.

ĐỜN CA TÀI TỬ - Di sản đất phương Nam

Cập nhật: 17:01, 08/04/2022 (GMT+7)

“Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam” là chủ để tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022, tổ chức từ ngày 6-11/4, tại TP.Cần Thơ, do Cục Văn hóa cơ sở và Sở VHTTDL Cần Thơ tổ chức.

Tài tử Vạn Kiếp biểu diễn tại “Không gian ĐCTT” của tỉnh BR-VT.
Tài tử Vạn Kiếp biểu diễn tại “Không gian ĐCTT” của tỉnh BR-VT.

Tham gia Hội thi là các nhóm, CLB ĐCTT đến từ 21 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ có loại hình ĐCTT. Mỗi đội gồm các tài tử đờn, tài tử ca dự thi một chương trình dài 35 phút với các tiết mục đờn, ca có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, giới thiệu được những đặc điểm nổi bật của quê hương mình… Qua đó, tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bà Rịa – Vũng Tàu - ngày mới đẹp sao

Ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm VH-NT tỉnh, Trưởng Đoàn ĐCTT BR-VT cho hay, tham gia Hội thi, các đoàn phải đăng ký 5 tiết mục: Phần đờn gồm 1 tiết mục hoà đờn; phần ca gồm 4 tiết mục có đơn ca, song ca, ca ra bộ và ca vọng cổ.

Về bài bản, các đoàn tùy chọn, nhưng bắt buộc phải trong 20 bài bản tổ và Vọng cổ nhịp 8 hoặc Vọng cổ nhịp 16. Bài ca phải là bài văn có nội dung đúng theo chủ đề, được soạn theo khúc thức bài bản tổ nhạc Tài tử.

Về bản Vọng cổ, có thể chọn Vọng cổ nhịp tư (20 câu), hoặc Vọng cổ nhịp 8 (12 câu), hoặc Vọng cổ nhịp 16 (6 câu). Mỗi chương trình dưới 40 phút. Khuyến khích mỗi đoàn có ít nhất một tài tử ca hoặc một tài tử đờn dưới 18 tuổi để thể hiện tính kế thừa.

Với chủ đề “Bà Rịa – Vũng Tàu - ngày mới đẹp sao”, chương trình của Đoàn BR-VT tham dự Hội thi với 5 tiết mục: Hòa ca: Đến là yêu (Cát Phượng - Ngọc Thảo - Kim Trân); Song ca: Hoa bất tử (Xuân Trang - Bảo Ngọc); Đơn ca: Màu đất đỏ tôi yêu (Văn Kiếp); Ca ra bộ: BR-VT vươn tới tầm cao (Vân Hạnh - Xuân Trang - Phú Thiện); Hòa tấu đờn: Ngũ đối hạ (Hoàng Hưng – Văn Trung - Văn Thạch - Ngọc Giàu - Văn Nhân).

Các bản tham dự Liên hoan là các sáng tác lời mới tập trung về mảnh đất, con người, các thế mạnh du lịch, cảng biển của tỉnh, khát vọng vươn tới tầm cao. Để chuẩn bị cho chương trình, trong 3 tuần, 16  tài tử, nghệ nhân của Đoàn đã vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng nhau tập luyện các tiết mục đặc sắc để trình diễn tại Hội thi. Đặc biệt, Đoàn có sự tham gia của các tài tử  ca trẻ như: Kim Trân, Bảo Ngọc đều dưới 18 tuổi.

Lan tỏa giá trị di sản nhân loại

Bên cạnh chương trình Hội thi ĐCTT, các đoàn còn trang trí, thiết kế “Không gian ĐCTT”. Theo đó, BTC bố trí cho mỗi địa phương tham gia với không gian khoảng 40m2. Phần trưng bày thể hiện đúng với không gian văn hóa đặc trưng của địa phương thông qua trang phục, giao tiếp và nghệ thuật trình diễn đờn ca tài tử.

Tại những không gian này, vào các buổi tối có các nghệ nhân tiêu biểu của địa phương biểu diễn và truyền dạy cách hát, sử dụng nhạc cụ cho du khách và nhân dân đến tham quan. Bên cạnh đó, lồng ghép trưng bày hình ảnh, hiện vật tiêu biểu liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trong hoạt động biểu diễn hàng ngày tại không gian.

Phát biểu tại Lễ khai mạc chiều 6/4, ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, ĐCTT là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, sản phẩm văn hóa phi vật thể vừa mang tính bác học, vừa mang tính dân gian.

Theo năm tháng, nghệ thuật ĐCTT luôn cho thấy một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng và tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam nói chung và vùng đất Phương Nam nói riêng.

Việc tổ chức Liên hoan chính là sự cụ thể hóa những cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

“Đây  sân chơi của những tài tử Đờn, tài tử Ca, những người có khiếu âm nhạc, có năng lực sáng tác và diễn tấu tìm đến để thỏa mãn đam mê, thỏa mãn nhu cầu giao lưu, học hỏi nghệ thuật. Thông qua việc tôn vinh những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loạigóp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Công Trung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG - VĨNH TRÍ

Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022 và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022 diễn ra từ ngày 6-11/4. Chiều 6/4 đã diễn ra Lễ khai mạc với chủ đề “ĐCTT Nam bộ-Di sản Đất phương Nam”. Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022 với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật dân tộc Việt” diễn ra vào tối 7/4. Ngoài Hội thi nghệ thuật ĐCTT, tại Liên hoan lần này còn tổ chức các hoạt động nổi bật như: Hội thi không gian ĐCTT; triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”, chương trình tổng kết, bế mạc liên hoan vào ngày 11/4.

 

.
.
.