.

Ngắm hoa xuân trong thơ xưa

Cập nhật: 19:30, 03/02/2023 (GMT+7)

Thơ là loại hình nghệ thuật xuất hiện sớm nhất trong đời sống của người dân Việt.  Từ khi chưa có chữ viết cho đến tận ngày nay thì thơ vẫn luôn là phương pháp tốt nhất vừa chứng tỏ được tài năng trí tuệ  vừa thể hiện được tâm tư tình cảm của người làm thơ, nhất là khi dùng diễn tả tình yêu với thiên nhiên, quê hương, đất nước.

Mùa Xuân là mùa của sự sinh sôi nảy nở, của hoa lá sắc hương của sự phồn sinh, ấm áp đương nhiên dễ làm động lòng các nhà thơ, vốn là những người yêu cái đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà ngày thơ Việt Nam lại được chọn vào một ngày đầu Xuân: Ngày rằm tháng Giêng. Bởi vì từ xưa tới nay thi nhân Việt dù ở bất kỳ thời đại nào cũng đều có những câu, những bài thơ rất hay về mùa Xuân, đặc biệt là hoa Xuân.

Trong muôn loài hoa Xuân thì mai lại là loài hoa được ưa chuộng nhất. Mai được xem là quý nhất trong bộ tứ quý: mai, lan, cúc, trúc biểu tượng của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mai được cổ nhân phong tặng danh hiệu Bách hoa khôi nên dễ hiểu  tại sao hoa mai xuất hiện nhiều nhất trong thơ xưa.

Và có lẽ nụ mai nở sớm nhất trong thơ là nụ hoa nở muộn  trong bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096): “Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai - Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước, một nhành mai”.

Trần Nhân Tông, vị vua vừa giỏi cung kiếm vừa tài văn chương  cũng có rất nhiều vần thơ ca ngợi hoa mai: “Sương giọt mùi hương, lay bướm dậy/ Đêm ngời ánh nước, khiến chim lơi/ Hằng Nga nếu biết vẻ đẹp của hoa mai/ Thì có luyến tiếc chi nơi cung thiềm lạnh lẽo” - Hoa mai sớm.

Mai mang cốt cách của người quân tử, được gộp chung với tùng và trúc thành bộ “tam hữu” ngự sử mai, trượng phu tùng, và quân tử trúc nhưng lại hơn tùng và trúc ở  hương thơm và sắc đẹp. Vì thế mai chiếm tần số xuất hiện khá cao trong các sáng tác của những bậc hào kiệt.

Trong “Quốc âm Thi Tập”, Nguyễn Trãi nhiều  lần nhắc đến mai: “Am trúc hiên mai ngày tháng qua/ Thị phi nào đến cõi yên hà” hoặc: “Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi/ Ưa mi vì tiết sạch hơn người”. Ông giải thích trong bài  “Đề Hoàng ngự sử mai tuyết hiên”: “… ái mai kiêm ái tuyết/ Ái mai ái tuyết ái duyên hà/ Ái duyên tuyết bạch mai thanh khiết - Yêu mai và yêu tuyết/ Yêu mai yêu tuyết sao cả hai/ Bởi tuyết trắng ngần mai thanh khiết”.

Đại thi hào Nguyễn Du cũng là người yêu mến hoa mai. Tương truyền khi đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du đã nán lại Từ Châu và chống chọi với giá buốt suốt mấy tháng trời chỉ cốt để ngắm mai nở trên đầu núi: “Nhượng tận khổ hàn tam duyệt nguyệt/ Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa - Cố chịu khổ với giá buốt trong ba tháng nữa/ Để được vui mừng ngắm hoa mai nở trên đầu”- Từ Châu Đạo Trung.

Ông đã có hàng trăm câu, từ nhắc tới hoa mai trong kiệt tác Truyện Kiều như: Mai cốt cách, tiên mai, sân mai, song mai, trướng mai… Những bài  thơ khác của ông cũng nhiều lần nhắc đến mai ví như: “Cỏ biếc lòng đau trời Nam phố/ Mai vàng chi nữa chúa Xuân ơi!”. Ngoài đời ông cũng tự nhận: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen”.

Nhắc đến hoa mai không thể không nhắc đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Cao Bá Quát: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ, bái hoa mai”. (Mười năm lặn lội tìm gươm báu/ Một đời cúi lạy trước hoa mai).

Ông quan treo ấn từ quan: Nhà soạn tuồng nổi tiếng Đào Tấn (1845- 1907) cũng là người nhất mực say mê hoa mai. Ngoài việc lấy bút hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng thì ông còn cho khắc trên bia mộ bài thơ có câu: “Núi Mai rồi gửi xương mai nhé / Ước được hoa mai hóa mộng hồn”.

Không thua kém bao nhiêu so với mai vàng kiêu hãnh của đất phương Nam, hoa đào tượng trưng cho mùa xuân xứ Bắc cũng xuất hiện rất nhiều trong thơ xưa. Nguyễn Trãi ví hoa đào với mùa Xuân “Một đoá đào yêu khéo tốt tươi /Cách Xuân mơn mởn thấy Xuân cười - Đào hoa thi”.

Nguyễn Du dịch câu thơ nổi tiếng của Thôi Hộ “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Ðào hoa y cựu tiếu đông phong” thành một câu nổi tiếng không kém “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm tả hoa đào là giống cây xuất xứ từ cõi tiên: “Tiên thụ thuỳ tương quán lý tài?/ Hảo xuân nhất độ hảo hoa khai” - Cây tiên bên quán bởi ai trồng? Mỗi độ Xuân về rực rỡ bông. Thế nhưng vẻ đẹp của hoa đào thắm tươi, quyến rũ cũng mong manh, ngắn ngủi như nhan sắc của người thiếu nữ nên nó cũng gợi lên những liên tưởng ngậm ngùi trong lòng thi nhân.

Tản Đà viết trong Từ Khúc: “Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai/ Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi”. Vũ Đình Liên khắc khoải với thời gian mỗi độ Xuân về: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/… Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?- Ông đồ).

Nguyễn Bính nhìn cánh đào rơi trong ngày Xuân chạnh lòng nhớ cố nhân: “Hôm nay còn Xuân, mai còn Xuân/ Một cánh đào rơi nhớ cố nhân - Xuân tha hương”.

Ngoài hai loài hoa chính của mùa Xuân là hoa mai, hoa đào còn có không ít loài hoa Xuân như hoa chanh, hoa bưởi, hoa cam, hoa lê, hoa mận, hoa xoan, dành dành… cũng đua nhau  khoe hương sắc trong thơ ca Việt Nam. Với những loài hoa này thì ông vua chân quê Nguyễn Bính đã có những câu rất gợi cảm và nên thơ: “Thong thả dân gian nghỉ việc đồng/ Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/ Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng” - Xuân về hay: “Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy” - Mưa Xuân. Thi sĩ Anh Thơ cũng nhắc đến loài hoa này với những câu thơ thật đẹp: “Quán tranh đứng im-lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” - Chiều Xuân.

Trong những loài hoa đồng nội này thì câu thơ “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời” - Mùa Xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải cũng khiến hoa súng tím dân dã được tôn vinh.

Mùa Xuân đúng là mùa của trăm hoa. Hoa nở ngoài đất trời và hoa nở cả trong những vần thơ.

 

BÙI ĐẾ YÊN

.
.
.