa cải Tân Lược”.
Còn nữa những làng nghề một thời tạo nên nét chấm phá cho vùng đất Vĩnh Long. Dù mới được khai khẩn, lập làng vài trăm năm trở lại đây với nghề trồng lúa nước là chủ yếu, nhưng với tính cần cù chịu khó, nông dân Vĩnh Long bên cạnh sản xuất nông nghiệp họ còn tranh thủ lúc nông nhàn tạo ra những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp vừa mang lại lợi ích cho gia đình, vừa làm “đẹp” cho đời và để lại cho các thế hệ giá trị của cuộc sống thông qua những làng nghề.
MINH TÂM
(Theo baovinhlong.com.vn)