Độc đáo "làng họa sĩ" Cổ Đô

Thứ Hai, 06/08/2018, 18:19 [GMT+7]
In bài này
.

Làng Cổ Đô ( xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) từ lâu đã được biết đến là “làng họa sĩ chân đất”, đây là nét độc đáo riêng có của Thủ đô và cả nước. 

LÀNG HỌA SĨ CHÂN ĐẤT

Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô.
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô.

Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi theo quốc lộ 32 đến TX. Sơn Tây rồi đi tiếp lên Ba Vì mất khoảng 1 giờ 45 phút cho gần 70km, chúng tôi đã có mặt tại làng Cổ Đô - nơi được mệnh danh là “làng họa sĩ chân đất”.

Họa sĩ Ngọc Nho (CLB Mỹ thuật Cổ Đô) cho biết “được mệnh danh là những họa sĩ chân đất bởi làng Cổ Đô đã đóng góp cho giới mỹ thuật Việt Nam hơn 170 họa sĩ và hiện tại làng đang có hơn 100 họa sỹ, đều là những người nông dân “chân lấm tay bùn”. Sau mỗi buổi đi làm đồng về, những người nông dân yêu thích hội họa lại ngồi bên giá vẽ. Chúng tôi chủ yếu vẽ tranh phong cảnh làng quê, cuộc sống của người dân vùng nông thôn, chủ yếu là chất liệu sơn dầu”.

Ngoài sự nổi tiếng bởi làng họa sĩ, Cổ Đô còn được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt. Cho nên cái tơ duyên văn chương thủa trước của các bậc tiền nhân như cha con cụ Nguyễn Công Hoàn, được tôn vinh thơ - phú là Tứ hổ Tràng An, Tiến sĩ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân được tôn vinh thơ - phú là An Nam Tứ đại tài hay Tiến sĩ Lưỡng quốc Thượng Thư Nguyễn Sư Mạnh… còn mãi đến tận ngày nay. Không chỉ có vậy, ngày nay làng Cổ Đô có một nét văn hóa nữa mà ít có làng quê nào vinh dự có được sự tôn vinh: Làng họa sĩ.

Nằm bên dòng sông Nhị Hà ngày đêm tràn đầy sóng gió cùng dải đê như tấm lụa hồng, choàng lên cánh đồng mênh mông xanh rờn sóng lúa, những vườn cây ăn trái mùa nào thức ấy và sự trù phú của nguồn lợi thủy sản từ dòng sông Nhị Hà mang lại đã tạo cho tâm hồn người dân nơi đây phóng khoáng, chân thật và cũng hết sức tinh tế. Tất cả những vẻ đẹp đó đều được các họa sĩ Cổ Đô đưa vào các tác phẩm của mình.

Nhà riêng của ông Nguyễn Văn Lũy (Chủ tịch Ủy ban lâm thời huyện Quảng Oai năm 1945), nay là nhà truyền thống xã Cổ Đô.
Nhà riêng của ông Nguyễn Văn Lũy (Chủ tịch Ủy ban lâm thời huyện Quảng Oai năm 1945), nay là nhà truyền thống xã Cổ Đô.

Làng Cổ Đô mang dáng dấp của ngôi làng Bắc bộ truyền thống với những hàng cau, ngôi nhà ngói cổ kính nhưng ở đây trở nên đặc biệt hơn khi làng có đến hơn 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cổ Đô cũng là làng “độc nhất vô nhị” khi có đến 2 bảo tàng về hội họa: Bảo tàng mỹ thuật Cổ Đô và Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình.

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ đầu năm 2016. “Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và Gia đình” đặt tại nhà riêng của cố họa sĩ Sĩ Tốt, một họa sĩ lão thành với những bức tranh nổi tiếng như “Tiếng đàn bầu”, “Bế con”... Bên cạnh đó, các họa sĩ của làng còn rất nhiều phòng tranh tại gia, trưng bày những bức tranh do chính chủ nhà vẽ.

CLB Mỹ thuật Cổ Đô đã được thành lập trên cơ sở quy tụ những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họa. Hiện CLB Mỹ thuật Cổ Đô có 49 thành viên, đã mở được nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài thành phố. Ngoài sáng tác tranh, thành viên CLB còn mở nhiều lớp dạy mỹ thuật miễn phí cho trẻ em trong khu vực.

Với những nét độc đáo “độc nhất vô nhị” cùng với những di tích lịch sử văn hóa phong phú như: Đền thờ Tiến sỹ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, Tiến sĩ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đình làng Viên Châu…. Đây là nét riêng đặc biệt của Cổ Đô mà không nơi nào có được, và kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến độc đáo, hấp dẫn đối với du khách đặc biệt là khách quốc tế khi đến với Hà Nội.

ĐỂ CỔ ĐÔ TRỞ THÀNH ĐIỂM DU LỊCH

Bảo tàng Sĩ Tốt và Gia đình.
Bảo tàng Sĩ Tốt và Gia đình.

Điểm nhấn của Cổ Đô là một làng có nhiều họa sĩ, đồng thời cũng là một làng ven sông với những nếp sinh hoạt bình dị. Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô khẳng định “nếu được đầu tư đúng mức, Cổ Đô sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, chặng đường để Cổ Đô thực sự trở thành một địa phương mạnh về du lịch còn dài và nhiều khó khăn như: cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, Cổ Đô chưa có cơ sở lưu trú; còn thiếu các bảng biển chỉ dẫn du khách, môi trường cảnh quan còn hạn chế,… ngay cả 2 bảo tàng mỹ thuật cũng chưa có sự sắp xếp và bố cục các bức tranh trong bảo tàng chưa hợp lý, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của một bảo tàng…”.

Để đưa Cổ Đô trở thành sản phẩm du lịch, Ngày 20-11-2017 Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 108/KH-SDL về Phát triển sản phẩm du lịch tại xã Cổ Đô. Theo đó, kế hoạch sẽ tập trung và công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch tại địa phương; Nâng cao sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ du khách; Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, môi trường, cảnh quan… nhằm từng bước xây dựng và hoàn chỉnh sản phẩm du lịch để góp phần duy trì và lưu giữ nét văn hóa hiếm có mang tính truyền thống của Cổ Đô nói riêng và của Ba Vì nói chung.

Để thực hiện kế hoạch trên, Sở Du lịch Hà Nội cùng các phòng, ban chức năng của huyện Ba Vì, UBND xã Cổ Đô cùng một số DN đã tổ chức các cuộc khảo sát để có những quyết định trong công tác đầu tư.

Với những hành động cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của Sở Du lịch cùng chính quyền, người dân địa phương và doanh nghiệp, chắc chắn Cổ Đô sẽ là địa điểm du lịch được đông đảo du khách ưu tiên lựa chọn khi đến với Hà Nội.

THU HƯỜNG
Theo congthuong.vn

;
.