.
TẢN MẠN

Về nguồn, nơi linh thiêng!

Cập nhật: 20:36, 06/05/2022 (GMT+7)

Nhóm du khách – các ký giả cao niên chọn hai địa danh linh thiêng: Côn Đảo & Quảng Trị để về nguồn, đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ngoài những câu chuyện chính sử huyền thoại, đánh giặc giữ nước, bảo vệ non sông bờ cõi, còn có bao chuyện bên lề hấp dẫn, lôi cuốn. Chuyện bên lề, có khi là sự thật nhưng cũng có không ít phiên bản như là giai thoại, có khi chỉ là sự thêu dệt đáng yêu trong dân gian.

Ở Côn Đảo, hòn đảo vàng giữa trùng khơi, người ta kể nhiều chuyện linh thiêng của liệt sĩ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, rằng chị anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù, nhưng hành động anh hùng, hương hồn chị sống mãi với thời gian, với non sông – như lời bài hát mùa hoa lê - ky - ma nở - Ở quê ta miền Đất Đỏ… Các đồng đội, đồng bào yêu quý luôn được hương hồn chị phù hộ, độ trì. Bọn cai tù, cai ngục làm điều ác, thất nhất tâm thì chị “bẻ giò”, “vặn cổ”. Chúa đảo, cai ngục thời Mỹ tại địa ngục trần gian Côn Đảo, khi đi qua ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu mà vô lễ, bất cẩn, không vái lạy hôm sau ra đường hắn chết tức tưởi, không xe cán thì cũng vấp sấp vấp ngửa mà toi đời.

Đến các địa danh ở Quảng Trị như Thành Cổ, Đường Chín, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, Cửa Tùng, Cửa Việt, căn cứ Ái Tử, Đầu Mầu, ngược lên khu di tích lịch sử Tân Sở - Chợ Cùa, Cam Chính - huyện Cam Lộ, nơi vua Hàm Nghi xuống chiếu cần Vương kháng Pháp, bao nhiêu là huyền thoại của một Quảng Trị và cả nước đánh giặc hội tụ đất thiêng: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm” (Tố Hữu).

Bên lề cuộc hành hương lên căn cứ Tân Sở do vua Hàm Nghi, các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường… đắp thành xây lũy, vùng đất cận sông, cận bộ, có đường núi thoát hiểm qua nước bạn Lào khi cần thiết, án ngữ trên trục hành lang Bắc – Nam ở phía Đông Trường Sơn. Căn cứ Tân Sở bị quân giặc đánh phá, san ủi; hòa bình lập lại, bộ đội ta tham gia khôi phục mặt bằng, quy tập được nhiều xương cốt nghĩa quân phong trào Cần Vương và các chí sĩ yêu nước, lập đền thờ tôn vinh, tạo dựng lại di tích. Nơi đây, trước năm 1975, tương truyền khi các chỉ huy quân đội Pháp hay Mỹ tới đây mà tỏ sự thất lệ, ngạo mạn, ngang ngược, chúng đều gặp sự trừng phạt, không bị du kích bắn tỉa thì cũng chết đường chết chợ, gia cảnh tan nát.

Câu chuyện cửa miệng đã trở thành dân gian “Cọp Thủy Ba, ma Đường Chín”, “Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ”. Người ta nói, ở các địa danh này, thời kháng chiến… ma thiêng nước độc, cọp báo dữ dằn, nhiều vô kể, khiếp đảm, đến nỗi bộ đội ta sợ… ma hơn cả sợ giặc, bom đạn chỉ là chuyện bỏ túi so với sợ… ma quây! Có điều lạ, không biết do yêu tố tình cảm của người kể chuyện hay vì lý do gì mà ma và cọp chỉ nhắm vào lính Pháp, lính Mỹ. Chuyện về ma và cọp vùng này đã được viết thành sách. Tiểu đội thám báo của địch đi theo hướng Nam - Bắc, đến gần làng Thủy Ba, thần hồn nát thần tính, bên này suối đủ 10 tên, qua bên kia suối chỉ còn 9 – chúng vòng lại tìm kiếm thì té ngửa tên thám báo đi cuối hàng đã bị cọp vồ trong nháy mắt mà không ai hay. Ác giả ác báo!

Một tốp lính địch mò lên hướng chiến khu Ba Lòng, chúng đi nhầm đoạn đường gần Trộ Rớ, đêm phải ngủ lại giữa rừng thiêng. Nửa đêm, mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, chim kêu vượn hú, cọp gào, từng vốc đá từ đâu đó trên ngọn cây rơi xuống ào ào, võng đứt dây. Tốp lính địch bị sét đánh, 10 tên chết 8, còn 2 tên lính mới thần hồn nát thần tính bỏ của chạy lấy người (!). Dân gian đồn thổi, ma Đường Chín, ma Trộ rứa … và ông trời đã trừng phạt quân thù.

Nhà báo chiến trường Đoàn Công Tính, phóng viên báo Quân đội Nhân dân, người đã lọt vào Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, tác giả của những bức ảnh nổi tiếng “81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ” và nụ cười chiến sĩ ở căn cứ Đầu Mầu, Ái Tử, Dốc Miếu... Phóng viên ảnh Nick Út của hãng tin Mỹ AP, tác giả bức ảnh lịch sử “Em bé Napalm – Phan Thị Kim Phúc” ngày 6/8/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh.

Sau năm 1975, hai nhiếp ảnh gia tên tuổi trở thành bạn thân. Họ trở lại chiến trường Quảng Trị kể cho nhau nghe nhiều chuyện sinh động thời mưa bom bão đạn. Đoàn Công Tính kể với Nick Út, một lần đang trên chiến hào lau ống kính máy ảnh, bỗng từ sau lưng một đồng đội vô hình xô đẩy anh té xuống chiến hào. Loạt đạn cối của đối phương bắn xối xả, nếu Đoàn Công tính không té nhào thì đã hy sinh. Sau trận mưa đạn, anh linh tính hình như đã có một linh hồn đồng đội nào đó đã xuất hiện đúng lúc cứu mạng anh. Những câu chuyện kể bên lề về tâm linh ở chiến trường Quảng Trị nhiều lắm, chẳng ai có thể lý giải về vùng đất lửa anh hùng mà linh thiêng! Mỗi gốc cây, ngọn cỏ là bóng hình – máu xương bao đồng đội đã ngã xuống!...

QUỐC TOÀN

.
.
.