Hoàng Quý - Người dụng nhạc để... "cảm" thơ

Thứ Sáu, 03/06/2022, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

Ở độ tuổi ngoài 70, với 4 tập thơ: “Ngang qua cánh đồng”, “Giấc phì nhiêu”, “Đi bên mùa lá rụng” và “Giả trang”, nhà thơ Hoàng Quý đã đủ định danh tên trong thơ Việt đương đại. Nhưng thật bất ngờ và lạ khi nhà thơ Hoàng Quý tổ chức đêm nhạc “Phiêu du một mình” tối 31/5 vừa qua để giới thiệu 12 ca khúc chính ông tự phổ nhạc cho thơ của mình, chỉ để khán giả thưởng thức thơ ông bằng… âm nhạc.

Ca sĩ Hoàng Việt thể hiện ca khúc
Ca sĩ Hoàng Việt thể hiện ca khúc "Và tin rằng em đợi tôi" của nhà thơ Hoàng Quý trong chương trình "Phiêu du một mình" tối 31/5.

Chút ngẫu hứng của nhà thơ

Cũng có thể vì sự lạ ấy cộng với đông đảo bạn bè, công chúng yêu mến thơ Hoàng Quý, con người hồn hậu của nhà thơ mà đã có hơn 900 khách mời tham dự chương trình “Phiêu du một mình”. Đêm nhạc do Hội VH-NT tỉnh phối hợp cùng Công ty TNHH Ken Entertainment tổ chức.

Trong đêm nhạc, bố cục chương trình, sắp xếp trình tự các ca khúc cũng mang ẩn ý, tâm sự của nhà thơ. Và những tâm sự ấy đã được nhạc sĩ Hoàng Lương, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, người bạn thân thiết của nhà thơ Hoàng Quý “đạo diễn” thành công hơn mong đợi.

Mở đầu, ca khúc được giới thiệu đầu tiên là “Khi hoàng hôn qua đây” có giai điệu da diết, chân thực. Tác phẩm được nhà thơ Hoàng Quý viết vào cuối năm 1996 sau chuyến công tác trở về từ Côn Đảo. Thời điểm ấy, thành phố biển Vũng Tàu đã vào hoàng hôn, thời khắc hàng trăm ghe chài đã về bờ nằm nghỉ, cái khoảnh khắc mà: “...nắng giát vàng lên mái phố/ Những con thuyền gối đầu lên cát thở/ Những sóng lưới sau một ngày vất vả/ Phơi say lên hoàng hôn...” Ca khúc với nhạc điệu trữ tình và ca từ tuyệt đẹp như là lời tạ ơn thành phố biển hiền hòa, nhân hậu. Nơi đây đã đón nhận gia đình ông, đùm bọc, chở che cho gia đình ông và nuôi dưỡng cho các con ông khôn lớn và cũng là điểm tựa cho sự nghiệp thi ca của ông.

Tiếp đến, ca khúc “Nghe mưa” là ký ức của người lính Hoàng Quý bởi trước khi là nhà thơ, ông là một người lính chiến trường. Bài hát là tiếng nghe mưa ở chiến trường Trường Sơn xưa dường vẫn vọng về trong tâm tưởng. Đó là những cơn mưa thời áo lính rêu xanh ông đã khoác lên trong đoàn quân điệp trùng. Ca khúc như lời tâm sự vọng qua mưa đến những đồng đội năm xưa người mất, người còn.

Một ca khúc khác về đề tài người lính để lại ấn tượng khá sâu sắc là “Và tin rằng em đợi tôi”. Thoạt tiên, nghe tiêu đề chúng tôi chờ đợi những ca từ về tình yêu đôi lứa, nhưng không, ca khúc vẫn là sự chất chứa tâm sự của người lính về tình yêu quê hương, tình yêu với Hà Nội. Tiết tấu ca khúc khá nhanh để đủ thời gian điểm lại toàn bộ kỷ niệm của ông và thể hiện nỗi nhớ, tình yêu quê hương của người lính.

Đó là một Hà Nội trong ký ức của Hoàng Quý với leng keng chuông tàu điện xưa, với thơm hoàng lan, với góc cửa ô, với mưa bụi đầu đông và dòng sông đỏ... Một Hà Nội quá vãng tuổi thơ, chiến chinh cùng niềm tin thuỷ chung của những đợi chờ. Và ở chiến trường xa xôi, ông cùng những đồng đội mình luôn tin tưởng ở hậu phương, người thân yêu vẫn luôn dõi theo và đợi chờ ngày chiến thắng trở về…

Xen lẫn trong đêm nhạc là phần giao lưu đặc biệt và ý nghĩa với những gương mặt gắn bó với thi ca và âm nhạc của Hoàng Quý. Có mặt tại khán phòng, ca sĩ,  giảng viên thanh nhạc Dương Trọng Thành đến từ Hà Nội cũng ca sĩ đầu tiên hát ca khúc “Và tin rằng em đợi tôi” của Hoàng Quý tại sân khấu Văn Miếu Hà Nội trong Đêm Liên hoan thơ sinh viên các trường đại học phía Bắc vào ngày14/1/2010. Đó cũng là lần đầu tiên ca khúc do nhà thơ Hoàng Quý tự phổ nhạc được trình diễn trước hàng ngàn sinh viên…

Là một nhà thơ tân cổ điển, Hoàng Quý có nhiều thi phẩm trữ tình. Có lẽ vì thế, hàng loạt ca khúc “Từ có em”, “Gửi sông Hồng”, “Ru lên thật thà”, “Chiều mưa phố”… ông sáng tác cũng mang hơi thở ấy. “...Từ có em con đường gần hơn/ Từ có em mây về ngủ yên/ Từ có em/ Như cây xanh lại từng ngày...” (Trích lời ca khúc “Từ có em”).

Và nếu mở đầu là lời tạ ơn đất và người BR-VT của nhà thơ và gia đình nhà thơ Hoàng Quý thì kết chương trình là khúc tráng ca ngược dòng thời gian về cội nguồn không mờ phai trong tâm khảm nhà thơ. Hợp xướng “Trung du” khắc họa nỗi niềm nhớ thương về quê hương Phú Thọ, nơi nhà thơ Hoàng Quý sinh ra và lớn lên một cách da diết, tình cảm như một nốt vĩ thanh điểm dấu cho đêm nhạc Hoàng Quý.

          Nhà thơ Hoàng Quý (bìa trái) và người bạn thân thiết  là nhạc sĩ Hoàng Lương.
Nhà thơ Hoàng Quý (bìa trái) và người bạn thân thiết là nhạc sĩ Hoàng Lương.

Người nhóm lửa...

Sau đêm nhạc, tôi có dịp gặp riêng nhà thơ Hoàng Quý chỉ để thỏa nỗi tò mò về sự lạ nhà thơ phổ nhạc thơ mình. Và tôi được như ý khi hữu duyên gặp được ông và nhạc sĩ Hoàng Lương. Vóc người nhỏ nhắn, vầng trán cao toát lên sự hồn hậu, đáng mến, nhà thơ Hoàng Quý thẳng thắn chia sẻ: “Tôi là nhà thơ không phải là nhạc sĩ nhưng tôi muốn dụng nhạc để ghi lại giai điệu tâm hồn mình, để tìm một cách đọc thơ khác cho thơ mình”.

Quả thật, nói theo cách của nhà thơ, thì trước đến nay, ngâm thơ, đọc thơ đã quá phổ biến. Nhưng đọc thơ bằng nhạc thì chỉ có ở nhà thơ Hoàng Quý. Nhưng rồi ngẫm lại, lại thấy việc phổ nhạc cho thơ của ông lại vô cùng hợp lý. Bên cạnh thi ca, nhà thơ Hoàng Quý đã tự mày mò học được nhạc lý và được sự tiếp lửa, động viên của cố nhạc sỹ Hoàng Hà và nhạc sĩ Hoàng Lương cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp của nhà thơ.

“Tôi phổ nhạc một cách nguyên bản, tròn trịa, không thêm hay bớt dù chỉ là một từ trong thơ của mình. Thơ vẫn trọn vẹn lại có giai điệu và thổi hồn vào đó. Mình hiểu thơ mình hơn tất cả và nhà thơ viết nhạc cho thơ mình để đẩy cảm xúc cho những ca từ đầy đặn hơn. Thơ đi vào âm nhạc nhưng vẫn chính là thơ, không cần thêm ý, thêm lời; không giống bất kỳ tác phẩm thơ phổ nhạc khác bởi nó là “2 in 1””- Nhà thơ Hoàng Quý hóm hỉnh nói.

Như để khẳng định, nhạc sĩ Hoàng Lương cho biết: “Trong giới nghệ sĩ đã biết đến một Hoàng Quý làm thơ và biết nhạc lý. Toàn bộ 12 ca khúc trong Chương trình giới thiệu Tác giả - Tác phẩm của nhà thơ Hoàng Quý mang tên “Phiêu du một mình” là những ca khúc mà nhà thơ sáng tác ngẫu hứng trong những năm tháng làm VH-NT. Chỉ duy nhất với hợp xướng “Trung du” tôi có vai trò hỗ trợ phối âm thêm để trở thành bản hợp xướng. Chương trình được Ban Âm nhạc của Hội VHNT tỉnh chọn lọc, xây dựng từ Tập ca khúc mới ấn hành đầu năm nay của nhà thơ”.

Nhà thơ Hoàng Quý sinh năm 1952. Quê quán: Hưng Hoá, Tam Nông, Phú Thọ. Hiện thường trú tại TP. Vũng Tàu. Ông từng trải qua thời gian 8 năm làm văn nghệ dân gian ở Ty Văn hóa rồi Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (cũ), ông lăn lộn, ăn dầm nằm dề khắp các thôn bản vùng cao. Ông sưu tầm các truyện cổ rồi viết lại bằng giọng văn rất “bay” để cho ra đời cuốn sách “Truyện cổ Mường Châu Phong”.
Năm 1985, ông đưa gia đình vào Vũng Tàu. Thêm một cuộc hành trình dài cũng là bước ngoặt của cuộc đời. Và tại đây, thơ Hoàng Quý bắt đầu vút lên bên bờ sóng. “Giấc phì nhiêu”, tập thơ đầu tay của ông được đích thân cố nhà thơ Vân Long, sau lần gặp đầu tiên, cầm bản thảo từ Vũng Tàu ra Hà Nội xin giấy phép xuất bản. Sinh năm 1952, đến năm 1996, nghĩa là ở tuổi 44, Hoàng Quý mới ra mắt tập thơ đầu tiên.
Thơ Hoàng Quý được tặng các giải thưởng: Giải Nhất của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam năm 2003 cho tập thơ “Ngang qua cánh đồng”; Giải Nhì 50 năm Văn học Biên phòng, 2008; Giải Ba cuộc thi lớn “Thơ về Hà Nội - Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 2010)… Toàn bộ tiền thưởng của các giải thưởng Hoàng Quý đều  hiến tặng: Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, Quỹ mái ấm người nghèo biên giới, hải đảo và Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội…

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hồng, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh cho hay, chương trình giới thiệu Tác giả -Tác phẩm mà Hội tổ chức lần này được sự ủng hộ và khích lệ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực tham gia sáng tác, cũng như quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật đến công chúng”.

“Phiêu du một mình” của Hoàng Quý đã nhen nhóm ngọn lửa cho hoạt động VH-NT tỉnh nhà hiện nay đang còn “thưa vắng”… Tiếp đến, Hội VH-NT ấp ủ dự định tổ chức đêm nhạc giới thiệu 46 ca khúc sáng tác cho thiếu nhi của nhạc sĩ Hoàng Lương tại BR-VT và Bình Thuận; chương trình “Đêm nhạc nhớ chị Sáu” gồm các ca khúc nổi tiếng về AHLS Võ Thị Sáu ngay tại tượng đài Võ Thị Sáu”, ông Huỳnh Văn Hồng thông tin.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.