Đầu tư hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng
Nhiều công trình giao thông được tỉnh Long An đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ góp phần phát triển KT-XH địa phương mà còn tạo động lực liên kết vùng.
Đường tỉnh 830 đoạn BOT được đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng |
ĐI ĐÔI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông và tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với sự phát triển KT-XH địa phương trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, một số tuyến đường, cầu qua địa bàn tỉnh được Trung ương nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối vùng.
Đường tỉnh (ĐT) 819 (đường cặp kênh 79) - công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) có tổng vốn đầu tư hơn 800 tỉ đồng, hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2015, rút ngắn khoảng cách từ TP.Tân An đến huyện Tân Hưng (Long An), tỉnh Đồng Tháp và các vùng lân cận. Công trình đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, góp phần phát triển KT-XH của các địa phương vùng Đồng Tháp Mười.
Ông Trương Văn Toàn, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường (Long An), phấn khởi: “Đường giao thông ngày càng được đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại cũng như trao đổi hàng hóa với các địa phương trong và ngoài địa bàn. Gia đình tôi có 3 xe tải loại nhỏ chở hàng cho khách, chủ yếu từ huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp về TP.HCM và ngược lại. Thời gian trước, khi đường cặp kênh 79 chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tôi phải vận chuyển hàng vòng qua huyện Tháp Mười, ra Quốc lộ N2 để đi, vừa xa, vừa tốn kém chi phí. Bây giờ, gia đình tôi vận chuyển hàng theo tuyến ĐT819, tiết kiệm khá nhiều thời gian, chi phí”.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường (Long An) - Nguyễn Văn Vũ, hạ tầng giao thông trên địa bàn ngày càng hoàn thiện. Tỉnh, thị xã đầu tư vốn để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Đặc biệt, ĐT819 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa mà còn có vai trò chiến lược quốc phòng - an ninh. Đồng thời, kết nối thị xã với các địa phương khác.
Nhiều tuyến giao thông đang được triển khai thi công, phục vụ phát triển KT-XH địa phương và tạo liên kết vùng. |
Tại huyện Đức Hòa (Long An), các tuyến giao thông ngày càng hoàn thiện. Tỉnh, huyện triển khai thi công nhiều tuyến đường “huyết mạch” trên địa bàn. Trong đó, ĐT824, ĐT825 thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp việc trao đổi, vận chuyển hàng hóa đến TP.HCM và ngược lại được thuận lợi, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo mối liên kết với TP.HCM.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hải Sơn (huyện Đức Hòa) - Phan Thanh Phong cho rằng: “Hạ tầng trong khu công nghiệp được đầu tư hoàn thiện. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường ngoài khu thuộc tỉnh, huyện quản lý cũng được hoàn thiện dần. Từ đó, doanh nghiệp thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, giao thương, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đặc biệt, tuyến ĐT825 trước cổng khu công nghiệp bây giờ được nâng cấp, mở rộng, đưa vào sử dụng, giúp người dân cũng như các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc vận chuyển hàng hóa”.
Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) - Trần Văn Lành cho biết: Nhờ tỉnh quan tâm nên hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư, xây dựng. Bên cạnh đó, huyện bố trí ngân sách và cố gắng kêu gọi xã hội hóa để nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường khác. Đến nay, giao thông trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển KT-XH, đồng thời tạo sự kết nối giữa huyện với các địa phương trên địa bàn tỉnh và tỉnh Tây Ninh, TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
TẠO LIÊN KẾT VÙNG
Những năm qua, Trung ương đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường qua địa bàn tỉnh như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tuyến Quốc lộ (QL) 1, QLN2, QL50,... giúp việc giao thương giữa các tỉnh với nhau thuận lợi, từ đó hình thành mối liên kết vùng.
Tuyến QL1 ngang qua địa bàn giúp tỉnh trở thành cầu nối, gắn kết các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Tuyến này ngày càng được mở rộng, các cầu cũng được duy tu thường xuyên, bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Bên cạnh đó, các huyện phía Đông của tỉnh kết nối TP.HCM, Tiền Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua tuyến QL50 (dài gần 90km). Những năm qua, QL50 luôn được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông và trao đổi hàng hóa. Ngoài ra, việc khánh thành cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ giúp thông tuyến QL50, từ đó việc giao thương, buôn bán của người dân trong tỉnh với các tỉnh, thành phố dễ dàng hơn so với trước đây.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Đước (Long An) - Huỳnh Văn Quang Hùng, giao thông trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Tại địa bàn, có tuyến QL50 chạy ngang, tuyến đường này có vai trò, ý nghĩa quan trọng với địa phương. Cầu Mỹ Lợi được đưa vào sử dụng, giúp người dân Long An nói chung, huyện Cần Đước nói riêng thuận lợi trong việc di chuyển, giao thương hàng hóa, tạo ra sự kết nối giữa các địa phương.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, hạ tầng giao thông phải bảo đảm với tốc độ phát triển và tạo mối liên kết với các địa phương trong vùng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) chỉ rõ tầm quan trọng của việc đầu tư hạ tầng giao thông. Do đó, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để xây dựng mới, mở rộng nhiều tuyến đường phục vụ mục tiêu trên.
Tuyến ĐT830 - công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) thông tuyến từ huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Hiện nay, tuyến từ Đức Hòa đến Bến Lức thực hiện theo hợp đồng BOT được đưa vào sử dụng. Các giai đoạn khác của tuyến đang được các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo kế hoạch. ĐT830 được đầu tư với tổng vốn trên 3.200 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến khoảng 55km. Tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH địa phương, đồng thời tạo sự liên kết giữa Long An với các địa phương khác, nhất là với TP.HCM.
Cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động, giúp thông tuyến Quốc lộ 50, tạo sự kết nối từ TP.HCM qua huyện Cần Giuộc, Cần Đước, tỉnh Long An với tỉnh Tiền Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. |
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An - Nguyễn Văn Học thông tin: “Nhiều năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển KT-XH địa phương, tạo được sự liên kết giữa Long An và các tỉnh, thành khác. Đối với các tuyến đường đang thi công, sở theo dõi, đôn đốc về tiến độ, kịp thời tham mưu giải pháp cho UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan. Các tuyến QL qua địa bàn, tỉnh kiến nghị Trung ương có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhằm phục vụ việc phát triển của địa phương cũng như tạo ra mối liên kết với các tỉnh, thành khác”.
Hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng hoàn thiện, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, đồng thời tạo sự liên kết giữa tỉnh và các địa phương khác. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp nắm bắt kịp thời các khó khăn để có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ của các công trình giao thông, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng”. Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An |
THANH MỸ
Theo baolongan.vn