Người rung chuông trên biển
Hương bảo ghé Nam Định thì nhớ gọi cho em. Điều đó dĩ nhiên rồi, bởi ở Nam Định tôi có quen ai đâu? Tôi lại càng tò mò dẫu tôi và Hương chỉ mới quen nhau tình cờ trong một lần dự một sự kiện gì đó ở Nha Trang. Khi đó tôi ấn tượng với cô gái tóc dài, đôi mắt to và giọng Bắc ngọt ngào. Hương nói: “Em ở Nam Định”, Nam Định ư? Đó là một thành phố nhỏ, có những con đường nhỏ, có danh nhân Tú Xương, có phở Nam Định và có Nhà máy dệt Nam Định. Ký ức thoáng qua của Nam Định của tôi là vậy, chỉ nhớ tô phở rất ngon ăn ở một hàng ăn gần Nhà máy dệt - mà nghe nói Nhà máy dệt không còn hoặt động nửa rồi. Hương dí dỏm nói: “Nam Định còn có Hương Cine nửa anh nhé”. Tên lạ, cũng là cái tên đó em làm nick trên facebook, và vì em làm việc ở Trung tâm điện ảnh chứ em không phải là diễn viên cinê, Nam Định cũng không phải là điểm đến trong các cuộc hành trình của du khách, cho nên nhiều lần sau này đi Bắc, tôi cũng không có ghé. Nhưng tôi muốn đến một nơi trong mùa Xuân này, một nơi rất kỳ lạ- Nhà thờ đổ Hải Lý. Và thế là còn mấy ngày còn sót lại, tôi vác ba lô lên, bắt xe đi Nam Định.
Minh họa: MINH SƠN |
Công nghệ bây giờ thật hiện đại, để cho người nghe nhận ra mình dễ dàng mà lại đỡ tốn tiền, tôi gọi Hương bằng messenger: “ Ui chao, nghìn năm anh mới gọi- Hương nè”. “Anh đang ở Nam Định”- “Thật ư”. Khi gọi điện, tôi cũng rất lo, có thể Hương sẽ tắt máy, có thể Hương đã có bạn trai và đang bận rộn với tình yêu của mình, chẳng rãnh để mà đi gặp một anh chàng dở hơi, tự dưng ngày Xuân lại đi tìm mình. Vậy mà Hương đã tới, trên chiếc xe tay ga màu trắng, rất đúng giờ.
Con đường đến Hải Hậu để gặp nhà thờ đổ cả 35 cây số. Tôi chở Hương đi theo sự dẫn đường của em, em bảo: “Em cũng có một kỷ niệm ở đó”. Còn tôi thì lại muốn tìm đến một kỳ vỹ của cuộc sống. Ở vùng biển Hải Lý ấy có một nhà thờ cổ, người ta ghi là Nhà thờ đổ. Bởi vì đây là một nhà thờ đã bị cơn bão tràn vào, khiến cho cả một làng chài ven bờ lúc ấy gần như bị sóng cuộn trôi. Trong tất cả tan hoang ấy, nhà thờ vẫn đứng sừng sửng với một số bức tường và tháp chuông.
Một thánh đường từng biết bao lần gióng những hồi chuông báo lễ, có biết bao giáo dân đã từng làm lễ ở đó. Và dẫu do sự khắc nghiệt của biển dâu, biển lấn và bão nổi, nay chỉ còn là những bức tường. Nhưng dẫu chỉ còn là dấu vết của nơi đã từng là một thánh đường, ở nơi đây vẫn là một nơi chốn của yêu thương.
Mỗi người đều có một bí mật của riêng mình, Hương nói thế. Và Hương bảo với tôi rằng hãy cùng em ra biển. Tất nhiên là tôi không thể từ chối. Người lái thuyền nổ máy, chỏ chúng tôi ra xa, ở đó nhìn vào bờ vẫn thấy rõ ngôi nhà thờ đổ nổi bật trên nền trời. Hương lấy trong túi xách của mình ra một chiếc chuông nhỏ, màu bạc, xinh xắn. Hương nói: “Em rung chuông anh nhé”.
Tôi không biết tại sao Hương lại gọi người chèo thuyền chở mình ra biển, rồi trong sóng vỗ của ngày Xuân xanh biếc, của những cánh chim hải âu bay lượn, Hương cầm chiếc chuông mà rung. Tiếng chuông ấy, từ khoảng cách xa, trong bờ chỉ nghe thoảng qua như thể nghe một giấc mơ. Nhưng Hương tin rằng đâu đó có người nghe thấy, chàng trai ấy sẽ nghe thấy.
Hương bảo với tôi là Hương có một lời hẹn trở lại như thế, đã 10 năm rồi. Mười năm cho cô gái 19 tuổi đợi chờ một điều gì đó, nay đã 29 tuổi. Mười năm có biết bao nhiêu điều xảy ra trên thế gian này, nhưng Hương vẫn ra biển rung chông vào sáng sớm, khi đó vầng thái dương chỉ vừa ló dạng, chiếu vào những mảnh tường hoang phế của nhà thờ một sắc màu óng ánh, đẹp như thể ở nhà thờ có một ngọn đèn đang tỏa sáng.
Hương bảo với tôi rằng, ở nơi nào mà có dấu tích của tình yêu, thì dẫu nhà thờ Trái Tim chỉ còn là một điểm tham quan, và cả tháp chuông kia không còn quả chuông để rung báo thánh lễ, thì lời gởi vào vẫn còn linh hiển.
Tôi vốn là một người ngoại đạo, nhưng lại hay đi nhà thờ, dẫu tôi chưa một lần xưng tội. Ở Nha Trang, nơi tôi ở có một nhà thờ gọi là Nhà thờ đá. Nhà thờ đá nằm trên một ngọn đồi nhỏ ngay trung tâm thành phố, vào chủ nhật vẫn tổ chức lễ cho con chiên. Với tôi, những ngày lễ như thế có một điều gì rất thiêng liêng, trong giáo đường chỉ có những lời cầu nguyện, và đôi khi, tôi lại nhìn lên những ô cửa kính trên cao. Những ô cửa kính thu ánh sáng mặt trời nhiều màu sắc trong các nhà thờ là điều mà tôi thích nhất.
Buổi sáng mùa Xuân vùng biển đẹp với những con sóng chao, những con thuyền đánh bắt từ đêm đã về bờ. Tiếng chuông rung trên con thuyền cứ loang loáng theo con sóng, không biết nó có gọi một người đi lạc nào trở về không? Tôi không hỏi Hương, nhưng Hương bảo rằng Hương cũng nghe tiếng chuông rung trả lời. Tiếng rung chuông của một lời hẹn ước chỉ có hai người nghe, lạ không?
Thuyền ghé vào bờ, những chiếc thuyền thúng thật to còn dồng dềnh trên bãi biển, một người phụ nữ với nước da ngăm đen, có thể do chị thường xuyên phơi nắng, đưa tay chào hai chúng tôi. Rồi đi trên cát đó, len qua những dãy hàng quán, qua thanh chắn song và bước vào khu vực nhà thờ đổ. Nhà thờ giờ là những bức tường, nhưng vẻ đẹp của những bức tường gạch và cả những họa tiết còn ghi lại có một vẻ đẹp rất lạ. Trên cao ấy là dấu vết của tháp chuông, nơi để quả chuông rung lên báo hiệu những buổi lễ.
Giờ đây, bao quanh nhà thờ đã được xây kè chắn sóng, biển dâu kia chỉ xô dạt ầm ỉ bên ngoài, chúng không thể xô dạt được trăm năm nửa rồi. Hương nắm tay tôi, níu tay tôi ra phía sau, nơi đó có một bức tường thành với những bức tranh vẽ nguệch ngoạc, có thể do một hoặc vài người vẽ lên.
Gió thôi lồng lộng từ ngoài biển vào. Gió thổi và Hương nói: “Chắc anh ấy đã nghe tiếng chuông em rung trên biển”. Có thể thế, có thể cho mối tình đẹp năm 19 tuổi. Và trong gió tôi nghe câu được câu mất về câu chuyện của Hương…
Đó là một tình yêu đẹp, và chàng trai đó tên Phong. Phong khi đó đã 25 tuổi,là một chàng trai ở Hà Nội, đến Nam Định trong một chuyến đi khá bất ngờ vào một mùa bão lũ. Chính xác hơn anh là một thành phần trong nhóm thiện nguyện đi làm từ thiện vì năm đó có một cơn bão lớn đổ vào vùng đất này. Năm đó Hương cũng vừa về nhà nhân dịp nghỉ Tết, và đã đi theo đoàn để đi giúp đỡ đồng bào trong cơn khó khăn. Việc trong đám đông, những con người xa lạ gặp nhau thường là một câu chuyện bình thường, nhưng giữa họ đã nẩy nở một mối tình.
Đêm, đoàn ở lại ở Hải Lý, trong nhà dân. Đêm ấy trăng non chếch về phía biển, tạo ra một cảm giác rất lạ, khi biển giống như đang được điểm tô bằng những đợt sóng vàng. Phong và Hương ngồi ở ngay bậc thềm của nhà thờ đổ, cứ ngồi trong gió và dường như nghe đâu đó trong thinh không những âm thanh rất lạ. Rồi hai người theo ánh trăng, phát hiện ra vệt sáng hắt lên từ một hốc tường. Trong đó có một chiếc chuông bạc nhỏ, chiếc chuông bạc xinh xắn chắc ở trong đó lâu lắm rồi, và dường như hôm nay là trao gởi.
Phong rời Nam Định, anh nói: “Khi em nhớ anh, hãy ra biển rung chuông”. Tiếng chuông đã được Hương rung lên trên biển, có thể ở thật xa, ở một nơi nào đó Phong đã nghe tiếng chuông. Tôi tin thế.
Tôi tin thế vì khi có một tình yêu, dẫu chỉ là một lay khẽ, người ta yêu thương vẫn nghe được. Tôi thầm nhủ trong đêm khi bóng bức tường ngôi nhà thờ đổ đang trước mặt, tại sao tôi lại không là người nghe được tiếng chuông rung.
Nhưng thật lạ, khi xe rời Nam Định, tôi đã nghe tiếng chuông- đó là tiếng chuông rung trên biển.
Truyện ngắn của KHUÊ VIỆT TRƯỜNG