.

Nơi neo giữ yêu thương

Cập nhật: 17:39, 11/04/2025 (GMT+7)

Khi còn nhỏ, tôi nhiều lần chứng kiến gia đình đợi một thành viên về ăn cơm cùng. Không chỉ đợi ba-người lao động chính, lớn nhất trong nhà, có khi cả nhà đợi cô em út dự sinh hoạt lớp, đợi bà chị mải bán hàng nên về muộn. Cứ có ai đó về quá muộn khi cả nhà đã bắt đầu ăn thì một thành viên lại đứng lên lấy chén, đũa, ly cho người đó. Nếu chúng tôi quên thì ba mẹ nhắc thực hiện. Mỗi thành viên dù làm gì đều cố sắp xếp thời gian để về ăn cơm cùng nhau vì biết mọi người vẫn đang mong mình.

Trong bữa cơm, chúng tôi chỉ ưu tiên nói những chuyện vui, dành cho nhau lời chia sẻ, động viên. Ai đó nói những chuyện buồn, bi quan, cáu gắt lập tức được xoa dịu, chuyển chủ đề. Dần dần, bữa cơm không chỉ là nơi nạp dinh dưỡng mà còn là điểm hội tụ giúp cân bằng tinh thần, lấy lại hứng thú để sống, làm việc mặc cho cuộc đời còn nhiều lo toan.

Những năm gần đây, khi chúng tôi trưởng thành, ba mẹ vẫn giữ thói quen tổ chức những bữa cơm gia đình để con cháu quây quần bên cha mẹ, ông bà vào dịp cuối tuần. Sự chia sẻ trong các bữa ăn này cũng giống như khi tôi còn nhỏ dù số thành viên ngày một đông hơn vì gia đình có thêm cháu, chắt.

Càng trưởng thành tôi càng thấm thía, bữa cơm gia đình không chỉ là một hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh tồn, mà còn là một phần văn hóa, một không gian chất chứa những giá trị tinh thần sâu sắc. Mỗi bữa cơm là một dịp để thắp lên yêu thương, để cha mẹ truyền lại cho con trẻ bài học về cách sống, truyền thống, đạo đức, sự quan tâm và nhường nhịn. Đó cũng là khoảng thời gian con người tạm gác lại muộn phiền để tìm lại sự bình yên nơi tổ ấm và biết trân quý hơn những khoảnh khắc bên người thân.

Công việc càng phát triển tôi càng bận bịu. Ban đầu tôi phải gác lại những lần về thăm, ăn cơm cùng ba mẹ, sau tôi nhận ra nếu lấy lý do bận thì sẽ kéo dài việc này đến hết đời và khi ba mẹ về già sẽ hối hận. Ai trong chúng ta cũng có những lúc mải miết chạy theo giấc mơ xa, hoài bão lớn nằm ngoài khung cửa quen thuộc của mái nhà. Cuộc sống hiện đại, với sự gấp gáp và bộn bề, dễ khiến con người xa rời những gì bình dị mà quý giá. Nghĩ vậy, tôi bèn sắp xếp những khoảng thời gian cố định để về với ba mẹ và bất cứ việc gì dù quan trọng đến mấy cũng phải nhường chỗ.

Ý thức về bữa cơm gia đình lớn trở lại trong tôi và phát triển thành ý thức chung về việc dành thời gian quan tâm, chăm lo cho ba mẹ với những việc giản dị nhưng thiết thực, chất chứa tình thương. Khi thì mua cho ba mẹ đôi giày, bộ quần áo mới, khi thì đưa ba mẹ đi khám sức khỏe định kỳ, đi du lịch. Khi thì gửi cho ba mẹ ảnh, video về những đứa cháu của ông bà, khi thì đưa chúng về thăm cùng để ông bà trở lại với năm tháng chăm con nhỏ.

Tôi cũng nhận ra những lúc nghe tôi khoe thành tích trong công việc ba mẹ không vui bằng những lúc được quan tâm, săn sóc, chia sẻ. Bởi sợi dây gắn kết gia đình là những gì thật thiêng liêng, có giá trị hơn cả danh vọng, tiền bạc. Một nhà văn nổi tiếng từng tâm sự, ông sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp để lấy cảnh sống cuối mỗi ngày có người phụ nữ đợi mình về ăn cơm. Cách nói mang nhiều ý nghĩa tượng trưng ấy một lần nữa khẳng định giá trị của một gia đình đầm ấm.

PHẠM CƯỜNG

 
.
.
.