Nhớ cánh chuồn kim xanh biếc
Con người ai cũng có hoài niệm tuổi thơ, càng lớn tuổi nỗi nhớ quê càng khắc khoải, luôn sống trong hoài niệm không nguôi về thời thơ ấu của mình – Đó là “những tháng năm đẹp nhất đời người” theo cách nói văn hoa một chút.
Đối với tôi “những tháng năm đẹp nhất đời người” ấy là kỷ niệm tắm ao làng. Cái ao làng không sâu như đầm phá, nó chỉ vừa hụt đầu một đứa trẻ lên 10, có trồng hoa sen, hoa súng, vào mùa hè nước trong xanh như in rõ dáng trời. Ao làng tất nhiên không chứa nước máy mà toàn nước mưa, được lọc lắng bằng hàng trăm, hàng ngàn bộ rễ nhỏ li ti của lục bình, bèo Tây, sen, súng…
Có những ao làng nguồn nước ra, vào thay đổi, nhưng cũng có những ao làng quanh năm chỉ được bổ sung một nguồn nước mưa, đầy vơi theo nắng hạ, mưa đông. Nhưng nước ao làng luôn ngọt mát, đi trên đường lộ, đường làng giữa trưa nắng gắt, tình cờ ngang qua một cái ao làng đầy hoa sen, hoa sung nở, bướm ong chập chờn giỡn nước, lượn qua bất cứ người nào cũng thèm nhảy xuống tắm, muốn được trầm mình trong dòng nước mát lạnh, chân quê ấy.
Tôi đã từng ngụp lặn trong cái ao làng thân yêu của tuổi thơ tôi như thế, từng ngâm mình trong làn nước mát rượi, hoặc thả ngửa người trên mặt nước thong dong nhìn bầu trời cao phơn phớt màu xanh trứng sáo. Từng say sưa nhìn đàn sáo bay ngang, những con sáo nâu cứ đập đôi cánh liên hồi, hai cái chớp trắng ở đầu đôi cánh sáo nâu sáng bừng lên trong khoảng không giữa mây và nắng, thu ngắn khoảng trời nhưng xa dần tầm mắt của tôi.
Đàn sáo bay về đâu tôi không thể biết được, những con sáo bay qua ao làng (có thể đã qua sông) có trở lại không, cũng không ai biết rõ. Tôi cũng từng ngắm mê mải con chuồn chuồn kim xanh biếc, nhỏ tí, đậu trên một đài hoa súng đỏ, hay một cánh sen trắng hồng. Chú chuồn kim này ở đâu bay tới? chuồn chuồn không bay đôi, nó thường lẻ bạn, chú chuồn chuồn kim nhỏ tí, giống như cây kim màu xanh ghim hờ hững trên một đài hoa sen, hoa súng của tôi cũng thế.
Ôi cái ao làng của tuổi thơ tôi xưa vẫn mãi là hình ảnh tuyệt đẹp. Nó nằm trước sân đình, ở góc ao có một cây đa to vòng thân mấy người ôm không hết, tàn lá rất rộng, che mát cả một góc ao. Trên tán lá xanh ngút ngàn, suốt ngày chim chóc nhảy chuyền, ca hót véo von. Tôi và lũ bạn học một thời đã quăng cặp, cởi áo trắng học trò, vận độc chiếc quần cụt đua nhau leo lên cây đa rồi đu theo nhánh đa de ra mặt ao, thi nhau buông tay cho người “rơi tự do” xuống đáy ao rồi trồi lên, tay vuốt nước nhòe mặt mũi, nhe răng nhìn nhau cười khóai trá.
Có khi ao làng lại ở sau ngôi chùa cổ, khuất trong đám dừa Tam Quang có những quày dừa trái đỏ, trái vàng nước ngọt lịm. Ao làng ở đây tiếp cận với nguồn nước sông nên không trong mát bằng ao làng ở sân đình, nhưng cũng có hoa sen, hoa súng và rất nhiều lục bình. Tôi và lũ bạn lại có trò chơi đu dây sắp hàng dọc, lần lượt từng đứa chạy lấy trớn rồi với tay nắm một tàu dừa đu qua bờ ao bên kia, đứa nào yếu hơn sẽ bị rớt giữa mặt ao, té ùm xuống và rồi lại trồi lên.
Ao làng thường gắn với những trò chơi lặn ngụp của thời tuổi nhỏ. Nó không chỉ là nơi tắm mát trưa hè, hái sen, hái sung chiều thu, thả những con tàu trắng bằng giấy xếp mùa đông cho nước gợn trong ao đưa đi ra xa khơi, hoặc để lũ trẻ chúng tôi tụ tập chơi trò rồng rắn, xênh xang, lụng thụng trong những bộ quần áo mới trong ngày xuân Tết đến mà ao làng còn là một nơi mang tính “thiêng liêng” bất cứ người lớn hay trẻ con đều không được vứt rác hay bất cứ cái gì dơ bẩn xuống dưới.
Do đó ao làng suốt bốn mùa, quanh năm suốt tháng, nắng lửa, mưa dầm làn nước vẫn sạch trong, ở chỗ trong nhất có thể soi gương rửa mặt, chải tóc. Do đó ao làng không chỉ là nơi trẻ con tắm mát mà còn là nơi cho ai đó ngồi lặng một mình… soi cả tâm hồn mình vào đáy nước trong.
PHAN TƯỜNG NIỆM