Lạ lẫm nghệ thuật bài chòi

Thứ Sáu, 03/02/2023, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.
Năm 2017, “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và người dân phố biển Vũng Tàu đã có dịp được thưởng thức bộ môn nghệ thuật độc đáo này vào đêm 28 và 29/1 (mùng 7 và 8 Tết Quý Mão 2023) vừa qua.
Các nghệ nhân đến từ tỉnh Quảng Nam biểu diễn nghệ thuật bài chòi tại sân khấu Nhà Truyền thống Cách mạng (số 1 Bacu, TP. Vũng Tàu).
Các nghệ nhân đến từ tỉnh Quảng Nam biểu diễn nghệ thuật bài chòi tại sân khấu Nhà Truyền thống Cách mạng (số 1 Bacu, TP. Vũng Tàu).

Độc đáo nghệ thuật bài chòi

Sân khấu Nhà Truyền thống Cách mạng (số 1 Bacu, TP.Vũng Tàu) thu hút hàng trăm khán giả đến xem chương trình biểu diễn hát dân ca bài chòi mừng Xuân Quý Mão năm 2023 do các nghệ nhân đến từ tỉnh Quảng Nam trình diễn. Bộ môn nghệ thuật lần đầu tiên được trình diễn tại TP.Vũng Tàu trở nên độc đáo và lạ.

Cuộc chơi bắt đầu khi anh Hiệu (nghệ nhân Lương Đán đến từ tỉnh Quảng Nam) mặc trang phục dân gian cất  tiếng  hò  bằng chất giọng rặt phương ngữ Quảng Nam không lẫn vào đâu được: “Dạ, Hiệu tôi kính chào bà con! Chúc bà con minh niên đắc tài, đắc lợi, đắc nhân tâm! Bà con ơi, ai mộ điệu dừng chân chốc lát để mà nghe tôi hô hát cái điệu bài chòi (nói lối). Ai dìa xứ nẫu quê tôi, dừng chân ghé lại nghe tôi hô hát bài chòi một ớ phen; dừa có đờn rầu lại có kèn, có trống có phách có cốc cốc keng, xà, có xà (hát)…”

Sau câu hò mở đầu, để bắt đầu cho ván bài chòi, nhạc hiệu nổi lên réo rắt sôi động, của dàn nhạc cổ bao gồm trống, đàn cò, kèn, sanh… Bài bản và làn điệu của ca kịch bài chòi gồm các điệu hát ru, vè,  lý, hò khoan, hò mái nhì… phổ biến ở khu vực miền Trung. 

Anh Hiệu rút con bài trong ống tre, giơ lên rồi hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là hô thai. Người chơi được phát 3 con bài. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà anh Hiệu xướng tên thì thắng cuộc. Trong lúc anh Hiệu hô, hát đối đáp với bạn diễn, mọi người theo dõi, thích thú tán thưởng. Cứ thế, anh Hiệu hô, khán giả lại đến xem ngày càng đông đảo…

“Con sáo sang sông sáo khóc hay cười

Còn ta ở lại ngậm ngùi nhớ thương…

Bây chừ hai đứa hai phương

Chứ bây chừ hai đứa hai phương

Ta không trách bậu mà trách con tám tiền

Ơi bạn mình ơi, ơi bạn mình ơi...

Đó là con tám tiền…”

Trong số mười người chơi, ai có quân bài trùng với tên quân bài “tám tiền” anh Hiệu vừa xướng thì hô to “có đây”, lập tức một anh lính lệ sẽ chạy lại và trao cho người đó một lá cờ nhỏ (loại cờ xéo) và đổi lấy quân bài. 

Ván chơi kết thúc khi một trong số mười người chơi có đủ ba lá cờ liên tục, gọi là Tới (thắng cuộc) và người thắng cuộc sẽ nhận được một món quà như một cái lồng đèn, cái bình thủy, mứt, bánh kẹo, hạt dưa... Và cứ như thế ván khác lại tiếp tục chơi, người chơi càng cuốn hút háo hức được nhận phần thưởng là lồng đèn nức tiếng của Hội An (Quảng Nam)…

Gần gũi với người dân

Nghệ nhân Lương Đán chia sẻ: “Cuộc chơi bài chòi có sinh động, có rôm rả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tài hô hát của anh Hiệu. Anh Hiệu phải là người có tài “ứng khẩu thành thơ”. Phải thuộc lòng hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng ngàn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca đặc trưng của xứ Quảng.

Trong câu hát của anh Hiệu, có thể bắt gặp được những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động, về những sinh hoạt hằng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế..., hay phê phán những thói hư, tật xấu ở đời.

“Ngay từ khi còn nhỏ, những làn điệu bài chòi đã làm tôi say đắm, mê mẩn đến nỗi phải tìm mọi cách để học, mọi gian nan cực khổ, vất vả tôi cũng quyết phải vượt qua và tìm hiểu và gắn bó với bộ môn này”… nghệ nhân Lương Đán chia sẻ.

Nghệ nhân Lương Đán cho biết thêm, bài chòi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể từ tháng 12/2017. Không chỉ là một nét riêng làm nên danh tiếng của Hội An, tỉnh Quảng Nam, dân ca bài chòi từ lâu đã là một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người dân các tỉnh Trung bộ Việt Nam.

Chị Nguyễn Xuân Thái (ngụ TP.Vũng Tàu) hào hứng chia sẻ tại chương trình: “Quê tôi ở tỉnh Quảng Nam nên từ nhỏ đã được nghe nhiều làn điệu dân ca và bài chòi… Đến Vũng Tàu sinh sống và lập nghiệp, tôi lại có dịp đến thưởng thức chương trình và hiểu thêm các giá trị văn hóa quý giá của cha ông để lại. Theo tôi, chúng ta cần tiếp tục bảo tồn phát huy các giá trị di sản của dân tộc”.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

Chúng tôi trân trọng cảm ơn khán giả ở Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt là khán giả đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu mến và đón nhận trong lần đầu tiên đoàn đưa nghệ thuật bài chòi đến Vũng Tàu. Chúng tôi mong muốn lan tỏa loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của người miền Trung đến mọi miền đất nước.

(Nghệ nhân Lương Đán)

 

;
.