Truyện ngắn của: BÙI VIỆT PHƯƠNG

Cuốn sổ cũ

Thứ Sáu, 02/06/2023, 17:20 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi có cuốn sổ cũ mua từ hồi sinh viên và vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, không dày lắm nhưng tôi ghi mãi vẫn không hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Khi có các thiết bị như điện thoại thông minh, ipad, tôi chỉ còn ghi linh tinh trên cuốn sổ ấy. Lúc thì những cái tên tôi ấn tượng, tên một loại hoa, có khi là phác họa ngô nghê về một ai đó mà tôi đã gặp trong cuộc đời.

Những lúc rảnh, tôi hay đem ra xem lại như một thú vui đặc lạ. Được thấy những dòng ghi chép, những cái tên vào một ngày nào đó như một thước phim lướt qua năm tháng đời mình. Thường thì lúc nhớ ra, tôi sẽ ghi chú lại và có thể còn biến thành một bài báo nhỏ. Cuốn sổ nhiều lúc đã “cứu đói” cho chủ nhân những lúc chẳng còn đề tài gì để viết.

Công việc dần bận rộn, tôi mải mê với máy ảnh, ipad, điện thoại thông minh và vứt bớt những thứ cũ kĩ không cần thiết. Cho đến một hôm, khi mọi người phòng tôi lục tục chuyển đồ để sửa lại tòa nhà. Đây cũng là dịp để mọi người vứt bớt những thứ đồ cũ kĩ, đề xuất mua sắm mới. Tôi tìm khắp nơi không thấy cuốn sổ đâu, bình thường nó cứ bày ra trước mắt. Đến khi cái tủ cuối cùng được dọn ra, tôi mới thấy nó nằm ngay dưới gầm, giấy đã phồng rộp lên. Tôi cầm cuốn sổ lên, phủi bụi và ngắm nghía.

Đúng là số phận thật, các trang trong đều bị ố và nhòe, chắc do ngấm nước, chỉ còn hai trang mặt sau của bìa da thì được làm bằng loại giấy tốt. Giờ tôi mới để ý thấy có một dãy số được ghi mờ bằng bút chì. Quái lạ, xưa đến nay phòng tôi lấy đâu ra một cây bút chì, loại bút của học sinh lớp 1 tô chữ cái. Tôi vắt óc suy nghĩ rồi thử bấm máy gọi. Chuông vang lên gần hết một hồi thì nghe tiếng người đàn ông thưa máy. Tôi hỏi anh ta là ai, anh ta chỉ nói rằng mình tên Linh. Tôi có linh cảm, người này có một bí mật nào đó nên chủ động giới thiệu về bản thân, vừa nghe xong anh ta reo lên:

- Anh Văn đấy à, em nhớ ra anh rồi, hôm đấy em đến tìm, các anh đều đi vắng cả, chị văn thư hứa sẽ ghi lại số của em và nói anh sẽ liên hệ. Gia đình em cứ đợi mãi…

Quái lạ, ai thế nhỉ, chẳng hiểu anh ta có nhầm tôi với ai không nhưng tôi quyết định vẫn hẹn gặp. Người đàn ông đến gặp tôi chừng hơn bốn mươi tuổi, khá nhã nhặn, anh kể một mạch cho đến khi mặt trời đứng bóng về câu chuyện cuộc đời mình.

- Thế anh đã tìm được manh mối gì chưa?

- Thực sự, thưa anh (anh ta luôn gọi tôi bằng anh) tôi đã đọc được tin tức về trận đánh của đơn vị cha tôi trong một bài báo cũ. Tiếc là tờ báo mà tôi đọc bị thiếu một góc nên tôi tìm anh để hỏi thăm về bài báo đó.

- Tức là, đã đăng trên báo của chúng tôi.

- Không thưa anh, chỉ là một bài báo thôi. Tôi biết trong cả nước có hàng ngàn bài báo nhưng mong các anh cố gắng tìm giúp.

Sau này, vì bí đề tài, tôi đã viết một bài về trường hợp của gia đình anh Linh. Bài viết khá chân thực và xúc động về người cựu chiến binh đã bị mất tích sau một trận đánh. Cho đến thời điểm này mọi suy đoán vẫn chỉ là 50/50. Hoặc anh đã hy sinh không tìm thấy xác hoặc đã mất tích. Nhưng đã hơn 40 năm sau chiến tranh, những đồng đội cũ đã nhiều người khuất núi. Manh mối càng ngày càng ít đi, ngay cả các đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ cũng chưa tìm thấy.

Cầm bản bông lên, Tổng biên tập trầm ngâm:

- Báo mình chưa chạy loại bài này bao giờ, có chút lăn tăn chú ạ?

- Sao vậy anh, nhân vật, tư liệu đã rõ ràng. Em nghĩ có sao mình cứ viết vậy là ổn.

- Nhưng chỉ là dựa theo trí nhớ của một đứa trẻ, chú xem liệu có chắc chắn không? Lúc bấy giờ anh Linh còn chưa đến mười tuổi. Một đứa trẻ luôn nhớ về bố mẹ bằng những ấn tượng đó là điều quý giá nhưng báo chí còn cần sự khách quan, cần những cứ liệu thuyết  phục hơn.

Nghe thế, tôi cũng đâm lo. Bài báo của tôi tạm thời được để lại cho số tháng sau. Tôi quyết định tìm về quê anh một ngày đầu tháng 6. Đây là một huyện cách khá xa thành phố, chưa có khu công nghiệp nên khá thanh bình, yên ả. Ở miền đồi núi này, nhà cách nhà khá xa, tìm được một người giữa đồi cam, đồi dứa để hỏi thăm cũng đâu có dễ. Những thửa ruộng bậc thang vàng óng như bức tranh 3D mà thiên nhiên tạo giữa đất trời.

Giữa trưa nắng gắt, tôi dừng lại dưới gốc đa. Từ gốc đa nhìn ra, cánh đồng nằm lọt thỏm giữa núi như một chiếc khăn xanh mịn màng. Giữa đồng, có một gò đất nổi lên như thể một con voi đang phủ phục để người ta trèo lên bành xuất trận. Chắc thấy tôi mải ngắm nhìn, bà cụ đi từ đâu về cất tiếng:

- Bác có biết đó là gì không? Đấy là gò ông tượng đấy!

Bất ngờ vì câu hỏi của cụ nhưng tôi nhận ra những nét đôn hậu và hiếu khách. Nhân thể, tôi cũng muốn biết thêm về mảnh đất này:

- Chào cụ, cụ có thể giảng giải cho con biết được không?

Cụ già vừa nhai trầu, vừa nhẩn nha kể: Vì cái gò ông tượng ấy quay đầu hướng nam nên từ xưa đến nay trai làng đều nối bước nhau hạ sơn tòng quân đánh giặc. Nhưng hầu hết đều bình an trở về làng dẫu mang trên mình vết thương chiến tranh.

- Là do ông tượng phù hộ đấy bác ạ. Thiêng lắm, trẻ con chăn trâu cũng không dám trèo lên gò chơi đâu, hàng năm người dân vẫn thắp hương cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Chợt nhớ ra cuốn sổ, tôi lấy bút tốc kí ghi lại, không quên vẽ phác họa gò ông tượng ở một góc. Nhìn tôi vẽ, cụ có vẻ tò mò:

- Bác là nhà báo hay phóng viên?

- Dạ thưa cụ, cháu đi tìm một người bạn. Cụ biết nhà anh Linh ở xóm nào không?

- Bác hỏi Linh nào, nhiều Linh lắm, đủ từ lái xe công nông, đến thầy giáo, y tá, thợ xây đều có cả.

- Cụ cho  hỏi cái anh Linh có bố ngày xưa đi B ấy ạ. Anh ấy cũng tầm gần năm mươi tuổi.

- À, Linh đấy là Linh y tá, hằng ngày vẫn hay xem bệnh giúp người ta. Nhưng, anh ấy đi vắng cả tuần nay rồi.

Theo chân cụ, tôi tìm vào nhà gặp những người thân của anh. Đập vào mắt tôi là bức truyền thần một anh bộ đội trên ban thờ. Bà mẹ anh rót nước chè xanh cho khách rồi ngước lên bức chân dung người chồng:

- Năm nào cũng thế, cứ tầm này là nó lại đi Nam. Nó bảo mất tích chưa chắc đã hy sinh. Nó nhẩm tính nếu còn, năm nay ông ấy mới ngoài bảy mươi, còn hy vọng là còn đi tìm.

- Thưa bác, điều gì khiến anh Linh vẫn ấp ủ hy vọng đó?

- Anh không biết thôi, từ cái tên của nó. Linh là cái tên mà người cha đã đặt cho anh trong thư gửi về quê hương… Tôi không biết chữ, chỉ nghe người đọc thư hộ bảo ông ấy đặt tên Linh vì giống tên chiến trường mà ông ấy đang chiến đấu…

Nói rồi, bà cụ lấy từ trong tủ ra một bức thư đã ố vàng. Tôi nghĩ đến thời gian và giọt nước mắt đã tạo ra màu kí ức ấy:

“Tây Ninh, ngày… tháng… năm…

Mình và cả nhà vẫn khỏe chứ. Tôi biên thư này gửi một anh cán bộ ra Bắc. Đơn vị tôi vẫn đang ở đây, chưa có lệnh tấn công nhưng tôi dự cảm thấy chiến trường đang rất gần. Có thể chỉ là nay mai, sống chết là chuyện chưa thể nói trước được. Hôm rồi nhận được thư mình tôi đã nghĩ mãi. Con trai cần có một cái tên gọi để sau này nó nhớ đến những năm tháng gian nan, khốc liệt này. Tôi đang ở Tây Ninh, đặt tên con là Ninh, mình cứ lên nhờ chú Sỹ nhà ông hai làm hộ cho cái giấy khai sinh như thế, kẻo muộn con lại chậm chuyện học hành…”

Những đoạn sau tôi không thể đọc được vì ố nhòe nước mắt.

Bà cụ giảng giải:

- Tây Ninh, người ở đây nói ngọng từ N sang L nên tên nó mới là Linh chú ạ. Cứ nghĩ là ông ấy lưu lạc ở đâu hóa ra lại chính ở chiến trường xưa mà giờ không ai biết…

Tôi nhớ ra, cách đây cũng chừng hơn một năm, Lâm đã từng dẫn tôi đến gặp một ông cụ nguyên là bộ đội thời đánh Mỹ rồi biên giới Tây Nam. Sau một trận đánh ác liệt, đơn vị bị thương vong khá nhiều, ông bị thương nặng và được bà con nước bạn tìm thấy và cứu chữa. Sau khi bình phục trở về, ông hoàn toàn không nhớ ra quê quán cũng như kí ức của mình. Những năm tháng ấy, chính quyền đang phải đối mặt với bao thách thức của xung đột biên giới… Nhìn chúng tôi, ông rơm rớm nước mắt, tất cả đọng lại trong trí nhớ là “voi đất”… “voi đất”… điều đó từng khiến bọn tôi nhầm tưởng chuyện bên đất bạn Lào…

Tôi lật lại cuốn sổ, tìm số điện thoại của Lâm, nó được ghi ở phía sau trang bìa, mừng quýnh lên, chưa kịp bấm máy thì thấy một tấm ảnh nhỏ từ phần gấp của bìa sổ rơi ra. Tôi cầm lên rồi vội đưa cho bà mẹ của anh Linh.

- Đúng ông ấy rồi. Vẫn cái nụ cười này, sau nhiều năm ông ấy có khác nhưng không sai được. Cả cái vết sẹo gai rừng cào trên khuôn mặt nữa.

Chỉ kịp nói được thế, bà đã khóc. Giọt nước mắt của người vợ sau hơn bốn mươi năm chiến tranh với niềm hạnh phúc bất ngờ. Giọt nước mắt lăn chậm hơn muôn vàn giọt nước mắt khác sau ngày hòa bình lập lại.

Tổng biên tập cầm cuốn sổ của tôi lên trầm ngâm rồi nói:

- Thời đại 4.0 rồi mà ai ngờ cuốn sổ này lại có tác dụng thế nhỉ. Chú thấy không, làm báo mà nếu chỉ chăm chăm vào bài vở, xong việc của mình mà không có trách nhiệm với xã hội thì đáng tiếc quá.

Từ hôm ấy, cuốn sổ như một người bạn đồng hành lại tiếp tục nằm trong túi xách của tôi. Những lần có dịp qua nhà, tôi vẫn vào thăm gia đình anh Linh. Từ ngày đón người cha về đoàn tụ với gia đình, gia đình làm ăn khấm khá hơn, mọi người đều khỏe mạnh, vui vẻ. Có lần tôi hỏi anh:

- Thế ngày đó anh định ra tòa soạn làm gì? Tôi vẫn chưa hiểu được.

- Mình chỉ là anh y tá trong làng hay sơ cứu cho bà con khi đau yếu. Các cậu là người đi tìm ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Được đi nhiều, biết nhiều nên mình tin vào sự nhạy bén của các cậu.

Tôi cười và không biết nói gì. Cuộc sống luôn có một chữ duyên, mình chọn nghề và có lẽ nghề cũng đã chọn mình… Có lẽ đúng như anh Tổng biên tập đã nói, ngoài viết hay, người làm báo còn cần tấm lòng và trách nhiệm để đem đến những niềm vui trong cuộc sống này…

B.V.P

 
;
.