Giọt nước mắt và tình bạn
Nam là một cậu học trò lớp 7 có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt đượm buồn, sâu thẳm như đáy hồ chất chứa nhiều nỗi đau. Cậu sống khép mình giữa đám đông, như một cánh hoa dại lạc lõng giữa cánh đồng rực rỡ. Đại dịch COVID-19 tràn qua, cuốn theo cha mẹ Nam, để lại cậu trong sự mất mát đau đớn. Kể từ đó, Nam sống cùng bà ngoại già yếu, người thân duy nhất còn lại trên cõi đời.
Cô trò Trường THCS Châu Thành (Vũng Tàu) trong buổi sinh hoạt diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”. |
Mỗi ngày, cậu đến trường trong bộ đồng phục cũ sờn, chiếc ba lô rách quai minh chứng cho những tháng ngày gian khó. Trong tay Nam, những cuốn sách vở mỏng manh - món quà từ sự giúp đỡ của nhà trường - chiếc phao cứu sinh giữa đại dương bão tố, giúp cậu duy trì việc học và ấp ủ hy vọng về ngày mai tươi sáng.
Thế nhưng, ở lớp học, Nam luôn là mục tiêu của những trò trêu chọc ác ý. Những lời nói “đồ mồ côi” hay “nhà nghèo chuyên nhận hỗ trợ” từ miệng của các bạn như những mũi dao vô hình đâm vào trái tim cậu, khiến từng chút một niềm tin và sự lạc quan trong cậu vỡ vụn. Cậu cố gắng thu mình, dần trở thành một chiếc vỏ sò, giữ lại nỗi đau riêng cho mình. Không tìm thấy ai để sẻ chia, Nam chọn cách gửi gắm lời thở than vào những dòng trạng thái buồn bã, như từng giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống đại dương mạng xã hội bao la.
Cô giáo chủ nhiệm âm thầm quan sát, trái tim cô không khỏi nhói đau trước cậu học trò nhỏ bé của mình. Cô cố gắng đến gần, hỏi han ân cần, mong kéo Nam ra khỏi thế giới khép kín ấy. Nhưng Nam như một chú ốc sên nhút nhát, càng bị tổn thương càng thu mình sâu hơn. Cô hiểu rằng chỉ sự quan tâm thôi chưa đủ, vì thế, cô lặng lẽ gặp nhóm bạn thường trêu chọc Nam để nói chuyện, mong họ thấu hiểu mà dừng lại. Thế nhưng, những lời ấy như gió thoảng qua tai, nhóm bạn càng bày thêm trò chế giễu Nam nhiều hơn. Những dòng tin nhắn, những lời bình luận vô tâm tạo ra những vết xước sâu hoắm trên tấm gương tâm hồn của Nam, để lại những vết thương khó lành.
Một buổi tối, Nam đăng lên mạng dòng trạng thái: “Ngày mai các người sẽ hối hận!” Dòng chữ ấy nặng nề tựa một áng mây đen ẩn chứa cơn bão đang cuồn cuộn kéo tới, khiến cô giáo vô cùng hốt hoảng. Tối hôm đó, Phúc - một người bạn trong lớp - kể với cô giáo về việc: Hôm nay Nam đã tâm sự với Phúc về “cách kết thúc” đau đớn khiến cô đứng ngồi không yên, cô lật đật điện thoại cho bà của Nam, dặn dò bà trông nom Nam cẩn thận. Sáng hôm sau, cô tức tốc đến trường từ sớm, đứng chờ Nam trước cổng với đôi mắt đầy lo âu. Khi thấy Nam bước vào với gương mặt u ám, cô nhẹ nhàng tiến đến. Cô ôm cậu vào lòng, vỗ về như một người mẹ ôm con sau giông bão, dịu dàng nói: “Nếu có chuyện gì, con hãy tâm sự với cô. Cô luôn ở đây để giúp đỡ con”. Một giọt nước mắt nóng hổi lăn vào cánh tay cô bỏng rát.
Về phía nhóm bạn hay trêu chọc Nam, cô thu thập bằng chứng về những lời lẽ xúc phạm, sau đó mời phụ huynh của các bạn ấy đến trao đổi. Các phụ huynh khi biết chuyện đều bàng hoàng, cam kết sẽ nhắc nhở con mình. Chính tình yêu thương, sự quan tâm của cô và phụ huynh đã làm cho lớp học lặng sóng sau cơn giông, những lời trêu chọc dần tan biến, trả lại sự yên bình cho Nam. Mặc dù vậy tận sâu trong đáy lòng, nhóm bạn vẫn chưa thực sự mở rộng vòng tay đón chào Nam.
Vài tuần sau, trường tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, ở phần thi bơi sôi động, Nam - được mệnh danh là chiến binh hồ nước - tham gia cùng các bạn. Khi cuộc thi diễn ra, Huy - một trong những người đứng đầu bày trò trêu Nam - bất ngờ bị chuột rút giữa hồ, cố vùng vẫy với khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn. Không chút do dự, Nam lập tức bỏ dở cuộc thi, bơi nhanh về phía Huy, dìu cậu lên bờ. Cả lớp lặng người trước hành động đẹp của Nam, ngỡ ngàng khi thấy Nam sẵn sàng từ bỏ chiến thắng để giúp đỡ người bạn từng làm mình tổn thương.
Khi lên bờ, Huy nắm chặt tay Nam, mắt đỏ hoe, nói lời xin lỗi chân thành. Khoảnh khắc ấy, trái tim cả lớp như tan chảy, mọi ánh mắt nhìn Nam không còn là lạnh lùng thay vào đó là sự ấm áp và trân trọng. Tiếng cười trong trẻo lại rộn rã trong lớp học, như tia nắng rạng ngời len lỏi qua kẽ lá, soi sáng tâm hồn của từng người.
NGỌC NHUNG