Thái Nguyên được biết đến là quê hương của những nương chè (trà) xanh ngút ngàn và hương chè xanh thơm ngon, đậm đà khiến xao xuyến lòng người. Nhắc đến Thái Nguyên người ta còn nhắc đến nền văn hóa ẩm thực truyền thống với đặc sản bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng gần xa.
Nguyên liệu để làm bánh chưng Bờ Đậu. |
Làng bánh Chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Điểm làm và bán bánh chưng tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu, nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với trục đường Tuyên Quang - Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái… đây được coi là nơi trung chuyển, giao thương bánh chưng Bờ Đậu đến các tỉnh miền Bắc.
THƠM NGON NỨC TIẾNG
Sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu có từ những năm 1960. Tổ nghề làm bánh ở đây được người dân cho là cụ Nguyễn Thị Xuân, thường gọi là cụ Đấng. Cụ Đấng là người ở xã Cổ Lũng. Dân làng kể lại, trước đây, quán bánh của cụ Đấng nằm gọn dưới một gốc cây phượng lớn ven đường, quán tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách vì hương vị thơm ngon của bánh chưng do cụ Đấng làm. Đến lúc về già, cụ truyền lại nghề cho các con cháu và bánh chưng Bờ Đậu được lưu truyền cho đến bây giờ.
Đến năm 2009, Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện nay, Làng nghề có 50 hộ dân tham gia sản xuất và kinh doanh bánh chưng.
Chia sẻ về kỹ thuật gói bánh để tạo nên những nét độc đáo riêng biệt, hương vị riêng của bánh chưng Bờ Đậu bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng ban quản lý Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết: “Bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon, có hương vị đặc trưng là do sự khắt khe, tỉ mỉ trong lựa chọn nguyên liệu để làm bánh. Bánh chưng Bờ Đậu được làm từ gạo nếp cái hoa vàng đặc sản của núi rừng, thứ gạo dẻo và đặc biệt rất thơm được chọn từ loại gạo nếp ngon vùng Định Hóa, Thái Nguyên; loại đậu xanh làm nhân bánh là thứ đậu quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng; thịt chọn gói bánh là loại thịt ba rọi ngon chắc nịch, thái miếng to, ướp muối, hạt tiêu ngấm đều; lá dong để gói bánh là thứ lá nếp, dày, xanh mướt, bản rộng. Lá dong từ rừng Na Rì, chợ Đồn, Bắc Kạn; lạt buộc bánh phải là thứ lạt chẻ bằng giang bánh tẻ. Tất cả công đoạn làm bánh đều được làm hoàn toàn thủ công, bằng đôi tay khéo léo của người nghệ nhân mà không cần đến khuôn vẫn vuông vức”.
Bà Nguyễn Bích Liên chia sẻ: “Đậu xanh sau khi mua về sẽ được đãi sạch và đồ chín sau đó vắt thành từng phần nhỏ cho vào giữa lòng chiếc bánh. Cùng với đậu là thịt ba rọi tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc và gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Việt Bắc.
Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Thời gian luộc bánh kéo dài từ 8 - 10 giờ, đến khi nước cạn phải tiếp thêm nước. Chú ý, luộc bánh chưng phải để lửa đều cho bánh chín từ trong ra ngoài”.
Bánh chưng được xếp cẩn thận vào nồi để luộc. |
Theo tìm hiểu, một trong những “bí quyết” để làm nên hương vị đặc biệt cho bánh chưng Bờ Đậu đó chính là nguồn nước luộc bánh. Ông Ngô Tiến Sỹ - một người hơn 30 năm gói bánh chưng tại làng nghề cho biết: “Để làm bánh chưng ngon, quan trọng nhất là lựa chọn nguyên liệu và gói chặt tay kết hợp với luộc bánh bằng nguồn nước tự nhiên”.
Ông Ngô Tiến Sỹ gói bánh chưng. |
Có lẽ, nhờ nguồn nước đặc biệt đã làm nên hương vị có một không hai của bánh chưng Bờ Đậu. Cũng chính vì vậy mà dân gian đã có câu: “Bánh chưng luộc nước giếng thần/Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”.
KHÁ GIẢ NHỜ BÁNH CHƯNG
Làng bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp tết. Theo tìm hiểu, trước đây khi chưa có làng nghề bánh chưng, người dân xã Cổ Lũng chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, trồng chè. Các hộ gia đình đa số sống trong cảnh nhà tranh, vách đất.
Nhờ có nghề làm bánh chưng truyền thống, cuộc sống của người dân dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt từ khi được công nhận làng nghề, làng bánh chưng Bờ Đậu đã tạo được thương hiệu nức tiếng gần xa.
Trung bình, một chiếc bánh chưng được được bán với giá 30.000 đồng. Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Trong đó, bánh được chia làm nhiều loại, giá cả cũng có sự chênh lệnh nhau.
Đối với loại bánh chưng nhỏ được bán với giá 10.000 đồng/1 chiếc. Loại bánh chưng vuông cỡ vừa có giá 20.000 đồng/1 chiếc. Đối với bánh vuông to, chủ yếu bán trong ngày tết có giá 50.000 đồng/1 chiếc.
Nghề bánh chưng không những tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình phát triển kinh tế. Đến Cổ Lũng có thể thấy san sát những ngôi nhà tầng kiên cố, khang trang. Trong đó, là cửa hàng bán bánh chưng khang trang của gia đình ông Nguyễn Văn Đức, một thương binh đã làm vươn lên làm giàu từ nghề làm bánh chưng. Hiện nay cửa hàng của ông Đức trở thành một nhà phân phối bánh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cho đến nay, bánh chưng Bờ Đậu chưa có hợp đồng xuất ngoại, tuy nhiên người dân cho biết, rất nhiều bạn bè công tác ở nước ngoài thường về đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương.
T.H
Theo moitruong.net.vn