.
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Người truyền lửa

Cập nhật: 15:22, 15/11/2024 (GMT+7)

20/11 là dịp để các thế hệ học sinh bày tỏ lòng tri ân đối với thầy cô, những người đã đóng góp không ngừng nghỉ vào sự nghiệp giáo dục, dẫn dắt thế hệ trẻ phát triển cả về trí tuệ lẫn nhân cách. Vũng Tàu Chủ nhật trân trọng gửi đến bạn đọc những cảm xúc, trăn trở của thầy cô giáo cũng như học sinh trong ngày đặc biệt này.

Cô Lê Ngọc Yến cùng học sinh của trường.
Cô Lê Ngọc Yến cùng học sinh của trường.

Năm 2014, tốt nghiệp ĐHSP TP.Hồ Chí Minh chuyên ngành Giáo dục Tiểu học và được phân công về dạy tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Dù không xuất thân từ gia đình có truyền thống sư phạm, tôi vẫn mang trong mình tình yêu nghề từ nhỏ, yêu nét chữ đẹp, sự ân cần của thầy cô. Tình yêu nghề của tôi lớn dần qua năm tháng, trong đó có trải nghiệm học tập tại Đại học Gwangju, Hàn Quốc đã giúp tôi tin tưởng vào sứ mệnh của người thầy, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy tiềm năng của học sinh.

Khi ai đó hỏi tôi vì sao lại chọn chuyên ngành giáo dục tiểu học, tôi luôn trả lời rằng đây là ngành học nền tảng, là bước đệm đầu tiên giúp hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Vì vậy, người giáo viên tiểu học không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn phải thấu hiểu tâm lý trẻ, luôn tìm tòi những phương pháp giảng dạy sáng tạo để từng học sinh đều được học một cách hiệu quả và thú vị. Đứng trước những học trò thân yêu của mình, tôi hiểu rằng bản thân không ngừng phải phấn đấu, học hỏi mỗi ngày để xứng đáng với vai trò của người truyền lửa.

Trong suốt 10 năm gắn bó với nghề, có biết bao kỷ niệm đáng nhớ nhưng sâu sắc nhất vẫn là những ngày đầu tiên khi tôi còn là một giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết và không ít bỡ ngỡ. Năm ấy, tôi được phân công dạy lớp 3. Trong lớp có một vài học sinh đặc biệt rất cần sự hỗ trợ từ thầy cô và bạn bè. Và cậu bé tên Trần Khang đã để lại cho tôi ấn tượng nhất.

Trần Khang ít nói nhưng có năng khiếu âm nhạc và hội họa. Em thường thu mình, không tập trung vào bài giảng, nhưng mỗi lần chơi piano, em lại đắm chìm và tập trung đáng kinh ngạc. Điều này khiến tôi tò mò tìm hiểu về em và phát hiện em còn biết viết tiếng Nga, nhờ học từ ba mẹ. Qua đó, tôi hiểu thêm về chiều sâu nội tâm của Khang và bắt đầu thay đổi cách tiếp cận, khuyến khích em thể hiện tài năng.

Dần dần, Khang cởi mở hơn, tham gia các hoạt động nhóm và tự tin hơn trong lớp. Đỉnh điểm là khi em tình nguyện chia sẻ về những bức tranh của mình trước lớp, lần đầu tiên em mạnh dạn thể hiện bản thân. Kỷ niệm với Khang đã giúp tôi thấm thía hơn về sứ mệnh của người thầy - không chỉ là dạy kiến thức mà còn là hành trình giúp học sinh khám phá và phát triển bản thân, nhận ra tiềm năng riêng.

Câu chuyện về Khang đã trở thành động lực để tôi tiếp tục cố gắng, kiên nhẫn trên hành trình giảng dạy, với niềm hạnh phúc lớn nhất là khi chứng kiến học sinh trưởng thành và tự tin bước vào đời.

LÊ NGỌC YẾN
(GV Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP. Vũng Tàu)

.
.
.