Du Tử Lê: Tôi ngồi giữa cõi tôi khuya
Những người yêu thi ca Việt Nam đau buồn khi biết tin thi sĩ Du Tử Lê vừa qua đời lúc 8 giờ 6 phút tối thứ hai 7/10 (theo giờ Mỹ) tại nhà riêng của ông ở Garden Grove (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi.
Nhà thơ Du Tử Lê |
Thi sĩ Du Tử Lê bên cạnh Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên làm nên 7 gương mặt thơ xuất sắc nhất miền Nam từ trước năm 1975.
Sinh thời, Du Tử Lê có hơn 300 bài thơ được phổ nhạc, giúp ông trở thành một trong những nhà thơ được phổ nhạc nhiều nhất và được nhiều thế hệ khán giả, độc giả yêu thích. Điển hình như: Nhạc sĩ Anh Bằng với Khúc thụy du; Phạm Đình Chương với Đêm nhớ trăng Sài Gòn; Từ Công Phụng với Trên ngọn tình sầu, Ơn em; Hoàng Thanh Tâm với Trong tay thánh nữ có đời tôi; Đăng Khánh với K khúc của Lê…
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana, Mỹ. Ông từng có tác phẩm đăng trên Los Angeles Times (1983) và New York Times (1994). Thơ của ông được chọn dịch và phê bình trong cuốn Understanding Vietnam của giáo sư Neil L. Jamieson. Cuốn này được dùng để làm tài liệu giảng dạy tại nhiều đại học ở Mỹ và châu Âu. Ông cũng là 1 trong 2 nhà thơ Việt Nam có thơ dịch và phê bình trong cuốn La Rage D’Etre Vietnamien của tác giả Jean Claude Pomonti (Nhà xuất bản Seuil de Paris, 1975). Ông đã xuất bản 58 tác phẩm, như: Thơ Du Tử Lê (1964), Tình khúc Tháng mười một (1965), Tay gõ cửa đời (1967), Thơ Du Tử Lê (1967-1972), Đời mãi ở Phương Đông (1974), Thơ tình Du Tử Lê (1996), Ở chỗ nhân gian không thể hiểu (1985-1989), Đi với về cũng một nghĩa như nhau (1992), Chấm dứt luân hồi em bước ra (1993), Biệt khúc (2013)...
Từ năm 1981 tới nay, nhà thơ Du Tử Lê có nhiều buổi thuyết trình tại một số đại học tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, và Úc về thi ca. Ông từng hai lần được mời đến Đại học Harvard để nói chuyện về thơ của mình. Từ năm 2009 tới 2012, mỗi năm, Du Tử Lê đều có ít nhất một lần thuyết trình về thơ tại Đại học UC Berkeley và Đại học Cal State Fullerton (Mỹ). Ông cũng có một số thơ, văn được chọn để giảng dạy tại vài đại học ở Mỹ và châu Âu từ năm 1981.
Thật cảm phục sức lao động văn chương của thi sĩ Du Tử Lê, khi tuổi ngoài 70 cho đến tận lúc cuối đời, ông vẫn bền bỉ viết. Không chỉ sáng tác thơ mà còn các thể loại như khảo cứu, phê bình, tiểu luận, bút ký… Ông còn mở một trang web cá nhân mang tên dutule.com để đăng những bài viết về văn hóa, nghệ thuật và giới thiệu các văn nhân, thi sĩ quy tụ khắp trong nước và hải ngoại. Tôi còn nhớ cảm giác vinh dự của mình khi được ông giới thiệu một chùm thơ trên trang website dutule.com, kèm theo những trao đổi chi tiết qua email.
Sự nghiệp thơ của Du Tử Lê từng được một học viên cao học tại ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội là Trần Thị Như Ngọc chọn làm luận văn tốt nghiệp, nhan đề “Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật thuộc chuyên ngành Lý luận văn học”. Một số sách và bản thảo của Du Tử Lê vẫn đang được các đơn vị làm sách trong nước giao dịch với ý định sẽ ấn hành trong tương lai.
Du Tử Lê còn là 1 trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ 20 có thơ được chọn in trong Tuyển tập thi ca thế giới - từ thời Thượng cổ đến hiện tại (World Poetry - An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time, NXB W.W. Norton, New York, Mỹ, tái bản 1998).
Một trái tim thơ đã ngừng đập nhưng những dòng suối thi ca mang tên Du Tử Lê vẫn còn chảy mãi với những người yêu thơ, như những dòng thơ ông đã từng chắp bút: “Tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya/có ai gõ cửa? mà nghe lá chào/tưởng người ngọn sóng lao xao/biển muôn năm gọi tôi nào có vui/người về có nén hương, thôi/cắm lên phần mộ hồn tôi úa vàng”.
(Trích Chân dung – thơ Du Tử Lê)
NGUYỆT CHI