.

Điều thuyết phục hơn giáo huấn

Cập nhật: 16:50, 14/02/2025 (GMT+7)

Khi các con bước vào tuổi dậy thì, bộc lộ sự bướng bỉnh, tôi thường bỏ ra hàng chục phút để tâm sự, cho con xem những video và giải thích về lòng biết ơn cha mẹ. Vậy mà, đôi lúc có cảm giác các con chỉ nghe chiếu lệ, không thấm thía những gì mình muốn nói, tôi lại hồi tưởng việc cha mẹ dạy về lòng biết ơn. Cha mẹ tôi không bao giờ giảng giải cho các con về lòng biết ơn mà chỉ thể hiện điều này bằng hành động với ông bà tôi.

Cũng như nhiều gia đình trải qua mấy cuộc chiến tranh, ông bà tôi nhiều năm sống trong cảnh nghèo khó, vì thế cha mẹ đỡ đần ông bà rất nhiều. Khi lớn tuổi, ông tôi giảm sút minh mẫn, đi lại khó khăn, cha mẹ đón về, sắp xếp một chỗ thoáng mát, sạch sẽ nhất trong nhà để ông nghỉ ngơi. Hằng ngày, bố trực tiếp tắm gội, mẹ trực tiếp nấu những bữa ăn theo chế độ đặc biệt, đến bên giường thủ thỉ trò chuyện với ông suốt 10 năm trời. Bố mẹ giải thích chỉ khi trực tiếp chăm lo mới có cảm giác an tâm về điều kiện sống, sức khỏe của ông, về việc mình đã phần nào giữ được đạo hiếu.

Đến khi bà tôi già yếu, bố mẹ lại làm điều tương tự như với ông. Có một điều khiến chúng tôi cảm phục, từng ấy năm chăm sóc ông bà giữa bộn bề lo toan, bố mẹ không than thở một câu. Đôi lúc tôi tự hỏi họ có mệt mỏi không mà sao luôn tươi cười khi chăm sóc ông bà, rồi tự tìm được câu trả lời: Con người bằng xương bằng thịt ai cũng có lúc mệt mỏi nhưng bố mẹ đã giấu vào trong, xua tan nó đi bằng những gì lớn lao hơn. Không phải bố mẹ trả hiếu ông bà theo cách nói thông thường, bởi nếu vậy sẽ có những lúc họ bộc lộ sự mệt mỏi, mà cao hơn thế, họ dành cho các bậc sinh thành tình yêu thương. Sự trả hiếu là báo ơn, động lực này vẫn xuất phát từ lý trí, tình yêu thương không còn là lý trí, đó là điều thiêng liêng, sâu thẳm biến thành nguồn năng lượng bất tận, nguồn động lực bền bỉ vô biên.

Những ai quen biết thường nhận xét bố mẹ tôi khéo léo trong giao tiếp nhưng có một quy luật đó là người ta có thể diễn kịch với xã hội nhưng không thể diễn kịch với con mình. Những gì bố mẹ làm chúng tôi đều chứng kiến và thẩm thấu, coi đó là bài học cho cả cuộc đời. Khi bố mẹ lớn tuổi, chúng tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt như lúc còn nhỏ, cả nhà quây quần trong một mái nhà. Sau những giờ làm việc bận rộn, chúng tôi thường về với bố mẹ, quây quần bên mâm cơm, xin ý kiến bố mẹ từ việc lớn đến việc nhỏ, coi việc chăm sóc sức khỏe bố mẹ là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình.

Nhờ thế, chúng tôi nhận được nhiều lời khuyên bổ ích. Có lần tôi hỏi ý kiến bố mẹ về việc có cơ hội được trao một chức tước và bước vào quan trường. Họ hỏi tôi: “Con có thực sự hứng thú với công việc này không hay chỉ muốn thỏa mãn tâm lý ganh đua vị trí với người khác? Con đã chuẩn bị để đứng vững trước những cám dỗ khi có quyền hành trong tay chưa?”. Tôi lắng lại suy nghĩ rồi chợt thấy từ lâu mình có thói quen mỗi ngày không viết ít dòng sẽ thấy hẫng hụt và nếu không làm báo sẽ thấy buồn bã. Vậy, hãy sống đúng là mình.

Và tôi nghiệm ra, những gì bố mẹ dành cho ông bà đều là hiện thân của tình yêu thương và chúng tôi cũng dành cho bố mẹ tình yêu thương tương tự. Các con tôi là chứng nhân của điều này và sẽ nối dài tình yêu thương lớn hơn cả lòng biết ơn ấy mà không cần bất cứ lời giáo huấn nào.

PHẠM CƯỜNG

.
.
.