.

Cơn mưa nào đó rất xa

Cập nhật: 19:53, 25/06/2021 (GMT+7)

Có khi sau một giấc mộng, cuộc sống của chúng ta dường như đã qua một ngày hoàn toàn mới. Ngày đó ta không sắp đặt sẵn, đôi khi chẳng chuẩn bị.  Cũng như có ai từng nói rằng trong khoảnh khắc mà ta vừa chạm gặp, một lát nửa nó sẽ trở thành quá khứ. Vậy là Liên bỏ đi. Buổi sáng thành phố vẫn vậy, vẫn là những chuyến xe chở hàng bỏ mối cho khách đi thật sớm. Là tiếng kẻng báo thức ở doanh trại quân đội gần đó, và có cả tiếng gió bay qua phố. Tiếng kẻng cứ loang ra, rồi trả lại sự yên tĩnh cho khu phố, cho những giấc ngủ vẫn còn đang chập chờn. Hình như chen trong tinh sương ấy còn có tiếng chuông chùa ở một nơi nào đó rất xa, đang vọng tới.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Liên mở cửa, rồi đóng cửa lại. Bước chân của Liên va vào những viên sỏi trên đường, giẫm lên những chiếc lá vàng rụng xuống đêm qua. Phong vẫn đang ngủ say, đêm hôm qua anh uống rất nhiều, và trận cãi vã của vợ chồng vẫn lập lại như một chiếc đĩa hát cứ lập đi lập lại những lời rất cũ. Có thể sẽ đợi Phong tỉnh dậy, có thể rồi sẽ vỗ về nhau, làm hòa để tiếp tục cuộc sống vợ chồng. Nhưng lần này Liên sẽ đi, đi hẳn, đi biệt. Không để lại một lá thư từ biệt, nhưng khi nhìn thấy chiếc tủ quần áo đã trống, không thấy Liên chắc Phong sẽ hiểu.

Đó không phải là lần đầu hai vợ chồng cãi nhau. Mà những trận cãi nhau ấy giống như là việc bình thường, rất bình thường. Mỗi lần như thế, sự tổn thương cứ cộng thêm, giống như cứ cộng mãi những cơn mưa thì nước sẽ thành hồ. Nhủ vì tình yêu mà sống trọn. Nhủ hãy bỏ qua hết mọi điều, bởi đã gọi là đời sống vợ chồng thì làm thế nào không xung đột? Hỏi thử thế gian này có cặp vợ chồng nào mãi mãi thuận hòa? Nhưng rồi đành buông bỏ. Buông bỏ cho cả một đêm mà hai người từng yêu thương nhau, từng thèm khát được ghì nhau trong bóng đêm và môi hôn tham lam chạm gặp, nay chỉ là nỗi đau.

Bến xe đông người, những chiếc khẩu trang che kín mặt đến độ nếu nhìn những đôi mắt khó mà nhận ra nhau. Ở thành phố này, Liên không quen bao nhiêu, cho nên gặp người quen trong chộn rộn là điều khó. Nhưng gặp người quen thì đã sao? Sẽ trả lời là đi về thăm ngoại, hay bảo chỉ là đi tiễn người quen? Nhưng mọi điều đều không cần thiết, mọi điều chỉ là giả định. Bởi khi rời bỏ một điều gì đó, trái tim người không thể không nhói đau. Bởi nếu bỏ một một ngôi nhà, chắc sẽ nhớ chiếc cổng mà ta thường xuyên tra ổ khóa vào, để mở ra, bước vào trong ấm êm. Chỉ có điều cuộc buông bỏ này chỉ có hai người, chỉ có Liên và Phong, không có một đứa con nào để níu về hay để dùng dằng chân bước. Liên leo lên xe, lựa chiếc ghế gần cửa sổ, kéo tấm rèm che nhìn xuống dưới. Bến xe có người đưa tiễn, còn Liên đâu có ai tiễn đưa?

Liên là một cô gái sống ở miền sông nước, mọi người còn gọi cái tên ngồ ngộ là “gái cù lao”. Nhà của ba mẹ Liên nằm trên một cù lao, ở giữa dòng sông Cổ Chiên.  Dòng sông đẹp giống như một cô gái mới lớn, hiền hòa đưa nước trôi ra biển, và trên sông có rất nhiều giề lục bình thoát ra từ các phụ lưu, cũng hững hờ mang trên mình những bông hoa tím tạo cho mênh mông nước một dáng vẻ lạ. Cả tuổi thơ của Liên buồn vui bên con nước triều lên xuống của dòng sông đó, Liên lớn lên ở đó, cù lao có tên rất dễ thương: “An Bình”, bởi vì những con nước triều lên xuống có khi băng qua cù lao theo những con kênh được người dân đào, chỉ là bồi đắp phù sa cho cây cối ở đây tốt tươi. Những ngày thiếu nữ của Liên đầy âm thanh của con nước mỗi ngày lên xuống, giống như tiếng nhạc, nghe mãi rồi quen. Những ngày thiếu nữ của Liên xắn ống quần lên tận đầu gối, chở cây trái đi trên con sông Cổ Chiên về chợ thành phố, hoặc thỉnh thoảng chở những người khách từ nơi khác đến, muốn đi thăm vườn cây ăn trái. Đôi khi Liên trở thành đầu bếp chế biến món ăn cho khách, mà món ăn ở vùng sông nước cũng vô cùng đơn giản như cá lóc nướng trui, cá tai tượng chiên xù, cá lăng nấu canh chua…và đặc biệt là món lẩu cua đồng và cá kèo nướng ống sậy.

Phong đến cù lao An Bình bằng cách đi theo một chiếc thuyền của người dân. Phong gặp Liên ở đó, anh ăn món cá kèo nướng ống sậy do chính Liên chế biến.  Họ đã bị cuốn vào nhau trong cuộc gặp tình cờ như thế đó. Anh bảo từ khi sinh ra đến bây giờ anh ăn các món nướng: nướng lu, nướng ngói, nướng giấy bạc, nướng đất sét, nướng mía…nói chung là đủ kiểu nướng, nhưng nướng ống sậy thì chưa hề nghe nói chứ đừng nói chi chuyện được ăn. Anh nhìn Liên nướng và chuyện trò như thể quen đã lâu.

Trong cuộc sống này, những con người sinh ra ở đâu đó, lớn lên chẳng hề biết nhau, để rồi tình cờ gặp nhau có thể gọi là định mệnh. Định mệnh đun đẩy Phong đến cù lao An Bình, ăn món cá kèo nướng ống sậy, rồi định mệnh khiến hôm ấy trời bỗng đổ mưa như trút nước, Phong về trong mênh mông nước và người lái thuyền là Liên. Có thể khi qua sông, Phong sẽ quên mất Liên, cũng như Liên sẽ quên mất người khách hôm đó như biết bao nhiêu người khách tìm đến và đi. Nhưng Phong đã gởi cho Liên một lời hứa: Khi nào lên thành phố, em gặp anh nhé. Rồi một ngày, cô gái cù lao đã theo tiếng gọi của con tim, theo một chiếc thuyền vào bờ, bỏ lại cù lao An Bình phía sau mà đi.

Liên đã gõ cửa ngôi nhà đó, Phong mở cửa và reo lên như thể vừa tìm được một giấc mơ. Đó là những ngày rất đẹp trời, để sau đó họ thành đôi lứa. Phong nói: “Mình yêu nhau là đủ em nhé”. Phong chỉ có một mình trong cuộc đời này, một anh chàng không còn cha mẹ, chẳng anh em. Phong khởi đầu cuộc sống bằng những ngày ở trại mồ côi, vào đời với quyết tâm sẽ thay đổi cuộc sống bằng cả quyết tâm của mình. Phong trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, rồi anh đi khắp nơi, làm những clip về điểm đến, những clip có lượng người theo dõi khá đông, tạo cho anh một nguồn thu khá cao. Liên bước chân vào ngôi nhà của Phong rất dịu dàng, đó là vào một ngày hạ, cây phượng trước nhà anh bung nở một màu đỏ thắm, khiến cho Liên nhớ đến hai câu thơ: “Hạ đỏ có chàng tới hỏi/ em thơ chị đẹp em đâu?”.

Nhưng Liên đã rời căn nhà đó đi rồi, mùa này cây phượng chỉ có lá xanh, những bông hoa của mùa cũ nay kết trái và trái cũng bắt đầu khô héo. Những trận cãi vã, những lần cả hai xung đột không ngừng nghĩ. Lúc đầu là tha thứ, sau đó vẫn là tha thứ và kết thúc là buông bỏ. Ngày nào mưa trên cù lao An Bình gặp nhau chỉ còn là ký ức. Ngày Liên gõ cửa nhà Phong, rồi đèn bật sáng, vòng ôm thật chặt cho khởi đầu đã qua. Những cái tát là hằn sâu nỗi đau, rất đau…

Ngày đi qua tưởng chậm mà rất nhanh. Con sông Cổ Chiên vẫn miệt mài đưa nước ra biển cả, những giề lục bình mùa này nở hoa rất tím như gây cho lòng người chút bâng khuâng ở giữa mênh mông. Liên vẫn ở đó, vườn cây ăn trái đang chuẩn bị một mùa trái chín mới, và ven sông bông điên điển đã bung vàng.

Đôi khi, một chiếc thuyền dừng ở bến sông, Liên giật mình khi gặp một dáng quen, cái dáng người mang đi những vui buồn của Liên. Để khi họ quay lại, Liên nhận ra không phải người quen. Đôi khi chuông điện thoại reng, Liên mở máy mà thẩn thờ vì đó không phải số điện thoại quen. Liên đợi Phong sẽ tìm mình, Liên chẳng hiểu tại sao?

Chiều nay mưa lại rơi trên cù lao An Bình Tiếng mưa cứ thầm thì thầm thì. Mưa thì có bao giờ vui đâu? Mà mưa nơi này cứ làm cho lòng nhớ một cơn mưa nào đó, rất xa.

  Truyện ngắn của KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

 
.
.
.