.

Phát triển cây ăn quả đạt chuẩn: Xu thế tất yếu

Cập nhật: 08:02, 11/07/2018 (GMT+7)

Những năm qua, giá cả của một số loại nông sản cây công nghiệp dài ngày nhất là cà phê, hồ tiêu biến động theo xu thế giảm. Trong hoàn cảnh đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm bằng việc trồng xen, trồng thuần các loại cây ăn quả khác nhau. Điều này đã làm cho diện tích cây ăn quả của tỉnh tăng mạnh hàng năm.

Đắk Mil là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh Đắk Nông, với khoảng 1.100ha tập trung ở Đắk Gằn, Đức Mạnh, Đắk Sắk, Thuận An. Các loại cây chủ yếu được nông dân trên địa bàn sản xuất là xoài 302ha, sản lượng 2.144 tấn và sầu riêng 428 ha, sản lượng 4.959 tấn; thanh long 49 ha, sản lượng 572 tấn…

Huyện Đắk Mil hiện có hơn 300ha xoài, tập trung chủ yếu tại xã Đắk Gằn và Đắk R’la.
Huyện Đắk Mil hiện có hơn 300ha xoài, tập trung chủ yếu tại xã Đắk Gằn và Đắk R’la.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil thì hiện nay xu hướng sản xuất sạch, theo các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ đang được nhiều nhà vườn áp dụng. Theo đó, trong canh tác, nhà nông đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thay vào đó là dùng nhiều phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học nhằm phòng, chống sâu bệnh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp – PTNT Đắk Nông), hiện nay, xu hướng sản xuất các loại cây ăn quả theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận ngày càng được nông dân quan tâm nhiều hơn. Cụ thể, toàn tỉnh Đắk Nông đã có 116,7ha cây ăn quả được chứng nhận đạt VietGAP, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) gồm: sầu riêng 47ha, măng cụt 8ha, cam, quýt, bưởi 12ha, chanh dây 9,5ha, bơ 37,7ha và chuối 2,5ha. Nhiều sản phẩm được tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài nước. Do đó, những năm gần đây, số lượng nhà vườn đăng kí với cơ quan quản lý việc hướng dẫn, hỗ trợ, chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Đã có một số mô hình trồng cây ăn quả liên kết với DN lớn, uy tín hàng đầu trong nước thu mua phục vụ xuất khẩu như sầu riêng của trang trại Gia Trung (TX.Gia Nghĩa), chuối già lùn của trang trại Trung Thành Phát (Đắk R’lấp) với lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Điều này cũng chứng tỏ rằng nông dân của tỉnh Đắk Nông đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phải áp dụng các quy trình khoa học vào sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm sự bền vững.

Nhiều người đến học tập kinh nghiệm tại Trang trại sầu riêng đạt chuẩn GlobalGap của ông Nguyễn Ngọc Trung ở Đắk Nia, TX.Gia Nghĩa.
Nhiều người đến học tập kinh nghiệm tại Trang trại sầu riêng đạt chuẩn GlobalGap của ông Nguyễn Ngọc Trung ở Đắk Nia, TX.Gia Nghĩa.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (TX.Gia Nghĩa) đang sở hữu vườn sầu riêng qui mô tới 40ha theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP cho biết: "Liên kết sản xuất theo chuỗi bên cạnh những yêu cầu khá khó cho nông dân trong tuân thủ các quy trình, kỹ thuật thì có rất nhiều cái lợi mà sản xuất nhỏ lẻ không thể nào sánh bằng. Hơn thế, DN còn đem lại lợi ích nhiều cho nhà nông trong quy trình nhờ khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm làm nâng tầm giá trị".

Có thể khẳng định, nhờ áp dụng sản xuất đạt chuẩn theo các quy trình, trái cây của nông dân Đắk Nông có thể cạnh tranh bình đẳng với tất cả sản phẩm nông sản của nông dân quốc tế mà không sợ thiệt thòi vì bảo đảm tất cả những yêu cầu cao nhất về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Do vậy, việc chú trọng và tăng diện tích cây ăn quả đạt chuẩn là xu thế tất yếu mà ngành Nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông và nông dân đang hướng tới.

HỒNG THOAN
(Theo baodaknong.org.vn)

.
.
.