Màu hoa phượng
Nắng lên sau cơn mưa buổi sáng, những chùm phượng trên cành trổ bung ra, đỏ rực như những đốm lửa. Cô ngồi trước cửa căn phòng trọ còn ngổn ngang đồ đạc, nhìn ra sân.
Minh họa: MINH SƠN |
Từ khi cô rời căn nhà cũ dọn sang phòng trọ, hoa phượng đã bắt đầu bung nở. Ngoài đường lảnh lót tiếng ve réo rắt gọi hè. Cô ngồi nhìn những nữ sinh phơi chiếc áo dài trắng trên khoảng sân trước nhà, mỗi sáng lại dắt xe đạp đi ngang qua phòng cô, tự nhiên cô thèm thuồng. Cô nhớ ngày xưa cô cũng ước mơ được làm nữ sinh, mai sau trở thành cô giáo dạy tiểu học. Trường làng cô bao năm vẫn vậy, vẫn tiếng đọc bài bi bô của đám nhóc và hè sang phượng nở đỏ sân trường. Thầy Khang khuyên cô học đi, sau này về trường làng mà dạy. Trường luôn rộng mở. Cô mỉm cười hạnh phúc. Giấc mơ đó lớn dần trong cô, theo từng mùa phượng thắm khung trời.
Chiều hôm qua mẹ cô xách va li bước ra khỏi căn phòng trọ. Bé Mèo chạy ra cửa gọi “Ngoại ơi, ngoại…”. Cô ôm bé Mèo ngồi một góc phòng rồi lại ra cửa nhìn theo cái bóng lầm lũi của mẹ cô bước đi trong gió có hoa phượng bay là đà dưới gót chân. Cô đợi mẹ ngoảnh lại nhìn cô một lần, chỉ một lần thôi. Mà mẹ không quay lại. Cô dỗ dành bé Mèo rồi hai mẹ con lại cặm cụi thu xếp đồ đạc bắt đầu cho một cuộc sống mới.
Cô thường hay khóc. Bé Mèo hỏi sao mẹ khóc hoài. Cô lau nước mắt ghì bé Mèo vào lòng, nói khẽ: “Mẹ nhớ hồi xưa”. Hồi xưa của cô có gì để nhớ? Đó là những ngày trong trẻo nhất đời. Nhà cô nằm ở cuối làng, trước nhà có dây tường vi giăng ngang. Trong nhà chỉ có hai mẹ con cô, cha cô bỏ đi từ hồi cô còn bé xíu. Nói bỏ cũng không hẳn, chỉ vì cha cô nghiện rượu, suốt ngày ngồi ngoài quán nhậu tới say be bét mới trở về. Khi về giở thói vũ phu, đánh đập, chì chiết vợ con. Mẹ cô tiếc nuối thanh xuân, đau đớn trong những lần bị chồng hành hạ. Cuối cùng bà quyết định dẫn cô ra phố, rời làng, rời căn nhà có dây tường vi giăng ngang.
Đêm hôm qua cô trằn trọc không ngủ, ngó sang bé Mèo, con bé đã ngủ từ lâu. Sự hồn nhiên hiện lên trên gương mặt dễ thương và đôi gò má phơn phớt hồng của nó. Mẹ cũng đã ngủ. Sớm mai mẹ phải đi. Nghĩ đến cảnh đó cô ứa nước mắt. Những ngày cô ở cữ trong giường mẹ đã chăm sóc cho cô, bón nước cho bé Mèo. Mặc dù mẹ hay mắng nhiếc cô là con gái hư, ăn cơm trước kẻng, nhưng mẹ chưa bao giờ bắt cô từ bỏ bé Mèo. Mẹ nói: “Đàn bà không chồng mà lại có con nhục nhã lắm! Mà một thân một mình nuôi con thì khổ cực trăm bề, như mẹ!”. Cô đã khóc. Mẹ trách cô bao nhiêu cũng được, miễn đừng ghét bỏ bé Mèo. Con bé có tội tình gì đâu. Lỗi là tại cô. Vì cô quá tin người thanh niên kia mà trao thân cho anh ta, để rồi anh ta bỏ cô đi. Cô về nhà với mẹ. Mẹ nhìn cô bật khóc. Con gái mẹ tiều tụy quá. Con gái mẹ vì lỡ dại mà khổ đau một đời. Mẹ bao dung dang lấy vòng tay cưu mang cô bởi dẫu sao cô là đứa con mẹ dứt ruột đẻ ra, đâu phải nói bỏ là bỏ cho được?
Cô xếp giấc mơ nữ sinh của mình vào dĩ vãng, nén nỗi đau vào lòng nuôi con. Những lúc ngồi nhìn nữ sinh đi trên con đường nhỏ dẫn vào cổng trường, giấc mơ ấy lại trỗi dậy trong cô. Nhưng bản năng của người mẹ còn nhiều hơn như thế nữa. Cô mua gánh bán bưng, nay chợ này, mai chợ nọ, đầu bù tóc rối, mặt nám tay chai. Thời gian và những khổ cực của cuộc đời cướp đi nhan sắc, tuổi xuân của cô. Bé Mèo lớn lên mỗi ngày. Cô vắt cạn những gì có thể cho đứa con bé bỏng của mình. Cô vừa là mẹ, vừa là cha của bé Mèo, lặng lẽ bù đắp tình yêu thương cho con trẻ.
Cô không giận mẹ. Mẹ đã dành cả tuổi thanh xuân vì cô thì bây giờ mẹ cũng cần phải tìm hạnh phúc cho riêng mình. Gương mặt mẹ ít những nếp nhăn và mái tóc vẫn còn dài chải ngược ra sau. Ở căn nhà cũ mẹ vẫn thường ngồi bên song cửa chải tóc, vài sợi tóc rối bay tứ tung qua nhà bên cạnh để họ la inh ỏi. Mẹ cười cười xách chổi ra quét vụn tóc bỏ đi. Một buổi chiều nắng nhạt, cô với bé Mèo đang ngồi ngoài hàng ba nhặt rau bỗng thấy mẹ về cùng một người đàn ông khác nữa. Người đàn ông đó có hàm râu quai nón, những nét thô kệch trên gương mặt của ông đặt vào ánh nhìn của cô. Người đàn ông khẽ gật đầu chào cô, cô quay lại nhìn mẹ, thất thần. Mẹ nói: “Chú này sẽ là bạn đời của mẹ, là cha của con”. Cô tròn mắt nhìn mẹ, tự dưng nước trong lòng mắt cứ trào ra ướt đẫm khuôn mặt cô. Cô đang khóc, còn mẹ đang có chút gì tủi hổ dợn lên trên nét mặt của người đàn bà đã ngoài năm mươi. Cô nghĩ thầm: Trời ơi, đàn bà ngoài năm mươi tuổi rồi mà còn đi bước nữa, rồi người làng cũ biết chuyện, họ cười cho.
Nhưng rồi trong cô một nỗi thương cảm dấy lên. Cô nhớ những ngày mẹ đơn chiếc. Cô nhớ những chiều mẹ ngồi dưới khoảng sân trước nhà, chỗ có cây phượng. Dưới sắc trời đỏ rực, mẹ ngồi nhìn về khoảng không vời vợi xa. Mẹ thút thít. Lòng cô xót xa. Cô nhớ câu nói mẹ nói với cô ngày cô định ôm bé Mèo đi thêm bước nữa: “Miễn sống hạnh phúc, không trái đạo lý là được”. Cô cười trong nước mắt. Rồi cô cũng cất đi ý nghĩ đi thêm bước nữa của mình để vun vén cho bé Mèo, với suy nghĩ: Con mình thì người ta không có thương như con của người ta. Bé Mèo còn quá nhỏ!
Miễn là không trái đạo lý luân thường. Cô nghĩ vậy. Cô bỗng ân hận sao hôm đó mình nói với mẹ một câu, để rồi chính cô cũng khó mà nhìn mặt mẹ như mấy chục năm ròng: “Mẹ đã hai màu tóc rồi còn định bỏ con đi theo người đàn ông ấy nữa sao? Mẹ ác độc dữ vậy sao?”. Mẹ trơ ra, ngơ ngẩn và rồi đau nghẹn. Mẹ không nói gì chỉ lặng lẽ nhìn cô. Đứa con gái thương yêu của mẹ, ngày nào còn bé bỏng tay mẹ bế bồng, giờ đây đã làm mẹ rồi. Nó sẽ hiểu được thế nào là lòng dạ của mẹ. Và cô nữa, biết đâu sau này khi bé Mèo lớn lên, bé Mèo có hạnh phúc riêng rồi, cô đơn độc và cũng muốn tìm một bờ vai để dựa vào tuổi xế chiều?…
Bỗng dưng cô thương mẹ quá. Giá mà có mẹ ở đây, cô sẽ ôm lấy mẹ, sẽ thủ thỉ vào tai mẹ một lời xin lỗi dẫu muộn màng. Cô biết rằng dù mẹ có chung sống với ai đi chăng nữa thì mẹ cũng sẽ hướng về cô, như mẹ đã từng dành mấy chục năm cuộc đời mình gồng gánh gian lao nuôi cô nên người, khôn lớn. Cô thủ thỉ vào tai bé Mèo: “Mẹ nhớ ngoại quá, Mèo ạ!”.
Bé Mèo vẫn hay gọi “Ngoại ơi”, “Mẹ ơi”. Tiếng con bé ngọt ngào và dễ thương đến lạ. Mai này con cô sẽ lớn lên, cô sẽ dạy nó biết yêu thương và bao dung như bà ngoại của nó. Cô sẽ nói với bé Mèo rằng: “Đó là mẹ của mẹ, bà ngoại của con - người phụ nữ hy sinh hơn nửa đời, dành trọn những gì tốt nhất cho mẹ. Người phụ nữ đó cũng cần phải có hạnh phúc ở tuổi xế bóng, phải không con thân yêu?”...
Như cô đã cất giấc mơ nữ sinh của mình và dĩ vãng để rồi mỗi khi phượng nở rợp trời, cô lại nhớ nó vô cùng. Ừ thì còn bé Mèo. Nhất định con bé sẽ thực hiện ước mơ mà mẹ đã từng dang dở…
Ngoài kia, sắc phượng ánh lên, rực rỡ trong bóng chiều.