Nỗi lòng xa quê mùa dịch
Mẹ gọi điện lên với vẻ hoang mang tột độ: “Dịch bệnh rồi, mần ăn gì nữa. Nghỉ làm ngay, kẻo nhiễm bệnh thì khổ. Về đi con, mẹ nuôi. Có gì ăn nấy”. Rồi mẹ khóc như mưa qua điện thoại: “Cái thằng này nhỏ lớn cứng đầu, nói không bao giờ nghe”. Mẹ đâu biết tôi ở khu cách ly, đâu phải về là được. Thấy mẹ khóc mà tự dưng tôi cũng muốn khóc theo. Đôi mắt nhen nhóm tuyến lệ như muốn trào ra. Sao mà thương quá.
Người ta tưởng đi lên thị thành chắc sung sướng lắm, vui lắm, tiền làm nhiều lắm. Những lần về thăm nhà, gặp người láng giềng, câu đầu tiên họ chẳng hỏi thăm sức khỏe ngoài việc: “Làm lương tháng nhiêu mậy? Làm cho công ty nước ngoài chắc tiền nhiều lắm...”. Trải nghiệm đi rồi biết. Cuộc sống xa quê không đơn giản tí nào. Chúng tôi luôn ngược đãi với bản thân qua những bữa ăn vội vã ngoài hàng quán. Đối xử tệ bạc với mình khi làm việc không nghỉ ngơi. Cái chỗ gọi là nhà nhưng thật ra chỉ là chiếc hộp vuông vức ngột ngạt. Nhiều đêm nằm gác tay lên trán nghe tiếng côn trùng, ếch nhái kêu râm ran ở phía sau nhà. Chợt nhớ quê đến chạnh lòng...
Nào có dám than thở với cha mẹ rằng ít ăn, thiếu ngủ, không chăm sóc bản thân. Bởi người già thường hay lo, lo xa, nỗi lo mơ hồ rồi sinh bệnh. Bao cuộc điện thoại đều báo cáo rằng bản thân ổn, nhưng lại thẹn với lòng rằng mình đang nói dối mẹ cha. Nay dịch bệnh tràn lan, con người ta kéo nhau về quê trốn dịch. Ở nhà đấng sinh thành thêm phần lo. Không về, ba giận, hết ra lại vào càm ràm. Mẹ thì cứ nói mãi một chuyện: “Không biết nó ở trên đó ra sao? Người ta không bán lấy gì bỏ bụng?...”. Lại đau!
Dịch bệnh, vừa thể hiện ý chí đương đầu với đại nạn còn thử thách tình cảm thiêng liêng gia đình. Dịp này mới hiểu hết nỗi lòng thương nhớ của những người con xa quê, sự lo lắng quan tâm của các bậc cha mẹ. Tình cảm người Việt mình luôn tràn trề và giàu có đến như thế. Nếu yêu gia đình, yêu đất nước, hãy gắng chịu đựng sự nhớ nhung ở yên vị trí. Xóa sổ giặc Covid rồi, chúng ta sẽ đoàn viên sau.
THANH VŨ