Đồng Nai: Gỡ nút thắt phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thứ Năm, 30/08/2018, 11:20 [GMT+7]
In bài này
.

Là ngành đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Đồng Nai chưa được đầu tư đúng mức. Hiện tỉnh đang thực thi nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích DN đầu tư phát triển CNHT.

Tỉnh Đồng Nai sẽ có nhiều chính sách phát triển CNHT.
Tỉnh Đồng Nai sẽ có nhiều chính sách phát triển CNHT.

Theo Sở Công thương Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 570 DN CNHT, trong đó có 130 DN trong nước, chiếm 22,6% và 440 DN nước ngoài, chiếm 77,4%. Các DN CNHT sản xuất, cung cấp các loại nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng kim loại, điện - điện tử, nhựa, cao su, hóa chất, bao bì... cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Ngành CNHT đóng góp khoảng 28% giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút trên 134.000 lao động, chiếm 22% tổng lao động công nghiệp.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 3 phân khu CNHT gồm: Phân khu thuộc KCN Giang Điền (114ha/529ha), Phân khu thuộc KCN Nhơn Trạch 6 (100ha/315ha), Phân khu thuộc KCN An Phước (47ha/201ha), nhằm phục vụ cho các DN ngành CNHT vào đầu tư hoạt động sản xuất, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.

Tuy nhiên các sản phẩm CNHT của Đồng Nai hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản phẩm CNHT của các DN tại Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Còn CNHT khu vực DN trong nước phát triển khá chậm, với số lượng còn ít, quy mô DN nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực CNHT không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Phần lớn các DN CNHT trong nước chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam và sự liên kết chủ yếu vẫn diễn ra giữa các DN FDI với nhau.

Các DN trong nước chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cơ khí, điện - điện tử, dệt may, giày dép. Sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế, do DN trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Sở Công thương Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung hỗ trợ các DN CNHT trong nước để tăng khả năng liên kết và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể là các giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp CNHT từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh, dành phần vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT vay với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp CNHT phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và điều chỉnh chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với DNNVV trên địa bàn.

Về cơ chế chính sách phát triển ngành CNHT, ông Dương Minh Dũng - Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho biết, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện cho các DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã ban hành; giảm chi phí sử dụng hạ tầng khi thuê lại đất trong các CCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ và khi di dời vào CCN sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, vận chuyển, hỗ trợ xây dựng.

HÀ ANH
(Theo congthuong.vn)

 

;
.