Người già quét sân
Mỗi sáng tinh mơ, khi mặt trời chưa ló dạng, nằm trong căn gác trọ, tôi lại nghe tiếng xào xạc bên tai. Âm thanh quen thuộc ấy như đồng hồ báo giờ đánh thức tôi bật dậy đến trường. Xào xạc... xào xạc... xào xạc, tiếng chổi đều đến mức nó như một thứ giai điệu âm nhạc lạ kỳ. Sáng nào cũng thế, cứ tầm 4 giờ là ông cụ ba của người chủ nhà trọ lại xách chổi ra sân quét rác. Có hôm, mặt sân bóng nhẵn, chẳng một tí gì gọi là dơ nhưng cụ vẫn cứ quét. Quét vì thói quen. Cứ xong công việc, cụ lại mang bình trà đã pha sẵn ngồi uống. Đôi mắt chằng chịt vết chân chim nhưng sáng quắc nhìn vào hư không. Rồi cụ nhịp nhịp đùi, hát lẩm nhẩm gì đó ra vẻ hài lòng. Thực ra lúc đầu tôi không biết thói quen này của cụ cho đến một hôm dậy sớm đón xe buýt đi thực tập xa. Nhìn một hàng chổi cùn nằm ngay ngắn trong góc cửa, tôi đoán cụ đã làm việc này nhiều năm rồi.
Cô chủ nhà thường hay phàn nàn con trai mình, cũng đang tuổi đi học như tôi, rằng lười biếng, chẳng chịu dậy sớm phụ ông quét sân, để ông phải cực nhọc làm công việc này đến quặp cả tấm lưng gầy yếu ớt. Rồi cô bắt sang chuyện người trẻ bây giờ tệ quá, suốt ngày chỉ biết ăn học, mải mê dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại; chẳng biết quan tâm đến người già, quên mất đạo lý dân tộc. Người con trai không đồng tình với câu nói của mẹ, vội phản biện ngay: “Ông có cho con làm giúp đâu. Đó là một sở thích của ông, nên con nghĩ chúng ta cần phải tôn trọng”. Cô chủ nhà cho rằng con trai đang chống chế, ngụy biện để lấp liếm cái sai của mình. Hai mẹ con tranh luận nhau căng thẳng.
Không phải tôi bênh vực cho người trẻ nhưng trong trường hợp này, có lẽ cậu con trai đã nói đúng. Bởi tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh như thế. Ở quê, tôi cũng có một người ông. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của gia đình và tiếng chổi. Ngay từ khi nhỏ tôi đã ngủ cùng ông. Sáng nào cũng thế, khi hơi sương còn vương trên lá là ông rón rén dậy mang chổi đi quét sân. Nhiều lần giật mình thức dậy vì âm thanh xào xạc giữa lúc chuyển giao thời khắc tối- sáng, tôi biết ông cần mẫn quét sân. Ông kỹ tính lắm, quét sạch rác đến độ những chiếc lá tre nhỏ nhắn nằm lọt trong khe nứt của đất cũng bị ông kéo lên. Những hôm trời mưa gió, sân lem luốc sình lấy, ông vẫn thức dậy ngồi chờ trời sáng để đi nhặt rác. Rất nhiều lần tôi xin ông, thậm chí giành lấy công việc ấy nhưng ông không đồng ý. Có lần tôi cố gắng dậy trước ông, chạy vội ra sân hì hục quét rác và rồi nhận cái kết: “Cháu quét ẩu quá, rác còn kia kìa. Thôi, cứ ngồi chơi, để ông làm”. Ông tâm sự là người già như ông thường khó ngủ, nên sáng nào cũng phải dậy sớm làm cái gì đó giãn gân giãn cốt. Không tập thể dục thì quét sân, tưới cây, lau bàn, chùi ấm tách, uống trà... Nói chung ông không muốn lơi tay vì lo sợ những nỗi sợ mơ hồ: “Cháu biết đó, người lớn tuổi thường sợ mình bị con cháu coi khinh là người vô dụng, thừa thãi và sợ... chết. Càng lớn tuổi thì thời gian trôi đi nhanh hơn, nỗi sợ ấy càng mãnh liệt hơn”. Tôi ngạc nhiên: “Ông mà cũng sợ chết sao ông? Lúc bà còn sống, bà kể hồi trẻ ông là chú bộ đội rất hiên ngang, chẳng sợ bom đạn của quân thù mà?”. Nhấp những ngụm trà đắng chát, ông tự hào bảo: “Cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc thì ai lại sợ chết, nhưng đó là thời trai trẻ. Về già, mọi chuyện sẽ khác đi. Ai nói mình không sợ chết là đang dối lòng”. Vì lẽ đó mà ông nội tôi dậy sớm quét sân, như là cách tập thể dục hữu hiệu trong việc bảo vệ sức khỏe. Những lần về thăm nhà, hai ông cháu dậy sớm quét sân, uống trà, ăn sáng như hai người bạn cùng trang lứa. Ba mẹ tôi rất tâm lý nên không bắt tôi phải “giành” công việc của ông...
Tuần rồi, theo thói quen, tôi lại giật mình thức dậy trong buổi tinh mơ nhưng không nghe những âm thanh xào xạc quen thuộc như mọi ngày. Trong khoảng không thinh lặng, chỉ là tiếng thở dài tíc tắc của chiếc đồng hồ treo tường. Nằm trên căn gác trọ tôi cảm thấy bồn chồn. Trưa đi học về tôi mới hay tin ông đã ra đi thanh thản như chìm vào giấc ngủ sâu. Nỗi sợ đến với ông sớm quá...
Tiếng chổi quen thuộc đã tắt lịm vào buổi tinh mơ. Khoảng sân dù được cô chủ nhà quét rác nhưng vẫn không sao sạch đẹp như cách ông cụ thường làm.
ĐẶNG TRUNG THÀNH