.

Sân trường ngày cũ

Cập nhật: 13:08, 28/06/2020 (GMT+7)

Dù là giáo viên, ngày hai buổi đến lớp loanh quanh sân trường, nhưng sao tôi vẫn thấy bổi hổi bồi hồi. Chẳng nhàm chán chút nào khi được đi dưới  những tán lá bàng, lá phượng tỏa bóng. Cảm giác nhớ về thời học sinh càng mạnh hơn khi bao làn gió nhẹ mơn man, chim ca hát líu lo ve trỗi khúc nhạc buồn. Hơn 10 năm trước tôi cũng đã từng là một nam sinh phổ thông trung học.

Ngày ấy, cứ mỗi lần ra chơi, lũ học trò chúng tôi ùa ra sân trường như ong vỡ tổ. Đứa tìm không gian yên tĩnh ở một gốc cây điệp để viết lưu bút, làm thơ, ôn bài. Có nhóm thì tụm lại nói chuyện phiếm, nói cười to tiếng. Một số bọn con trai tinh nghịch thì leo lên cây còng (me Tây) hái quả ăn ngon lành. Đứa nào được ba mẹ cho nhiều tiền, thì chạy ba chân bốn cẳng ra quán cóc ngoài cổng để giành mua cho được những món mình thích. Do số lượng có hạn nên đến trễ thì buộc phải nhịn thèm.

Rồi có nhóm bày biện đủ trò: nhảy dây, bắn bi, trốn tìm, lò cò... Lớn tướng thế, nhưng chẳng đứa nào mắc cỡ, ngại ngùng cứ vô tư chơi thoải mái. 15 phút ấy trôi qua thật nhanh. Tiếng trống trường vang lên trong sự “khó chịu” của học trò. Lũ lượt kéo nhau vào lớp mà tiếng nói, tiếng cười kể cả tiếng chửi nhau vẫn còn quanh quẩn.

Thật buồn khi sân trường bây giờ chẳng còn “hồn nhiên” như trước. Nó vô vị và nhàm chán đến độ những tiếng nói cười của học trò như một âm thanh hiếm có. Lớp càng cao thì âm thanh càng vơi đi theo sự trưởng thành. Học trò vẫn ùa ra sân nhưng chẳng màng chơi các trò dân gian. Mỗi đứa ngồi một chỗ, liên lạc với nhau không bằng miệng mà là tay. Các em đưa tay bấm phím điện thoại liên tục đến độ thầy cô đi ngang cũng không hay biết. Thỉnh thoảng các em cười, nhưng không phải với bạn bè hay thầy cô mà với... điện thoại. Facebook, Zalo, Twitter, Viber, Tango, TikTok, ... đã khiến các em mê hoặc đến độ bỏ ăn, bỏ ngủ và bỏ học. Không chất xúc tác, sân trường trở nên buồn bã, tẻ nhạt đến nghẹt thở. Hiếm lắm mới có vài em tựa lưng vào gốc phượng tật nguyền thơ thẩn. Hỏi ra mới biết là em ấy đang “tương tư” và lo lắng không có phương tiện nhắn tin khi điện thoại đã bị trường tịch thu vì nhắn tin trong giờ học.

Dù biết rằng con người sống phải ăn theo thở ở theo thời, luôn hướng về cái mới. Nhưng sao lòng vẫn cảm thấy man mác buồn khi những hình ảnh hồn nhiên tinh nghịch của thời đi học không còn nữa. Nhất là những người sống thiên về nội tâm, hoài cổ như tôi.

HOÀNG DUY 

.
.
.