.

Cậu học trò đặc biệt

Cập nhật: 07:22, 15/11/2019 (GMT+7)

Trong số những học trò đã từng gắn bó, tôi đặc biệt nhớ về Tùng - một học sinh cá biệt. Em đã cho tôi bài học sâu sắc về nghề trong những năm tháng bắt đầu sự nghiệp trồng nghiệp. 

Trước đây, tôi công tác ở một trường cấp hai vùng bán sơn địa. Đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Bão, lũ liên miên. Lũ trẻ đến trường chỉ cần biết đọc, biết viết, làm mấy phép tính là đủ. Chúng không biết học nhiều, học cao để làm gì. Hạnh phúc từ việc hằng đêm bắt cua đồng nhập cho thương lái hay tới mùa đi lượm hạt dẻ về bán lớn hơn hạnh phúc từ chữ nghĩa. Trong túi chúng, không nhiều nhưng luôn có mấy đồng để ăn quà. Có nhiều đứa biết đọc, viết, tính toán cơ bản rồi thì duy trì việc đến trường chỉ để vui với bạn bè. Tùng là một trong những người như vậy.  

Tôi chủ nhiệm lớp 8C Tùng của năm đó. Khi nhận nhiệm vụ từ Ban giám hiệu, tôi đã tự hứa sẽ phải gần gũi, yêu thương, công bằng với các em. Để làm được điều đó quả thật gian nan. Tùng đi học muộn, lưu ban một năm nên em hơn bạn cùng lớp hai tuổi. Sự tinh quái của em thì hơn nhiều lần. Ngày đầu vào lớp, Tùng đón tôi bằng việc đứng giữa cửa lớp, khoe hàm răng xỉn vàng vì khói thuốc lá. Tôi cười nhã nhặn và mời em vào chỗ. 

Những ngày sau đó, sổ đầu bài chi chít tên Tùng. Sổ của đội sao đỏ cũng không khác gì với hàng loạt vi phạm: nói chuyện, vô lễ, sai đồng phục, không học bài, ngồi trên bàn, phá lọ hoa lớp khác… Tệ hơn, em tụ tập những học sinh quậy trong trường hút thuốc, đánh nhau. Nhắc nhở, khuyên răn, la mắng, áp dụng hình phạt… tôi đều đã thử qua nhưng không thay đổi được. Viết giấy mời thì phụ huynh không lên gặp. Tùng càng ngày càng thách thức. Nó biết, mức kỷ luật cao nhất là đuổi học nhưng với nó, điều đó có nghĩa gì đâu. Những ngày đến trường và đối diện với Tùng đã bào mòn lý tưởng mà tôi ấp ủ từ khi còn ngồi trên giảng đường. Tiết sinh hoạt bao giờ cũng nặng nề. Không nhắc thì không được mà nhắc Tùng là thừa thãi, vô nghĩa. Sau đó, tôi chọn cách im lặng. Tôi đã thực sự bất lực. Dù Tùng có khiêu khích, gây rối hay sai phạm, tôi không hề nhắc đến tên em. Khi giảng bài, góc Tùng ngồi là nơi ánh mắt tôi không chạm đến. Em cố tình tạo âm thanh rột roạt, hát nghêu ngao hay thậm chí đấm xuống mặt bàn để gây chú ý, tôi cũng kệ và điềm nhiên giảng, tương tác vui vẻ với các trò khác. Tôi biết, Tùng rất bức bối. 

Gần tết, gió rét cắt da buốt thịt. Tùng vẫn rất “ngầu” với tấm áo khoác không cài khóa. Đi ngang qua em là nồng nặc mùi thuốc. Rồi lũ lượt thanh niên làm ăn xa quê trở về. Khoảng hai mươi tháng chạp, pháo thỉnh thoảng nổ đùng… đùng… từng tiếng khô khốc, rời rạc. Tùng bị công an xã bắt vì tội đốt pháo. Gia đình và nhà trường đều phải cử đại diện lên làm việc. Hôm ấy là ngày nghỉ của tôi, nhà lại xa trường, nhận được điện thoại của thầy Hiệu trưởng, tôi phóng xe đi với tâm trạng bực tức. Đợi mãi, người thân của em không đến. Anh công an nói rõ hơn với tôi về gia cảnh Tùng. Cha nghiện rượu. Mẹ em vì chán chường, giận em hư nên cũng bỏ mặc. Bạn bè đã có người ký cam kết và đưa về, Tùng vẫn ngồi đó. Chúng tôi không nói với nhau lời nào nhưng ánh mắt thì mấy lần va chạm. Hiếm hoi tôi thấy em hiền lành như thế. Rồi cha em cũng tới: lảo đảo, xiêu vẹo, mắng chửi. Tùng quay mặt đi che giấu sự xấu hổ. Tự dưng tôi thấy thương em vô cùng. Nỗi trắc ẩn kết thành giọt nước mắt vội vã lăn dài. Cả tôi và Tùng đều bối rối. Em lí nhí nói xin lỗi, tôi đặt tay lên vai em, vỗ nhẹ. 

Những ngày sau, Tùng dần tỏ ra ngoan ngoãn, số lỗi vi phạm giảm dần. Nhiều lần, tôi mời em trả lời câu hỏi. Từ vụng về, ngượng nghịu, Tùng tự nhiên, vui vẻ hơn. Ra tết, tôi không còn chủ nhiệm nữa mà chuyển lên phụ trách môn học toàn khối 9. Buổi sinh hoạt lớp cuối cùng kết thúc, em cứ nấn ná ngoài cửa lớp chờ tôi như muốn nói điều gì nhưng mãi mãi, lời nói đó em giữ lại.

Hết lớp 9, Tùng không học tiếp. Em đã có ý định bỏ học từ cuối lớp 8 nhưng khi em gặp để chào tôi, tôi đã đề nghị em hoàn thành chương trình Trung học cơ sở. Có như vậy, về sau muốn học bổ túc cũng dễ hơn. Hiện nay, Tùng làm công nhân ở một xí nghiệp xây dựng. Tôi đã chuyển công tác. Lễ, tết nào em cũng gọi điện hỏi thăm tôi. Có khi không dịp gì đặc biệt, em gọi kể đủ thứ chuyện. Mỗi lần nhắc đến quãng thời gian năm xưa, giọng em chùng lại, ngập ngừng, tiếc nuối. Tùng thật thà: “Em đã nghĩ cô khinh thường em, không thèm nói với em nhưng lúc cô khóc, em biết cô thương em”. 

Tôi chưa từng thừa nhận với Tùng nhưng thực sự, tôi đã trải qua những ngày đầy ân hận. Nếu tìm hiểu kỹ hơn, lắng nghe nhiều hơn về em, từ em, tôi sẽ không bao giờ chọn cách im lặng. Nó là một biện pháp trừng phạt hơn là hình phạt để giáo dục. Rất may, điều này chưa đi quá xa. Chúng tôi có cơ hội để sửa sai. 

Tùng luôn cảm ơn tôi và tôi cũng thầm cảm ơn cậu ấy đã giúp tôi vững vàng hơn với nghề, nhân văn hơn với học sinh. Có phải, những cậu học trò cá biệt thường vẫn rất đặc biệt không nhỉ? 

HOÀNG ĐÀO NGỌC TRINH
(Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn)

.
.
.