Bùng nổ truyền hình OTT

Thứ Sáu, 09/09/2022, 15:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sự phổ biến của các thiết bị công nghệ trong những năm gần đây cộng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống internet băng thông rộng cũng như kết nối 4G, 5G đã thay đổi thói quen xem truyền hình của người tiêu dùng. Điều này đang mở ra cơ hội cho những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng internet, hay còn gọi là truyền hình OTT.

Hai em nhỏ xem phim hoạt hình trên ipad từ một kênh của truyền hình OTT.
Hai em nhỏ xem phim hoạt hình trên ipad từ một kênh của truyền hình OTT.

Xem tivi trên điện thoại

Chị Phạm Thị Thao (93 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu) cho biết, gia đình chị vừa cắt hẳn dịch vụ truyền hình cáp chuyển sang sử dụng dịch vụ truyền hình trên nền tảng internet. Theo đó, chỉ với gói cước wifi hơn 200 ngàn đồng/tháng, gia đình chị vừa sử dụng truy cập internet phục vụ cho việc học tập, lướt web, sử dụng zalo, facebook vừa có thể xem tivi có kết nối internet (smart TV) với các kênh truyền hình như bình thường.

“Tôi đang theo dõi bộ phim Gara hạnh phúc trên kênh VTV3. Phim được phát sóng vào lúc 22 giờ tối các thứ Hai, Ba và Tư hàng tuần. Ở khung thời gian này, tôi thường phải sắp xếp sách vở và chuẩn bị cho con đi ngủ. Nhưng nhờ có truyền hình trên internet, tôi dễ dàng xem lại vào thời gian rảnh và chỉ với một chiếc điện thoại thông minh”, chị Thảo nói.

Tương tự, gia đình anh Vũ Văn Dũng (1/2/18 Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cũng đã cắt hẳn dịch vụ truyền hình cáp truyền thống với thuê bao 88.000 đồng/tháng từ hơn 1 năm trước để chuyển hẳn sang dùng dịch vụ truyền hình OTT. Ngoài smart TV, anh còn cài đặt trên điện thoại ứng dụng TV360 của Viettel.

Với các ứng dụng truyền hình OTT trên điện thoại, người dùng dễ dàng xem lại các chương trình tivi đã phát sóng. Trong ảnh: Một bộ phim truyền hình Việt Nam đang chiếu trên VTV3 được chiếu từ ứng dụng TV360 của Viettel.
Với các ứng dụng truyền hình OTT trên điện thoại, người dùng dễ dàng xem lại các chương trình tivi đã phát sóng. Trong ảnh: Một bộ phim truyền hình Việt Nam đang chiếu trên VTV3 được chiếu từ ứng dụng TV360 của Viettel.

“Từ ứng dụng này, tôi dễ dàng xem tivi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu trên điện thoại mà không phải phụ thuộc vào thời gian phát sóng như xem truyền hình truyền thống trước đây. Đặc biệt, trên ứng dụng này có rất nhiều kênh truyền hình mà tôi yêu thích, thậm chí các kênh quốc tế như HBO, CN, Music cũng rất dễ dàng xem với độ sắc nét cao”, anh Dũng bày tỏ.

Nhiều sự lựa chọn

Theo các chuyên gia viễn thông, thị trường truyền hình trong nước và thế giới đang có nhiều biến đổi cùng với những xu hướng phát triển của các công nghệ mới. Xu hướng trên được phản ánh khá rõ tại Việt Nam, khi lượng thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống (gắn với cáp, đầu thu kỹ thuật số) đang dần trở nên bão hòa, thậm chí giảm nhẹ. Ở chiều ngược lại, với sự phổ biến của internet di động, lượng thuê bao truyền hình OTT đang ngày một tăng lên. Tính đến hết quý II/2022, thị trường OTT có khoảng 20 triệu thuê bao với mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thông tin từ Sở TT-TT, hiện truyền hình OTT cung cấp tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang có 4 nhóm tham gia. Nhóm thứ nhất là các nhà đài như K+, SCTV, VTV chuyển sang hướng làm OTT, lấy internet làm nền tảng truyền dẫn (trước đây sử dụng các nền tảng cáp, vệ tinh). Nhóm thứ hai là nhà mạng như Viettel, VNPT, MobiFone, lấy nội dung của nhà đài hoặc tự sản xuất nội dung để làm truyền hình. Nhóm thứ ba là các đơn vị sản xuất nội dung thuần túy như Cát Tiên Sa, BHD... có thế mạnh sản xuất các chương trình giải trí, muốn xây dựng ứng dụng riêng. Nhóm thứ tư là những đơn vị làm dịch vụ nền tảng như FPT Play, ZingTV, Clip, VNPT Media...

Ngoài ra, còn có các đơn vị nước ngoài tham gia OTT như YouTube, Netflix, Iflix. Đây là xu hướng chung và sẽ tạo thương hiệu cho các ứng dụng OTT với các nội dung giải trí phong phú và đa dạng. Điều này sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh, tạo thêm sự lựa chọn và giúp cho người dùng được trải nghiệm các nội dung có chất lượng cao nhất trên OTT.

Bên cạnh đó, khả năng chống nhiễu cao, chất lượng trung thực ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu đường truyền, tránh được hiện tượng bóng hình thường gặp ở truyền hình truyền thống cũng là một đặc điểm kỹ thuật giúp truyền hình OTT thu hút người xem. Và đây cũng là một tiện ích hấp dẫn khách hàng có nhu cầu xem truyền hình ngay cả khi ngồi trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa, xe bus… mà chất lượng hình ảnh, âm thanh không hề bị suy giảm. Ngoài ra, khi sử dụng truyền hình di động, khách hàng chỉ mất cước thuê bao theo ngày hoặc tuần với giá lần lượt chỉ từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng. Khách hàng cũng không lo tốn data 4G, 5G khi trải nghiệm dịch vụ.

Ưu điểm  của công nghệ OTT là cho phép cung cấp nguồn có nội dung rất phong phú và đa dạng theo yêu cầu của người sử dụng vào bất kì thời điểm nào và bất cứ ở đâu chỉ với một thiết bị phù hợp đã có kết nối internet. Với tiện ích này, người dùng không lo bỏ lỡ các chương trình truyền hình yêu thích hay có thể tận hưởng các bộ phim, video, gameshows cho dù đang di chuyển hoặc phải đi công tác xa nhiều ngày. Truyền hình OTT cũng có rất nhiều gói cước, giúp người dùng có thể tiếp cận đầy đủ các chương trình truyền hình và các dịch vụ nội dung theo yêu cầu.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.