.

Nơi cuối con đường

Cập nhật: 15:13, 15/12/2023 (GMT+7)

Khi chị đến, Phan vẫn chưa rời mắt khỏi tập bản thảo. Anh nói vọng ra: “Cửa không đóng, chị vào đi. Tôi có nghe vợ nói là chị sẽ đến!”. Tiếng chân chị tới gần. Từng bước chân có vẻ chậm lại. Phan gỡ cặp mắt kiếng, dợm đứng lên. Anh khựng lại. Trước mặt anh là người phụ nữ đứng tuổi. Chị có nước da đen sạm, một chân bên trái bị dị tật nên từng bước đi có vẻ khó nhọc. Trên tay chị là túi đồ to kềnh. Phan đỡ túi đồ trên tay chị, cố bình tĩnh để che giấu vẻ bàng hoàng khi vừa đối diện với một thân hình gần như là dị dạng.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Thực ra thì Phan không phải là người chuộng hình thức, nhưng vì Thư - vợ anh đã không ngớt lời khen chị giúp việc mới này. Thư còn nói, nếu có chị ấy chăm sóc anh, em sẽ rất yên tâm. Giờ thì Phan mới hiểu ý nghĩa của sự “yên tâm” mà Thư nhấn mạnh.

Trái với cá tính năng động của Thư, Phan sống nội tâm, không có khiếu giao tiếp. Tốt nghiệp sư phạm với tấm bằng loại giỏi nhưng anh chỉ tiếp xúc với ngành nhà giáo được đúng ba tháng. Không đủ yêu nghề nên anh chuyển qua nghề tay trái: viết văn. Số phận mỉm cười với anh bằng những kết quả bước đầu kha khá. Tên tuổi của Phan dần được biết đến. Nhưng mãi đến khi thời kỳ của phim truyền hình nở rộ, anh mới có thể kiếm sống bằng nghề viết kịch bản.

Thư chưa bao giờ xem hết một tập phim nào của Phan. Rủ rê mãi, Thư cũng chỉ coi được vài phân đoạn ngắn, rồi dụi đầu vào ngực anh, nũng nịu: “Em buồn ngủ quá anh à!”. Phan chiều vợ nên cũng vui vẻ tắt đèn đi ngủ.

Thư thích kinh doanh. Cô có hẳn một công ty nhỏ và đảm nhiệm tất tần tật mọi công việc trong công ty. Vì thế mà Thư lúc nào cũng rất bận rộn. Phan hay trêu: “Nhìn em không giống giám đốc!”. Thư cũng không vừa: “Trong mắt anh, em chỉ cần giống… vợ anh là được!”…

Thư mạnh mẽ nhưng dịu dàng và đôi khi cũng yếu đuối. Thư mạnh mẽ để Phan cảm nhận được bên cạnh mình luôn có bờ vai vững chắc để anh có thể tựa vào trong những cơn bão tố của cuộc đời. Thư dịu dàng để anh cảm nhận cuộc đời này còn quá nhiều cái đẹp. Thư yếu đuối để vòng tay anh trở nên không thừa thãi, anh có thể ôm lấy cô, vỗ về cô suốt cuộc đời này. Phan yêu tất cả những gì của Thư, thuộc về Thư.

Duy một điều anh không thích ở Thư: Cô ấy quá ghen! Mà ghen với ai cho đáng, lại đi ghen với con bé giúp việc. Thư bảo lúc này bận quá nên không chăm sóc chu đáo cho anh được. Có vợ mà anh cứ phải cơm hộp, mì gói thì thấy áy náy quá! Thư quyết định thuê ô sin để vừa gánh vác việc nhà giúp cô, vừa lo cho anh có bữa cơm, canh nóng.

Cô bé giúp việc đầu tiên mà chính Thư phỏng vấn quê ở quê mới lên. Đang ở tuổi mới lớn nên nhìn nó lúc nào cũng phơi phới. Con gái miền quê thường vô tư, chân chất nên chẳng đủ tinh tế để bắt gặp những ánh nhìn khó chịu của Thư khi nó cười rất tươi với Phan. Chỉ có vậy là mất việc. Ở tình huống ấy, Phan càng ra sức giữ nó lại, minh oan cho nó thì chỉ tổ càng bị nghi ngờ. Vì thế anh mà im luôn.

Rút kinh nghiệm, người thứ hai mà Thư tuyển vào làm giúp việc là một bác cỡ chừng gần năm mươi tuổi. Thư còn đánh động trước với Phan: “Tình trạng ô sin thời hiện đại báo chí nói hà rầm. Em phải tỉnh táo chứ không thì mất chồng như chơi!”. Chẳng ai có thể biết trước chữ ngờ. Tưởng đâu chắc chắn lắm, ai ngờ vẫn bị cho thôi việc một cách chóng vánh. Nhanh đến độ Phan chưa kịp hiểu ra lý do gì. Hỏi mãi Thư mới tiết lộ: “Bác ấy thì yên tâm nhưng khổ nỗi nghe hàng xóm nói chiều nào anh cũng phải lấy nước mời con của bác ấy và tiếp chuyện cả tiếng”. Phan chỉ còn biết kêu trời. Chả là con gái bác ấy đi học ngang, muốn mẹ về cùng nên vô ngồi chờ làm cho xong việc.

Đúng là từ ngày có chị, Thư yên tâm hơn hẳn. Cô đi làm về trễ hơn và cũng không gặng hỏi gì nhiều. Thỉnh thoảng nhìn cái dáng cà thọt của chị bước đi mà tặc lưỡi: “Khổ quá, như thế này sao lấy được chồng!”. Phan khó chịu: “Em nói nhỏ thôi chứ! Người ta mà nghe thấy thì buồn!”. Thư quắc mắt: “Người ta, người ta cái gì. Sao nghe nhẹ nhàng thế? Hay lại…”. “Em nghĩ vớ vẩn gì nữa đây?”. “Đàn ông các anh ghê gớm lắm. Cứ phải đề phòng trước”.

Chị ít nói. Suốt ngày lầm lũi làm công việc, nên từ ngày có chị, nhà cửa lúc nào cũng sáng loáng. Bàn làm việc của Phan cũng gọn gàng hẳn lên. Một lần, chị chăm chú nhìn vào máy tính, lắp bắp đọc được vài chữ: “Phim truyền hình dài tập…”, chị như reo lên:

- Em viết cái này cho diễn viên đóng hả?

- Dạ! Em viết kịch bản phim.

- Hay quá. Vậy chắc em hay gặp diễn viên lắm ha?

- Thỉnh thoảng em lên phim trường, có gặp họ.

Mắt chị sáng rỡ:

- Thích quá, vậy bữa nào lên, chị gửi… tờ giấy nhờ em xin chữ ký của diễn viên nha!

Phan cười. Lần đầu tiên thấy chị vui như vậy. Cũng lâu lắm rồi Phan chưa thấy khán giả hâm mộ diễn viên như thế. Ở thành phố này, có thể bắt gặp diễn viên ở bất cứ ngõ ngách nào. Vì thế mà “ngộ” ra họ cũng giống mình, chỉ khác nhau cái nghề mà thôi.

Sau lần ấy. Phan thấy chị cởi mở với mình hơn. Phan mạnh dạn hỏi chuyện chị nhiều hơn. Chị tên Mót, là con út của gia đình đông con. Chị năm nay 41 tuổi. Vào năm 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất đời người thì chẳng may chị bị một cơn sốt co rút người lại. Sau cơn sốt kéo dài đó, một chân chị co quắp lại, miệng méo xệch đi. Trẻ con nhìn chị sợ hãi đến độ khóc thét lên. Người lớn thì tế nhị hơn nhưng cũng không giấu được ánh nhìn khi gặp chị. Chị thu người vào cái vỏ bọc của chính mình. Suốt ngày trong xó bếp không dám đi ra ngoài. Can đảm lắm chị mới dám lên đây, rời khỏi miền quê gắn bó với nhiều kỷ niệm đau buồn. Chị đi vì một lý do thầm kín không một ai có thể biết…

Một lần chị hỏi Phan:

- Sao vợ chồng em không sinh đứa con đi!

Phan cười:

- Từ từ cũng được mà chị!

- Ờ, tụi em còn trẻ, còn nhiều cơ hội…

Phan nhận ra nét buồn trên gương mặt chị sau câu nói ấy. Anh không dám hỏi chuyện tương lai, chồng con của chị vì liệu có hay không với một hình hài kém may mắn như chị? Cuộc sống thật là khắc nghiệt với chị.

Thư trở về, rộn rã từ ngoài cổng. Cô ôm chầm lấy anh ngay tại phòng khách:

- Công ty em trúng mánh lớn rồi. Sắp có một hợp đồng rất lớn anh à!

- Chúc mừng em!

Thư đưa má ra:

- Em không thích chúc mừng suông đâu!

Phan kịp thấy ánh mắt chị, anh đẩy Thư ra:

- Em à…

Nhưng Phan không tránh được nụ hôn nồng nhiệt của Thư. Cô lại chồm lên anh như một con báo đang vồ mồi. Mắt kiếng anh rơi xuống và không còn thấy chị có đứng nhìn không. Nụ hôn tham lam của Thư khiến anh không thể dừng lại…

- Gì vầy nè trời!

Cái ý nghĩ đuổi việc khiến Phan lo lắng:

- Có sao đâu, em cứ hay để ý! Chị ấy mệt thì để chị ấy ngủ thôi mà! Miễn chu toàn công việc nhà tốt là ổn.

- Anh lúc nào cũng đứng về phía người khác.

- Anh không đứng về ai hết. Chỉ nói để mong em bớt khó tính đi chút. Người ta hoàn cảnh khó khăn mới phải đi làm.

- Thấy chưa, câu trước câu sau là lại bênh họ. Đừng nói là anh với mụ ta có gì rồi nha!

- Trời ơi, chuyện vậy mà em cũng nghĩ ra được à?

- Tóm lại, em không cần biết, lộn xộn là đuổi thẳng cổ.

Lần này thì không đợi Thư đuổi. Chị tự ý xin nghỉ việc. Thư như không tin vào tai mình. Cô lặp lại lời của chị:

- Chị xin thôi việc?

- Phải đó. Tui cảm ơn bà chủ đã giúp đỡ tui có công việc trong thời gian qua nha. Được làm trong nhà bà chủ, quả là may mắn cho tui lắm!

- Nhưng sao chị lại nghỉ? Hay là chị không hài lòng gì tụi em?

- Không có. Tui có việc ở quê nên phải về.

Chị đi. Cái dáng nghiêng hẳn về một phía. Chỉ có niềm vui trên khuôn mặt là rất tròn trịa. Thư vẫn đứng nhìn theo chưa hết ngạc nhiên. Cô lẩm bẩm:

- Chẳng lẽ hôm trước mình chỉ nói nặng có chút xíu lúc chị ta nằm ngủ trên ghế ở phòng khách mà tự ái sao ta?

Rồi Thư lắc đầu:

- Đúng là ô sin thời nay. Mấy đứa bạn mình nói không sai mà. Thôi kệ, tuyển người khác vậy.

Phan đứng trầm ngâm nhìn theo. Dáng chị khuất dần sau con đường rợp bông giấy tím. Đến giờ này, Phan vẫn không tin chị đủ bản lĩnh để nói với Phan câu này: “Em à, cho chị xin một đứa con nhé!”. Phan hình dung chị đang rất hạnh phúc với sinh linh bé nhỏ đang cựa cuội trong chị. Có dòng máu anh đang chảy nơi cuối con đường.

Nắng lên cao. Giàn hoa giấy đong đưa như cánh tay vẫy chào lần cuối.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

.
.
.