Năm nay, dự báo lũ về sớm và có nhiều khả năng mực nước lũ cao hơn những năm trước, tạo thuận lợi cho bà con nông dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, vì vậy nhu cầu mua các loại ngư cụ sẽ tăng cao. Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ đang háo hức chuẩn bị nguồn hàng, hy vọng đón mùa “lũ đẹp”…
Hoạt động sản xuất ngư cụ tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. |
Thời điểm này, không khí sản xuất kinh doanh tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm trở nên nhộn nhịp và sôi động hẳn lên. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ thuê thêm nhân công và làm việc cả ban đêm để chuẩn bị nguồn hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường.
Ông Phạm Phước Phong, chủ tiệm lưới Năm Tấn ở Làng nghề đan lưới Thơm Rơm, cho biết: "Nước lũ đã về các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp và dự báo lũ năm nay sẽ cao nên chúng tôi phải tăng cường sản xuất các loại ngư cụ từ một vài tháng trước để có hàng bán ngay khi thị trường có nhu cầu, chứ chờ đến lúc sức mua tăng cao mới làm thì không kịp. Nhìn chung sức mua ngư cụ cũng đã bắt đầu tăng khá. Cơ sở tôi đã có nhiều đơn đặt hàng".
Anh Trần Thiện An, chủ tiệm lưới Tư An, cho biết: "Dự báo, từ khoảng giữa tháng 7 âm lịch trở lên, sức mua các loại ngư cụ mới tăng mạnh do lúa thu đông bắt đầu thu hoạch và nước lũ tràn đồng, thuận lợi đánh bắt thủy sản mùa lũ".
Các tiệm lưới tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm sản xuất kinh doanh quanh năm nhưng cao điểm mùa kinh doanh trong các tháng mùa nước nổi, từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch hằng năm; để bảo đảm nguồn hàng, phải chuẩn bị nhân lực nhất là khi nhiều công đoạn sản xuất ngư cụ chủ yếu vẫn thực hiện thủ công và việc tìm thuê lao động ở nông thôn ngày càng gặp khó khăn.
Bà Lê Thị Thu Thủy, chủ tiệm lưới Tư Tân, cho biết thêm: "Mùa này, số lượng lao động làm việc tại tiệm lưới đã tăng gấp đôi so với trước với gần chục người, đồng thời cơ sở tôi còn giao nguyên liệu lưới cho một số hộ dân đem về nhà làm gia công thành phẩm. Nhiều lao động tham gia làm ngư cụ tại đây có thể đạt thu nhập từ 50.000-250.000 đồng/ngày".
Những năm gần đây, ngoài sản xuất các loại ngư cụ phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản nước ngọt, Làng nghề đan lưới Thơm Rơm còn tham gia sản xuất nhiều loại ngư cụ cung cấp cho ngư dân đánh bắt cả ở biển. Đến nay, các loại lú và ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển của làng nghề đã có mặt tại thị trường các tỉnh ven biển từ Mũi Cà Mau đến các tỉnh duyên hải miền Trung. Các công đoạn làm lú biển tại làng nghề như: bẻ sắt, buộc vành, thắt dây, vô hom, vô đuôi, vô mình, may lưới… được làm rất cẩn thận bằng tay đã cho ra đời những chiếc lú biển đảm bảo chất lượng và có khả năng đánh bắt cá rất tốt.
Theo nhiều tiệm lưới tại Làng nghề đan lưới Thơm Rơm, nhu cầu đặt hàng các loại lú và ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển cũng đang tăng cao, nhiều cơ sở phải mướn thêm các lao động thời vụ và lao động đến nhận nguyên liệu lưới về gia công thành các sản phẩm thành phẩm cung ứng lại cho cơ sở mới đáp ứng kịp các đơn hàng.
So với năm năm trước, hiện giá bán nhiều loại ngư cụ vẫn khá ổn định, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể, giá lưới mùng đang ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg; lưới bén loại thường 55.000 - 200.000 đồng/tay (chiều dài 80m - 100m), một số loại lưới cao cấp có giá 250.000 - 500.000 đồng/tay; lú giá 270.000 - 400.000 đồng/cái; chài nhỏ khoảng 280.000 - 400.000 đồng/cái, chài lớn 500.000 - 800.000 đồng/cái, dớn 35.000 - 200.000 đồng/cái…
Theo nhiều tiệm lưới, năm nay giá thuê nhân công và một số nguyên liệu phục vụ sản xuất ngư cụ đã tăng gần 10% so với năm trước, nhưng nhiều cơ sở vẫn giữ ổn định định giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng và mong muốn tăng lợi nhuận từ việc tăng số lượng hàng sản xuất và bán ra.
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, Làng nghề đan lưới Thơm Rơm hiện có 30 hộ tham gia sản xuất chính và gần 316 hộ tham gia gia công cho các hộ sản xuất chính, tập trung ở khu vực Tân Lợi 1 và khu Tân Lợi 2, phường Tân Hưng. Làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ trên tổng số 2.251 lao động của 2 khu vực. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 80.000 - 180.000 đồng/người/ngày. Doanh thu hằng năm của làng nghề ước đạt 40 - 45 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng tương đối khá trong ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của phường Tân Hưng, góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
KHÁNH TRUNG
Theo baocantho.com.vn