.

Bước qua mùa cũ

Cập nhật: 18:26, 18/03/2022 (GMT+7)

Thùy vừa về đến nhà, trong lúc lấy chìa khóa ra để mở cửa thì phát hiện chiếc chìa khóa đã không còn nằm trong túi. Cô lục hết các túi có trên người, rồi chiếc ví đựng tiền, cả những túi đồ vừa mới mua, vẫn không tìm ra chiếc chìa khóa. Nó bé tí, mọi khi còn máng thêm vào những thứ lặt vặt mà bạn bè đi chơi xa hay mua về tặng, gần đây nhất là con gà kết bằng nỉ thổ cẩm, nhưng do hôm trước sơ ý để gia vị nặng mùi rơi vào, Thùy đành gỡ bỏ nó đi.

Nếu giờ gọi cho Khánh, chồng Thùy, hỏi xem anh có còn ở gần nhà thì Thùy đến lấy chìa khóa. Rồi mai mang chìa khóa của Khánh đi đánh chìa mới, chứ khu vực này đâu có ai đến phá ổ khóa cho. Nhưng hẳn anh sẽ rất khó chịu khi nghe Thùy hỏi vậy. Lại còn cái lý do sơ ý làm mất chìa nữa. Khánh đã biết bao nhiêu lần dặn dò Thùy phải cẩn thận. Có hôm Thùy để quên khi đi mua sữa cho con, may mà trở lại vẫn còn nguyên. Nếu chẳng may rơi vào tầm ngắm của tên trộm nào đó có phải dâng mỡ tận miệng mèo không? Nên thôi, Thùy quyết định tự đi tìm chìa khóa. Thùy nghĩ chắc hẳn chúng chỉ rơi ở khúc mà Thùy có lấy điện thoại ra nghe. Nếu đúng như Thùy dự đoán thì nó chẳng mất đi đâu. Cái chìa khóa cũng chỉ có giá trị nhất định với chủ nhân nó mà thôi.

Cô đi ngược lại con đường có dàn sử quân tử nặng trĩu bông mình vừa đi, xuyên qua một công viên có những hàng cây to bằng vòng tay người, qua khỏi trường mẫu giáo nhỏ nhỏ xinh xinh của cô con gái, đi thêm một đoạn nữa là ra đến chợ. Mỗi ngày Thùy đều đi bộ trên con đường này vài lần, đưa đón con và đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm tối trước khi Khánh đi làm về.

Trước mặt Thùy là một ngân hàng lớn, những cô nhân viên trạc tuổi Thùy trong trang phục văn phòng nhìn lúc nào cũng gọn gàng, tươm tất. Nếu không bận con cái, biết đâu Thùy cũng sẽ là nhân viên văn phòng của một trong số công ty gần nhà nằm trên đường này.

Ngay cả khi lấy chồng rồi sinh con, Thùy vẫn không nghĩ cuộc sống của mình chỉ thu hẹp lại nơi con phố này. Từ nhà đến chợ, đến trường của con. Một lần Khánh bảo: “Sao anh thấy những bà mẹ bỉm sữa vẫn không khác thời thiếu nữ mấy”. Khánh bỏ lửng câu so sánh phía sau, nhưng Thùy đâu vô tư đến mức không nhận ra.

Nhưng cô không giận Khánh, bởi đó cũng là suy nghĩ của Thùy trước khi sinh con. Thùy nghĩ mình sẽ là một bà mẹ bận rộn nhưng vẫn gọn gàng, xinh đẹp, thậm chí là quyến rũ hơn. Cô còn nghĩ bên cạnh việc chăm con, sẽ cố gắng sắp xếp để dành ra một tiếng tập yoga mỗi ngày, sẽ ăn những món ăn để có làn da tràn đầy sức sống, thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ bạn bè, coi những bộ phim hay như thời thiếu nữ…

Đến khi bé Ti ra đời, mối bận tâm duy nhất của Thùy chỉ gói gọn trong vài mét vuông của căn phòng ngủ, đó là con ăn thế nào, ngủ ra sao. Mọi cảm xúc của Thùy đều nằm ở đó. Bé Ti lại hay bệnh vặt, có những ngày Thùy không rảnh tay để búi tóc lại cho gọn gàng. Bạn bè đa phần chưa sinh con nên Thùy cũng chẳng chia sẻ được. Tụi nó đến thăm vào những khung giờ được báo trước, khi đó Thùy đã chỉnh trang tươm tất cho cả 2 mẹ con. Nhìn chẳng có vẻ gì là tất bật cả ngày. Trong đám bạn, chỉ có mình Ly là đã sinh con nên Thùy mặc sức mà than thở, không cần che giấu gì. Ly hiểu hết, những giấc ngủ không trọn vẹn, những miếng cơm dang dở, chứ đừng đòi hỏi đến những thứ xa xỉ cho cá nhân khác.

Vào ngày thôi nôi bé Ti, Ly bảo: “Khi nào đi làm được thì nói Ly, nếu ngại đi xin việc thì Ly hỏi mấy chỗ quen cho, có chuyên môn, bằng cấp mà lo gì”. “Thùy cũng muốn đi làm, nhưng con còn nhỏ, gửi người trông không yên tâm”. “Đúng là chỉ mình trông con là yên tâm nhất, nhưng nhớ đừng ở nhà quá lâu, không lại sợ ra đường giống như Ly hồi trước. Vì ở nhà riết đầu óc nó chậm chạp lại, sinh ra tự ti lúc nào không hay”.

Thùy sinh liền tù tì 2 bé gần nhau, chẳng nhớ đã ở nhà bao nhiêu năm. Nhưng bây giờ thì Thùy đang ở đúng cái viễn cảnh mà Ly từng cảnh báo. Cô nhìn những nhân viên tất bật trong văn phòng với ánh nhìn ngưỡng mộ. Vẻ như chỉ ở đó mới có một bầu trời đầy những thứ mới mẻ, những kiến thức, kỹ năng của một phụ nữ hiện đại, chứ không như Thùy. Từ bao giờ mà Thùy lại có ý nghĩ tự ti đến như vậy?

Khánh không ủng hộ Thùy đi làm hay ở hẳn nhà trông con. Nhưng khi nói đến công việc, đến sự bận rộn, Khánh xem như Thùy chẳng biết gì. Cả những câu chuyện của Thùy kể, cũng chẳng bao giờ là quan trọng nên anh nghe rất thờ ơ, nghe đó rồi quên ngay. Trong đầu anh chỉ toàn những hợp đồng, đối tác, dự án to tát. Anh làm đến quên giờ ăn và được cấp trên đánh giá cao ở tinh thần trách nhiệm. Bất cứ giờ nào, miễn là có việc cần đến anh là anh có mặt để giải quyết. Những đứa con lớn lên trong sự chăm sóc của Thùy. Mỗi ngày anh chỉ việc đi làm, về nhà lại làm tiếp công việc ở công ty cho đến đêm. Con người anh như một cỗ máy với chức năng duy nhất là làm việc.

Trời hôm nay nhiều nắng. Thùy vừa đi vừa căng mắt nhìn xuống mỗi bước chân của mình. Cô hình dung mình sẽ bước trùng vào những bước đi của nhiều ngày trước. Đến một đoạn có lá cây rụng dày lối đi, Thùy nhìn lên thấy những bóng nắng xuyên kẽ lá, tóe ra những tia sáng khiến cô thấy hoa mắt.

Thùy tìm một ghế đá trong công viên ngồi nghỉ chân. Hình như đây cũng là lần đầu tiên cô ngồi nghỉ chân lại công viên này, sau biết bao nhiêu lần tất bật đi ngang. Quên mất cảm giác lo lắng nếu như không tìm ra chìa khóa, cô sẽ phải làm sao, Thùy cảm thấy thật thoải mái. Cô thấy tiếc nuối vì bao lâu nay sao mình không dành những giây phút ngắn ngủi này để dừng chân ngắm những chiếc lá rơi, hay chỉ là đón những cơn gió mát lành mơn man trên da thịt. Những lúc đó, cô đều phải đi cho thật nhanh, về nhà tranh thủ bắc nồi xương hầm để nấu cháo cho bé út, rồi canh lúc trời nắng to, hong phơi mớ mùng mền, thảm chân mới giặt lúc sáng. Khi khác lại tranh thủ muối thêm hũ dưa, sơ chế thực phẩm cho nhanh để bỏ vào tủ lạnh cho tươi… Cứ như vậy, Thùy chẳng bao giờ hào phóng bỏ ra vài phút nghỉ chân cho mình.

Có tiếng bước chân lại gần từ phía sau lưng Thùy. Kèm theo đó là thanh âm vui mừng của đàn ông: “Thùy, phải Thùy lớp A2 không?”. Thùy quay lại: “Trời ơi, Nam lớp trưởng?”. Nam cười, mỗi lần cười là típ mắt lại y như hồi học cấp ba. Nụ cười ấy làm sống lại biết bao kỷ niệm giữa hai người ở tuổi học trò. Nhưng bây giờ trước mặt Thùy là người đàn ông chững chạc, ăn mặc lịch sự. Thùy thoáng bối rối khi nhìn xuống bộ đồ đi chợ của mình, nhưng trong ánh mắt của Nam không để ý đến chuyện đó. Nam ngồi xuống cạnh Thùy, thân thiện: “Nam mới về nước, cũng đang định lên mạng xã hội kết nối mời mọi người họp lớp, không ngờ gặp Thùy ở đây”. “Thùy nhớ rồi, Nam đi du học từ học bổng của một cuộc thi, hồi đó Thùy cũng theo dõi cuộc thi, thấy Nam thật là xuất sắc”. “Nam may mắn thôi, vì đợt đó Thùy không đăng ký tham gia mà, chứ Thùy tham gia thì dễ gì Nam có vé”. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, Nam hỏi Thùy: “Sao Thùy ngồi đây? Đợi ai hay sao?”. Thùy lắc đầu, cô không biết có nên nói lý do đi tìm chìa khóa cho Nam nghe không, nó thật tủn mủn, Thùy nghĩ vậy nên im lặng. “Vậy tụi mình đi ăn trưa nha, gần đây thôi”. Thùy gật đầu.

Nhà hàng nhỏ nhỏ này Thùy cũng từng đi ngang nhưng chưa một lần ghé lại. Máy lạnh mát rượi và mọi góc nhìn đều gọn gàng, tươm tất. Nam gọi những món ăn thuần Việt, trong đó có dưa, cà, mắm, canh chua. Anh ăn rất ngon và nói chuyện tự nhiên như những người bạn thân lâu năm, không phân biệt, không hỏi những chuyện quá riêng tư, điều đó khiến Thùy thấy dễ chịu.

“Lần này Nam về nước luôn, Nam thích sống ở Việt Nam và có dự án dự định sẽ kết hợp với một số bạn bè mình để làm”. Tiếng dự án thốt ra từ Nam tựa như một bức tường thành lạnh lẽo chuẩn bị dựng lên giữa hai người. Thùy nói: “Bạn bè mình nhiều người cũng giỏi lắm, chỉ có Thùy là chẳng làm được gì sau khi tốt nghiệp”. Nam chạm lấy bàn tay Thùy, đầy chân thành: “Là Thùy chưa làm đó thôi, người phù hợp với dự án này mà Nam nghĩ đến đầu tiên là Thùy đó, vì nó liên quan đến du lịch, chẳng phải thế mạnh của Thùy đó sao? Chỉ sợ Thùy chê không hợp tác thôi à!”. Thùy im lặng, nhưng trong lòng cô dâng lên cảm giác biết ơn Nam vô vàn, không nhờ Nam, cô quên luôn mình từng là cô sinh viên với ước mơ cháy bỏng trong lĩnh vực du lịch.

“À, mà Thùy chưa trả lời Nam, khi nãy sao Thùy ngồi một mình ở đó” – Nam nhắc lại khi phục vụ vừa dọn dẹp và mang ra dĩa trái cây tráng miệng. Lúc này Thùy mới kể chuyện sơ ý làm mất chìa khóa cho Nam. Cậu ta lại cười típ mắt: “Tưởng chuyện gì, lát nữa để Nam chở thợ phá khóa tới, chứ đi tìm khó thấy lắm, còn không biết nó rớt đâu nữa mà!”. Thùy ấp úng: “Nhưng…”. “Không có nhưng gì hết, coi như chuyện đó cứ giao cho Nam. Khu vực này Nam thuộc đường sá và cả những chỗ có làm khóa mà”.

Thùy cũng thở phào theo, hình như mọi thứ đều đơn giản hơn nỗi lo lắng trong Thùy.

* * *

Mỗi ngày Khánh về đến nhà là dán mắt vào màn hình điện thoại. Ngay khi ngồi tháo dày, đến lúc lột áo ngoài, áo trong cho vào máy giặt, cả trên bàn ăn cũng không rời khỏi điện thoại. Vài lần Thùy hỏi, Khánh gắt gỏng nói vì công việc nên Thùy không hỏi thêm. Những khi có việc cần nói, liên quan đến chuyện học hành của con, chuyện gia đình hai bên, Thùy cũng không biết lúc nào là tiện, là anh có thể rời điện thoại để nghe một cách tập trung, tôn trọng Thùy.

Nhưng hôm nay, người dán mắt lên màn hình lại là Thùy. Cô ngồi ở máy tính rất lâu khiến Khánh ngạc nhiên. Không để Khánh hỏi, Thùy nói: “Em sẽ sắp xếp để đi làm”. Thùy cũng không quan tâm đến thái độ của Khánh. Trong cô đang tràn đầy sự tự tin và nghĩ đến không lâu nữa, mình sẽ hòa nhập được với xã hội, được làm những công việc mình yêu thích, vừa có thêm thu nhập để lo cho hai cô công chúa nhỏ, vừa trở lại là chính mình của ngày nào. Nhưng Thùy đã nghĩ trong bụng rồi, nếu thấy thái độ của Khánh như mọi lần, Thùy sẽ phản ứng lại ngay.

Thùy còn nghĩ mình sẽ kể với Khánh về việc mất chìa khóa mà chẳng có chút sợ sệt như trước. Bởi nhờ nó, cô đã tìm lại được những gì mình đã mất đi. Khánh sẽ chẳng vui đâu, nhất là cái đoạn gặp lại Nam, nhưng đó là việc của Khánh, làm sao bắt Thùy cứ phải chiều theo những vui buồn của Khánh, để rồi đánh mất cả chính mình. Thùy nghĩ đến đó, rồi tự thở phào, cảm giác như mình vừa tự tay gỡ những vòng dây trói buộc cho chính mình.

Nhưng Thùy chưa kịp kể với Khánh thì bé Ti chạy vào hỏi mẹ: “Mẹ sắp đi làm hả mẹ? Con muốn được đến công ty mẹ làm như bạn Xíu cơ!”. Khánh ôm lấy con gái: “Nhưng con phải ngoan và trông em phụ mẹ, để mẹ đi làm, nghen!”. Bé Ti gật đầu lia lịa. Thùy cũng thở phào, những ngôn từ chuẩn bị để đối phó với chồng đã không cần dùng tới.

Thùy nhìn ba cha con trò chuyện mà thấy lòng tràn ngập niềm hạnh phúc. Ngày mai sẽ là một ngày mới, ngày Thùy bước qua mùa cũ để hòa vào hành trình mới, hành trình của yêu thương.

Truyện ngắn của LA THỊ ÁNH HƯỜNG

.
.
.