Đà Nẵng - Thành phố Xanh quốc gia

Thứ Sáu, 31/08/2018, 15:59 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 10-7, Đà Nẵng vinh dự được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới công nhận Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018 - một danh hiệu xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền thành phố và người dân đang thực hiện để trở thành một đô thị phát triển xanh, bền vững.

Danh hiệu này cũng cho phép Đà Nẵng cùng 21 thành phố khác trên thế giới tiếp tục tham gia vòng bình chọn cuối cùng của cuộc thi Thành phố Xanh quốc tế để chọn ra một thành phố xuất sắc đoạt giải Thành phố Xanh toàn cầu.

Những công trình xanh, tuyến phố xanh xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố Đà Nẵng.
Những công trình xanh, tuyến phố xanh xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố Đà Nẵng.

ĐÀ NẴNG “XANH” LÊN MỖI NGÀY

Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển đô thị, Đà Nẵng đặt nền móng cho một đô thị văn minh, hiện đại. Theo đó, chính quyền địa phương kiên trì thực hiện chủ trương xây dựng thành phố môi trường, thành phố giảm thiểu phát thải các-bon; từ đây, tạo dựng thành phố thông minh - sáng tạo.

Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, việc phát triển cây xanh đô thị được quản lý và đầu tư đồng bộ. Theo đó, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý cây xanh đô thị, thực hiện xã hội hóa phát triển cây xanh.

Đến cuối năm 2017, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt 7,3m2/người, trong đó, cây xanh công cộng bình quân 3,07m2/người, cây xanh chuyên dụng 0,72m2/người; độ che phủ cây xanh toàn thành phố đạt 43,6%.

Hiện nay, chưa có luật về cây xanh đô thị, nhưng với tốc độ đô thị hóa cao, Đà Nẵng chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn giám sát, kiểm tra các chủ thể cũng như hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ và chăm sóc cây xanh.

Trong quy hoạch gắn với triển khai quy hoạch đô thị, thành phố ban hành quy hoạch danh mục cây xanh khuyến khích trồng trên đường phố tạo ra những tuyến đường cây xanh bóng mát phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Ở ven biển là dừa, muồng biển, phi lao, mù u… đáp ứng được sự phát triển và thích nghi nhanh với khí hậu. Khu vực cây xanh nội đô được chỉnh trang lấy lại mỹ quan đô thị. Những tuyến đường ven sông, ven biển hình thành hệ thống cây xanh cảnh quan cho đô thị và thực hiện chức năng phòng hộ, thích ứng cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật cũng được áp dụng làm cho nhiều tuyến đường có được những chủng loại cây xanh đặc trưng, hình thành những con đường, ngõ phố “có tâm hồn”.

Hệ thống công viên, vườn hoa, vườn dạo, các thiết chế văn hóa trong khu dân cư ở các quận, huyện được triển khai và đầu tư xây dựng. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng cũng tác động đến đầu tư phát triển hạ tầng cây xanh đô thị cho thành phố với việc nghiên cứu công nghệ sinh học để nhân giống một số loại cây bản địa đưa vào trồng trọt như: cây lá đỏ (lim lá thắm) hay thái diệp thảo lá xoắn và lá đỏ. 

Phương tiện sử dụng năng lượng sạch đang đưa vào sử dụng trong hoạt động du lịch ở thành phố.
Phương tiện sử dụng năng lượng sạch đang đưa vào sử dụng trong hoạt động du lịch ở thành phố.
Một xu hướng mới đang phát triển ở thành phố là các công trình xanh đang phát triển càng nhiều. Ngoài việc đưa cây xanh vào nhà, còn có các giải pháp thiết kế kiến trúc, xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng.

Tiêu chí không gian xanh đã trở thành một “sản phẩm” có tính hàng hóa trong kinh doanh thương mại-dịch vụ để thu hút khách hàng. Thực tế, ở những địa điểm dịch vụ có không gian xanh trở thành nơi “hot” như: dịch vụ cà-phê, nhà hàng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lớn như: khu du lịch, nghỉ mát cũng tạo dựng môi trường xanh, làm nên dấu ấn riêng gắn với thương hiệu.

Mảng xanh đô thị là gam màu sáng trong hệ sinh thái của “Thành phố môi trường”. Sau gần 10 năm, thành phố đạt 5/10 chỉ tiêu của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” gồm: chỉ số ô nhiễm không khí (API) luôn bảo đảm nhỏ hơn 100, diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên đầu người là 7,3m2/người; tỷ lệ 98% hộ dân tại 6 quận nội thành sử dụng nước sạch, tỷ lệ 85% nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý, tỷ lệ 98% thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành, ở nông thôn là 72%.

HÀNH ĐỘNG VÌ MỘT THÀNH PHỐ XANH BỀN VỮNG

Phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, thời gian qua, nội dung “không gian xanh” được nghiên cứu, phê duyệt theo Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, không gian xanh đã được khẳng định và triển khai trong thực tế và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quy hoạch, trong các dự án đầu tư phát triển của thành phố.

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số của Đà Nẵng ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí. Đà Nẵng đang nỗ lực giải quyết, kiểm soát ô nhiễm không khí bằng trách nhiệm chung của cả cộng đồng, giảm thiểu phát thải CO2.

Theo đó, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm soát, giảm ô nhiễm không khí, chuyển dịch các hoạt động sản xuất công nghiệp sang sản xuất thân thiện môi trường. Mặc dù thành phố tiếp tục đô thị hóa, dân số tăng, dịch vụ sản xuất tăng và các phương tiện ô-tô tăng, nhưng chỉ số ô nhiễm không khí được kiểm soát và giảm dần. Năm 2016, độ ô nhiễm không khí (API) ở khu vực nội thị là 59/100, năm 2017, giảm xuống 58/100.

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng cho biết: “Trong năm 2018, sẽ bảo đảm 85% nước thải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường, trong đó có 70% nước thải xử lý đạt yêu cầu; giám sát chặt chẽ các nguồn thải vào các lưu vực sông Hàn, sông Phú Lộc, sông Cu Đê và ven biển thành phố, kể cả nguồn thải từ các phương tiện giao thông đường thủy; từng bước thay thế sử dụng nước ngầm, trước mắt, chú trọng đến khu vực Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, tỷ lệ tái sử dụng nước đối với nguồn thải từ hoạt động lưu trú ven biển đạt 15%; thu gom, xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn xây dựng trong đô thị phát sinh…”.

Quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đa dạng các loại hình, phương tiện; thúc đẩy chuyển đổi nhiên liệu sạch. Thời gian tới, thành phố sẽ phát triển nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như: động cơ hybrid sử dụng nhiên liệu xăng và điện, phát triển phần đường dành cho xe đạp.

Đồng thời, tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như: lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng xăng sinh học; đặc biệt, một nhà máy chế biến rác thải đô thị thành năng lượng đang được khởi xướng xây dựng hay phát triển giao thông xanh như: dự án xe buýt nhanh, đi xe chung và phát triển hệ thống xử lý nước thải trên toàn thành phố.  

Đà Nẵng hiện đang triển khai nhiều giải pháp tiếp cận toàn diện về vấn đề thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu mà Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 đặt ra. Cụ thể, Đà Nẵng giảm 25% lượng phát thải các-bon vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2016.  

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF-Việt Nam chia sẻ: “WWF-Việt Nam vui mừng với danh hiệu “Thành phố Xanh” của Đà Nẵng. Như vậy, cùng với thành phố Huế, Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng đang trở thành những thành phố tiên phong và truyền cảm hứng cho các thành phố khác trong cả nước về phát triển xanh và bền vững”. 

TRIỆU TÙNG
(Theo baodanang.vn)

;
.