.

Kỳ thú 4 làng bích họa của miền Trung

Cập nhật: 20:51, 21/08/2018 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, cái tên làng bích họa có lẽ đã qua quen thuộc với người dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và gần đây nhất là Đà Nẵng. Hàng loạt tường rào, ngôi nhà cũ ở làng chài hay phố thị được sơn vẽ những bức tranh 3D độc đáo, sống động, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh. 

Hiện nay đang có 4 làng bích họa hút khách du lịch ở miền Trung gồm: làng bích họa Tam Thanh và làng bích họa ở Tam Hải, Quảng Nam; làng bích họa ở đảo Bé, Lý Sơn và làng bích họa Thanh Thủy ở Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Đến đây, du khách có thể thỏa sức thăm thú và chụp ảnh với những bức tranh tường mô tả cuộc sống của người dân chài miền biển cũng như những hình ảnh bình dị của Việt Nam.

Làng bích họa Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Làng Thanh Thủy đã trở thành một trong những điểm du lịch “hot” của Quảng Ngãi trong thời gian gần đây với các bức tranh 3D độc đáo, sống động có chủ đề "Cảm xúc và Tuổi trẻ".

Từ một làng quê nghèo ven biển, sau khi được các họa sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh tô vẽ, ngôi làng như khoác lên mình một chiếc áo mới tươi đẹp và thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư đến với thắng cảnh Gành Yến.

Trên các lối đi, hàng rào, tường nhà, quán ăn đều được làm mới với những bức họa sống động, rực rỡ, có thể phát sáng lung linh về đêm như cảnh biển Gành Yến, nghề trồng hành truyền thống, các loại sinh vật biển.

Những bức tranh này ban đêm có thể phát sáng lung linh. (Ảnh: Lê Hồng Minh)
Những bức tranh này ban đêm có thể phát sáng lung linh. (Ảnh: Lê Hồng Minh)
Một góc Nhật Bản ở làng chài Thanh Thủy. (Ảnh: @no.dinhthi)
Một góc Nhật Bản ở làng chài Thanh Thủy. (Ảnh: @no.dinhthi)

Hiện tỉnh Quảng Ngãi đang lập hồ sơ công nhận di sản địa chất Bình Châu, Gành Yến - đảo Lý Sơn là công viên địa chất cấp tỉnh. Sau đó tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận quần thể di sản thiên nhiên nơi đây là công viên địa chất toàn cầu.

Những bức tường sống động giúp cho ngôi làng trở nên xanh và đẹp hơn. (Ảnh: Lê Hồng Minh)
Những bức tường sống động giúp cho ngôi làng trở nên xanh và đẹp hơn. (Ảnh: Lê Hồng Minh)

Làng bích họa đảo Bé (Lý Sơn)

Ra mắt với 18 bức tranh sống động do các tình nguyện viên Việt Nam thực hiện, đảo Bé ở Lý Sơn, Quãng Ngãi trở thành điểm check-in của nhiều bạn trẻ cũng như du khách nước ngoài.

Hiện nay đảo Bé là một trong số ít nơi tại Việt Nam có rùa biển xuất hiện, vì vậy đảo đã quyết định lấy rùa biển là đề tài chủ đạo trong các bức tranh tường. Đây là kết quả của chương trình vẽ bích họa trên đảo Bé, Lý Sơn với chủ đề “Tôi yêu biển đảo/Sinh ra để sống hoang dã”, do tình nguyện viên của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), khu bảo tồn biển Lý Sơn và địa phương phối hợp thực hiện đầu tháng 6-2017 vừa qua.

Nhờ dự án này, du khách đến đảo đông và lâu hơn, ngoài ngắm san hô, lặn hay cắm trại thì việc tìm hiểu về loài rùa biển, chụp ảnh tại các bức tường cũng rất được ưa thích. (Ảnh: Lê Minh Sơn)
Nhờ dự án này, du khách đến đảo đông và lâu hơn, ngoài ngắm san hô, lặn hay cắm trại thì việc tìm hiểu về loài rùa biển, chụp ảnh tại các bức tường cũng rất được ưa thích. (Ảnh: Lê Minh Sơn)

Làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam)

Bức vẽ cô bé nhìn ra biển cả gây ấn tượng với nhiều du khách khi tới Tam Thanh. (Ảnh: Hường Trần)
Bức vẽ cô bé nhìn ra biển cả gây ấn tượng với nhiều du khách khi tới Tam Thanh. (Ảnh: Hường Trần)

Xuất hiện như một điểm đến nổi bật của năm 2016, làng bích họa ở xã Tam Thanh, Tp. Tam Kỳ có hơn 100 bức họa do các họa sĩ và tình nguyện viên Hàn Quốc thực hiện. Nhiều du khách khi du lịch ở Hội An cũng ra tận Trung Thanh để xem tranh.

Đến Tam Thanh du khách có thể đi dọc các ngôi nhà nằm sát biển, ở hai bên đường có các bức vẽ tường rất sặc sỡ. Tại thôn Hạ Thanh 2 gần đó, du khách có thể thăm làng nghề làm nước mắm truyền thống của các cư dân miền biển nơi đây. Hiện nay một số ngôi nhà vì xuống cấp trầm trọng nên phải đập đi xây mới, các bức họa trong làng cũng không còn nhiều như trước.

Lấy ý tưởng của làng bích họa Tam Thanh mà các vùng khác cũng theo xu hướng bích họa để khoác áo mới lên cho chính ngôi làng của mình.

Ở đầu và cuối làng còn có những chiếc thuyền thúng nhiều màu sắc được tô vẽ. (Ảnh: Hường Trần)
Ở đầu và cuối làng còn có những chiếc thuyền thúng nhiều màu sắc được tô vẽ. (Ảnh: Hường Trần)

Làng bích họa Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam)

Lấy ý tưởng từ làng bích họa Tam Thanh, sinh viên kiến trúc đến từ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã biến nhiều bức tường nhà, bờ rào cũ kỹ của người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) trở thành các bức tranh bích họa sinh động, đầy màu sắc. Những bức tranh tường mô tả cuộc sống người dân như cảnh đưa thuyền thúng cập bờ, cảnh phơi cá khô, những vật dụng quen thuộc của người dân chài.

Làng Tam Hải cách trung tâm TP. Tam Kỳ 40km nên có thể đi bằng thuyền máy từ xã Tam Tiến sang theo hướng Bắc hoặc đi dọc Quốc lộ 1 rồi rẽ về phía biển chừng 10 km, qua một con phà ở cửa sông Kỳ Hà. Ngoài làng bích họa, du khách có thể thăm ghềnh Bàn Than, tắm biển.

(Ảnh: Hà Nam)
(Ảnh: Hà Nam)

Làng bích họa Đà Nẵng - Da Nang Fresco Village

Dự án
Dự án "Làng bích họa trong lòng thành phố Đà Nẵng" xuất phát từ ý tưởng của chị Dương Huỳnh Trang - Bí thư Đoàn phường Phước Ninh. (Ảnh: @arzu_bstg)

Giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng, nhiều con hẻm nhỏ đang được vẽ những bức tranh đặc trưng của Đà Nẵng để phục vụ cộng đồng và khách du lịch.

Cụ thể ở con hẻm nhỏ từ số 77 Nguyễn Văn Linh (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) trở vào đã được các họa sĩ của Hội Mỹ thuật thành phố và nhóm sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng vẽ tranh lên các vách tường.

Các bức tranh của Làng bích họa Đà Nẵng có nhiều chủ đề từ văn hóa nghệ thuật, các đặc sản của Đà Nẵng cho đến loài voọc chà vá chân nâu, núi, biển và tình yêu đất nước. (Ảnh: Nguyễn Đông)
Các bức tranh của Làng bích họa Đà Nẵng có nhiều chủ đề từ văn hóa nghệ thuật, các đặc sản của Đà Nẵng cho đến loài voọc chà vá chân nâu, núi, biển và tình yêu đất nước. (Ảnh: Nguyễn Đông)

Hiện nay chị Trang đang tiếp tục kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng để có thể phát triển các dịch vụ kèm theo trong làng bích họa này. Đó là hoạt động kinh doanh ẩm thực, đặc sản, hàng lưu niệm nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Với những lợi ích và giá trị tốt đẹp, làng bích họa đang góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, bảo vệ môi trường và truyền tải thông điệp tốt đẹp tới người dân địa phương cũng như du khách. Và dường như những ngôi làng bích họa đầy sắc màu đã và đang trở thành điểm nhấn đặc biệt của văn hóa du lịch các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

HÀ LINH
(Theo Việt Nam mới)

.
.
.