Tin vào điều tốt đẹp
Bố ngồi bên bàn, nâng chén hớp một ngụm trà rồi lại đặt xuống, mắt chăm chú theo dõi trên màn hình ti vi đang đưa tin về dịch bệnh COVID-19. Mẹ xách ấm nước từ dưới bếp lên, chế thêm vào bình thủy, lắng tai nghe tin tức, giọng buồn bã: “Biết đến khi nào mới hết dịch để người dân được an ổn trở lại. Cứ tình hình thế này thì…”. Hiểu những điều lo lắng của mẹ trong điệu bỏ lửng, bố chép miệng, giọng chắc nịch: “Mình phải tin vào Đảng, vào Nhà nước, vào ngành y tế và những người đang ngày đêm dũng cảm chống dịch trên cả nước chứ bà! Tôi tin là điều tốt đẹp rồi sẽ tới thôi”.
Từ ngày có Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu mọi người dân hạn chế ra đường để phòng dịch, bố cũng tạm thời từ bỏ thú vui chơi cờ cùng mấy bác ở đầu con hẻm. Cả đời cống hiến cho sự nghiệp, cho gia đình, giờ con cái trưởng thành, ở tuổi hưu trí, bố có thời gian thảnh thơi với những thú vui mình thích. Thế nhưng trong hoàn cảnh cả nước đang gồng mình lên để chống dịch, bố ý thức rõ, mỗi người dân cũng là một chiến sĩ trên “mặt trận” âm thầm mà khốc liệt này.
Với những con số về số người nhiễm, số người chết và số lượng các quốc gia có người mắc, người chết vì COVID-19 ngày càng tăng như hiện nay, chúng ta không thể làm ngơ, không thể khoanh tay đứng nhìn, cũng không thể khoán trắng hay phó thác cho người đứng đầu Nhà nước và ngành y tế. Ông bà ta có câu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Một người, vài người có thể không đủ sức chống dịch nhưng nếu mỗi người đều ý thức được vai trò của bản thân, biết chung tay góp công góp sức thì chẳng có khó khăn nào mà chúng ta lại không thể vượt qua.
Những việc làm ý nghĩa phòng chống “giặc dịch” đã và đang được lan tỏa với tốc độ nhanh chóng ở tất cả mọi người, mọi tầng lớp trên mọi mặt trận. Với tiêu chí “Mỗi người dân mạnh khỏe là cả nước mạnh khỏe”, những thông điệp như “Chúng tôi phải đi làm vì bạn. Xin bạn hãy ở nhà vì chúng tôi” hay “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”,… đã được truyền đi một cách mạnh mẽ. Chưa bao giờ sức mạnh tinh thần yêu nước, truyền thống nhân ái, đoàn kết của dân tộc lại được phát huy tích cực đến thế.
Ai cũng mong mau hết dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường. Bên cạnh những người dân ý thức được sự cần thiết “đứng yên khi Tổ quốc cần” thì đã có rất nhiều các cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân đã không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng sẻ chia trên chiến trường không tiếng súng để chống “giặc dịch”. Từ câu chuyện về cậu bé dành hết số tiền mừng tuổi Tết của mình để mua khẩu trang phát cho mọi người, đến câu chuyện của các mạnh thường quân, các nghệ sĩ, doanh nhân,… đã nhiệt tình kêu gọi, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần đều là những nghĩa cử cao đẹp đáng trân quý.
Tuy nhiên, bên cạnh những người tốt việc tốt, vẫn còn những cá nhân thiếu ý thức, những kẻ xấu đã lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi hoặc gây tâm lý hoang mang cho xã hội trước những khó khăn chung của đất nước trong thời buổi dịch bệnh. Nào là bán khẩu trang với giá cắt cổ; nào là tung tin giả để câu like, câu view; nào là có những đòi hỏi quá đáng;… Đó đều là những hành động ích kỷ cần phải lên án, thậm chí là bị pháp luật trừng trị.
Trong bữa cơm gia đình, chuyện về dịch COVID-19 vẫn là chủ đề chính được cả nhà quan tâm bàn luận. Mẹ bảo, người dân ở khu phố mình, ai nấy đều tự nguyện, tự giác chung tay, chung sức chống dịch. Mẹ lấy gương chị Liên, ở cuối phố, thời gian này nghỉ dạy trên trường, chị đã tranh thủ may khẩu trang phát miễn phí cho những người nghèo. Bố kể gương ông Giàu ở đầu phố, ủng hộ cả mấy chục tấn gạo cho Nhà nước chống dịch. Rồi bố bỗng sực nhớ ra, liền hỏi mẹ: “Thế bà đã lên phường ủng hộ chưa?”. “Rồi ông ạ. Lúc sáng đi chợ, tôi có ghé qua phường ủng hộ mấy trăm ngàn đồng”. “Thế là tốt rồi. Người ta trách không ủng hộ chứ ai lại đi trách mình ủng hộ ít. Cốt là ở tấm lòng bà ạ”. Bố vui vẻ động viên mẹ.
Giữa những ngày chống dịch, những bài viết, bài đọc tuyên truyền cách phòng, chống dịch; cổ vũ và ngợi ca những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch vẫn xuất hiện, vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bố mỉm cười nhìn mẹ, thủng thẳng: “Mình ở nhà cũng là một cách chống dịch. Kiểu gì rồi mấy con cô vít cô vi kia nó cũng sẽ bị tiêu diệt hết thôi”.
LÊ THỊ XUYÊN