.

Ngày mai nắng lên

Cập nhật: 20:43, 13/05/2022 (GMT+7)

Bà Hương khẽ mở cửa, ánh sáng từ chiếc đèn pin quét qua căn phòng một lượt nữa rồi dừng lại ngay hộc tủ nhỏ của con. Từ ngày thằng bé ra phố học, căn phòng vẫn giữ nguyên trạng thái cũ, dăm ba ngày bà lại vào quét dọn. Nhưng đận rày bận quá, hoa màu sắp tới kỳ thu hoạch, hai ông bà còn phải lo đi phụ người ta đặng mai mốt lấy công. Đang buổi nước sôi lửa bỏng, lúa ai cũng oằn đồng, dưa ai cũng chín tới, gặp một trận mưa là nứt vỏ, toác hoác phơi lòng đỏ tươi cả ruộng.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Mùa này hay có những cơn mưa trái mùa, trời làm giông đôi bận cho mấy tán sưa ủ ê rồi bung nụ. Bà kéo chiếc tủ nhỏ, lôi ra quyển sổ nhỏ đã cong queo dọc ngang vết gấp, những vết gấp nhọc nhằn từ vụ xuân tới vụ đông, từ năm này qua năm khác. Hôm qua thằng con gọi về báo sắp tới kỳ học phí, đóng không kịp người ta sẽ không cho thi. Bà trấn an con không sao, mẹ thấy đám dưa nhà mình trái to khỏe, mà bên Trung Quốc cũng đã lưu thông hàng hóa, hy vọng không mất giá con à, con đừng lo gì cả, cứ học tốt cho mẹ.

Ba mẹ không có gì để lại cho con, tài sản không, cũng chẳng có truyền thống thông minh học giỏi gì. Con cố mà lo học kiếm cái chữ, ba mẹ chỉ có thể làm được chừng ấy cho con. Nhìn thằng bé gật đầu lia lịa bên kia màn hình, mái tóc hớt cao để lộ vầng trán thông minh. Bà chỉ muốn ôm con một cái, nhưng nó xa quá, mà bây giờ lớn rồi, cũng ít biểu lộ cảm xúc qua những vòng ôm.

Ánh đèn pin leo lắt rọi lên từng trang giấy cũ nhàu, bà di bút vào từng dòng, miệng lẩm nhẩm tính. Tiền phân, tiền giống, tiền thuốc, rồi công ăn uống thu hoạch, vị chi hơn ba chục triệu, nếu cắt hết với giá như thương lái báo, vợ chồng bà lãi được gần hai chục. Học phí của con là mười triệu năm trăm sáu mươi ngàn, tính mười một triệu cho nó chẵn, rồi tiền trọ, rồi cho nó mấy đồng bỏ túi. Rồi mua chi đó ra thăm con. Từ hôm nó nhập học đến nay cũng hơn ba tháng mà ông bà chưa ra ngó nghiêng xem con ăn ở học hành ra làm sao. Thôi đận này quyết phải đi một chuyến, xe dịch vụ đi về cho hai người cũng gần năm trăm ngàn rồi, hay thôi để tiền đó cho con. Nhưng không được, tốn kém bao nhiêu cũng phải ra một chuyến xem sao.

Có tiếng xe quen, pha đèn rọi thẳng vào nhà, máy cứ nổ uỳnh uỳnh điếc hết cả tai, bà cáu, xăng rẻ lắm chắc. Ông hỏi lại, sao còn không bật điện mà để như thời nguyên thủy vậy, hình như bị mô - ve rồi, ông lại xem sao, bà nói với ra cố át lấy tiếng xe máy. Ông ra chuồng trâu rút cây chạc hai dùng để phơi rơm tiến lại trụ điện, ông ngó tới ngó lui theo ánh đèn pin, rồi nhắm đường dây dẫn vào nhà mình đập nhẹ một cái. Thật vi diệu, ngọn đèn vàng dưới bếp bật sáng, chiếc tuýp nháy liên hồi rồi cũng vụt lóe lên một tia sáng xanh.

Nghe nói sắp có mưa mẹ nó à, tôi đang tính cắt dưa sớm. được chừng nào hay chừng ấy. chứ dưa mình chừ mà gặp trận mưa thì xong. Bên thương lái hẹn cuối tuần, bà nhắc, chừ mình cắt sớm để lâu người ta đâu có lấy, mà lên chợ thì bán được bao nhiêu trái lắm, mưa làm giông mấy hôm cho sưa nở như mọi năm ấy mà, lo gì.

Ông trầm ngâm bên ấm nước chè đặc, loại nước lá từ mùng năm năm ngoái đến giờ vẫn còn thơm ngào ngạt, rít một hơi thuốc dài, khói bảng lảng phủ lấy gương mặt xương xẩu, đen trùi trụi vì phơi mấy ngày nắng gắt. Vứt tàn thuốc xuống đất, ông đưa chân dụi dụi đôi cái rồi dắt chiếc xe cà tang vào chái hiên.

Cơn mưa đêm lộp độp rồi rào rào khiến hai ông bà giật thót người tỉnh cả ngủ. Nghe nói gió hội tụ trên cao tạo thành vùng thấp, thì cũng như mọi năm thôi, không ai quá lo lắng cho những đợt làm mình làm mảy của trời trong tháng này. Chưa kịp hè mà, đã tới mùa đông đâu. Nhưng dạo này thời tiết thất thường, đỏng đảnh, chẳng còn bốn mùa xuân hạ thu đông, cũng chẳng phải quê em hai mùa mưa nắng nữa. Mà ổng ưng thì mưa, ưng thì nắng, trời mà, ai làm gì được ổng.

Bà trở mình, nghe tiếng dưa nổ lụp bụp ngoài đồng, nghe lúa gồng mình uống những giọt bất đắc dĩ. Mấy thửa đậu phộng cũng sắp tới kỳ thu hoạch. Không sớm hơn, không muộn hơn, lại ngay lúc này, ông trời thiệt biết làm khó người ta mà.

Ông nén tiếng thở dài, mưa mỗi lúc một nặng hạt, quờ tay tìm chiếc chăn, thôi cố ngủ đi, mai ra đồng xem sao.

Màn trời bị phủ kín bởi những đám mây xám xịt, mưa từ đêm qua không ngớt, cứ đà này, hai hôm là ngập đồng. Bưng chén cơm chan nước cá kho còn lại từ đêm qua, bà và vào miệng rời rạc. Lúa đang làm đòng, gặp trận mưa này coi như xong. Nhìn ra vườn, mấy luống đậu ngập sâu trong nước. Ông giục bà ăn lẹ rồi hai người mang áo mưa ra vườn. Đê vỡ, nước từ ngoài ào ào kéo vào, chẳng mấy chốc đám đậu lạc chỉ còn lại một khoảng trắng đục mênh mang.

Mấy hôm dầm mưa ròng rã, cuối cùng cũng nhổ gần hết đám đậu. Nói là nhổ, chứ thật ra chỉ cần chạm nhẹ là nhấc lên được. Chưa tới ngày thu hoạch nên vỏ trắng bợt bạc, hạt lép. Nhưng thôi, được chừng nào hay chừng ấy.

Thằng con trai đòi nghỉ học ít hôm về phụ ba mẹ, bà gạt đi, thôi mưa gió này đường ngập cả, con về làm gì cho nguy hiểm, cứ ở một chỗ cho an toàn giùm mẹ là được. Thằng con vâng vâng dạ dạ rồi tắt máy, bà thở dài sườn sượt, nghe từng đợt mưa băm nát cõi lòng.

Nhà có mỗi mụn con, đứa con cầu tự, cưới nhau hơn hai mươi năm ông bà mới sinh được nó, quả là một phép màu. Người ta bảo nó là con trời, con phật, chứ con ông bà sao đẹp nhường ấy, học giỏi nhường ấy. Bà mỉm cười hạnh phúc. Nó là đứa bà chờ đợi suốt hơn hai mươi năm, mấy lần mang thai đều sút sẩy, bà như rơi vào hố đen tuyệt vọng. Và nó xuất hiện như một phép màu, khi của cải của ông bà dần đội nón ra đi với những chuyến điều trị vô sinh, hiếm muộn. Ai bảo gì cũng nghe, ai chỉ đâu cũng tới.

Và rồi một ngày đẹp trời, nó xuất hiện không báo trước. Ông bà vỡ òa trong niềm hạnh phúc muộn màng.

Hai người tự nhủ lòng sẽ dành điều tốt đẹp nhất cho con.

Ngày mai là hạn cuối nộp học phí. Bà gọi điện cho thương lái, chị ta giãy nãy, khổ quá, dưa ngâm xanh cả đồng tôi mua làm gì, cho lợn ăn à! Bà hẫng hụt, nài nỉ thêm lần nữa, em cho chị mượn đỡ một ít, mùa sau chị để giá rẻ hơn cho. Chị ta cười sằng sặc, chuyện hôm nay không biết ngày mai được, em không giúp gì được đâu nha, em bận chút chuyện rồi. Cô ta tắt máy ngay không kịp để bà nài nỉ thêm.

Chiếc bạt che tạm dùng chỗ để mấy sào đậu. Mưa quăng quật ào ào, hai ông bà co dúm người trong bộ đồ mưa cũ kỹ. Nghe đài báo có thêm mấy đợt mưa tăng cường, rồi bão đang hình thành ngoài biển đông. Kiểu này biết xoay xở làm sao.

Tóc ông dường như bạc thêm sau mỗi đêm mưa, lưng bà dường như còng hơn sau dòng tin báo bão. Những cây đậu trôi ra góc vườn tạo thành những đụn nhỏ ngăn dòng chảy, nước phủ trắng đến khoảng sân bé tí. Bà nằm im nghe tiếng sóng dội ầm ầm ngoài bờ biển xa. Còn bao nhiêu chiếc tàu chưa kịp vào bờ, bao nhiêu con người lênh đênh bám biển. Bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh chia ly. Tự dưng nước mắt bà trào ra, con người trước cơn nổi giận của thiên nhiên thật bé nhỏ. Đời bà, rồi đời con bà, cháu bà, biết còn bao nhiêu thiên tai, bao nhiêu biến cố. Sức chịu đựng của thiên nhiên cũng có giới hạn, như chiếc đê bao ngăn lũ lúc triều cường, ngỡ vững vàng chắc chắn là vậy, cũng vỡ òa toang hoác sau nhiều đêm mưa.

Bà không thôi nghĩ đến đám dưa ngâm mình trong dòng nước, biết làm gì với chúng bây giờ.

Sáng nay, trời bỗng quang hơn, nghe đâu mưa dạt vào phía trong Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Bà dậy đun nồi nước, chiên bát cơm nguội dằn cho chắt bụng rồi ra đồng. Nước phủ trắng đồng tang tóc, một mùa đói kém lại về. Dịch bệnh chưa nguôi ngoai thì lại thiên tai ập đến. Con người bé nhỏ làm sao chống chọi với những biến cố to lớn này.

Thằng con dắt theo nhóm bạn, bảo sinh viên về hỗ trợ bà con vùng lũ. Bà vừa mừng vừa lo, mừng vì con biết nghĩ, biết làm những việc tốt đẹp cho đời, lo vì sức khỏe của con sau những ngày mắc cô vít chưa được ổn định. Con cười tươi rói, bảo ba mẹ để con trưởng thành, đừng bao bọc quá con không biết mình đang ở đâu.

Ông đập vào vai con tin cậy, như thể bảo được rồi anh bạn, cuộc sống này là của con.

Cậu con trai sau mấy tháng xa ba mẹ bỗng nhiên thành người khác, đỉnh đạc, tự tin. Bà nhìn cái lưng quen đang cúi vớt từng quả dưa ngâm dưới nước bùn, những đôi tay ngỡ ngàng bởi chưa quen việc. Tự nhiên lòng bà dâng lên một niềm xúc động mãnh liệt, các con rồi sẽ nên người, sẽ là những nhân tài của đất nước thôi.

Khoản học phí hơn mười triệu đồng lại nhảy múa trước mắt, bà gạt vội dòng nước mắt xúc động, nhẩm xem còn chỗ nào có thể mượn tạm cho con. Bà tặc lưỡi quầy đôi thúng vào bếp, đầu tiên phải nấu thứ gì đó để bọn trẻ ăn cho ấm bụng đã.

Ngoài kia, tiếng lội nước ồm ộp của mấy đôi ủng, tiếng cười đùa trong veo của lũ trẻ, cả tiếng đập cây đậu chan chát vào mấy tấm ván được phủ bạc kê dưới gốc cây vú sữa cứ dậy cả lên, náo nhiệt, hân hoan. Hình như, ngày mai nắng lên.

Truyện ngắn của HỒ LOAN

.
.
.