Tôi đã khóc vì không có giày để đi...
Có lần, tôi vừa bước vào tòa nhà nơi mình sinh sống sau khi tập thể dục buổi sáng thì bắt gặp một người ngồi trên xe lăn cố gắng di chuyển lên bậc cửa. Tôi định giúp anh đẩy chiếc xe lên nhanh hơn nhưng ông ra hiệu không cần, tự mình nỗ lực di chuyển như một việc quen thuộc. Khi đến gần thang máy, anh nhìn tôi, cười rạng rỡ: “Xin chào! Thời tiết sáng nay thật dễ chịu đúng không?” Nhìn nét mặt anh, tôi chợt thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Ấn tượng với vẻ lạc quan, tràn đầy năng lượng của một người tàn tật, tôi xin số điện thoại để làm quen và biết chắc sẽ được nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa.
Anh kể, năm gần 30 tuổi, khi đang là một thương nhân, anh bị mất hai chân sau một vụ tai nạn. Mọi thứ chung quanh, tương lai đầy hứa hẹn như tan biến trong nỗi thất vọng, đau đớn. Thời gian đầu, người nhà phải trông chừng vì sợ anh tìm đến cái chết và quả thật, những lúc chạnh lòng anh lại muốn tự giải thoát cho bản thân, gia đình bằng cái chết. Để nguôi ngoai phần nào, anh tìm đọc nhiều sách về gương người tàn tật thành công nhờ nghị lực phi thường và sách chuyên sâu về tài chính. Sau thời gian đầu phải cắn răng chịu đựng, anh tìm được niềm đam mê với kiến thức kinh tế và hoạt động đầu tư tài chính. Theo thời gian, anh dần gây dựng được uy tín và trở thành một chuyên gia tài chính được nhiều nơi mời nói chuyện truyền kinh nghiệm, một nhà đầu tư thành công.
Nghĩ về quá khứ, anh không chỉ rũ bỏ được nỗi đau khổ, nuối tiếc mà còn cảm thấy may mắn, vì nhờ vụ tai nạn ấy anh học được bài học vươn lên, vượt qua những giới hạn, tìm được đam mê của cuộc đời mình và thành công với đam mê đó. Hình ảnh gây ấn tượng nhất ở anh là gương mặt rạng rỡ của một người luôn biến mọi khoảnh khắc của cuộc đời, kể cả trong hoàn cảnh tưởng là bi kịch, trở thành những phút giây diệu kỳ đáng tận hưởng.
Trong cuộc sống, có những người như anh, biến mất thành được, biến quả chanh đắng mà số phận trao cho để thử thách thành ly nước chanh thơm ngọt. Nhưng cũng có những người coi sự kém may mắn là lý do cho mọi đau khổ, bế tắc, thay vì tìm lối thoát của cuộc đời mình thì sa vào than thân trách phận. Tôi từng gặp một người từng là giám đốc điều hành của doanh nghiệp lớn, có uy tín rộng khắp. Không may, do những biến cố trên thương trường, doanh nghiệp này phá sản, anh giám đốc mất việc ở tuổi 40. Anh chới với, hẫng hụt vì bao nhiêu tâm huyết, công sức từ khi mới ra trường dồn cả vào công ty nay đã sụp đổ tan tành. Không còn năng lượng để bắt đầu lại, anh chìm vào những cuộc nhậu triền miên với những câu chuyện hướng về quá khứ thành đạt đầy tiếc nuối. Ai hỏi anh về dự định tương lai, anh thường thở dài, buông câu nói chán nản: “Tuổi này rồi còn cố làm gì nữa!”.
Nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ Hellen Keller từng tâm sự: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Câu nói của người phụ nữ khiếm thị, khiếm thính vượt lên nghịch cảnh nhắn gửi thông điệp đến nhiều thế hệ trên thế giới: đừng buồn bã với những gì mình chưa có mà hãy trân trọng những gì mình có.
Nhưng thậm chí có những người không “đặt điều kiện” với cuộc đời phải sở hữu điều gì để hạnh phúc mà tìm được hạnh phúc vô điều kiện trong mọi hoàn cảnh. Từ sự cân bằng trong tâm hồn ấy sẽ dẫn tới sự sáng suốt, tâp trung về trí tuệ giúp con người đạt tới thành công. Thiên đường hay địa ngục được hình thành và quyết định ngay trong tâm hồn mỗi người.
PHẠM CƯỜNG