.

"Tiếp sức" cho đờn ca tài tử

Cập nhật: 13:58, 31/05/2019 (GMT+7)

Dòng chảy của môn nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử (ĐCTT) trên vùng đất BR-VT vẫn được các nghệ nhân, tài tử duy trì qua năm tháng. Những năm qua, ngành Văn hóa đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, để bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT.

Ông Hà Chí Trạng (bìa trái), ở ấp Phú Qúy, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc tập luyện tiết mục “Hòa tấu 8 câu Nam Ai” chuẩn bị tham gia hội thi ĐCTT BR-VT lần thứ IX, năm 2019. Ảnh: THI PHONG
Ông Hà Chí Trạng (bìa trái), ở ấp Phú Qúy, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc tập luyện tiết mục “Hòa tấu 8 câu Nam Ai” chuẩn bị tham gia hội thi ĐCTT BR-VT lần thứ IX, năm 2019. Ảnh: THI PHONG

Trên sân khấu hội thi ĐCTT BR-VT lần thứ IX, năm 2019 do Trung tâm VH-NT tỉnh tổ chức vừa qua, 79 nghệ nhân, tài tử đã thể hiện những “ngón đờn hay”, giọng ca đẹp. Khán giả như lắng lòng với tiếng đàn tranh trong trẻo, tiếng đàn bầu réo rắt, trầm bổng, tiếng đàn sến nhẹ nhàng, khoan thai hòa cùng nhịp phách gõ đều đều trong tiết mục ĐCTT “Hòa tấu 16 câu long đăng” của ban đờn đội ĐCTT huyện Châu Đức. Giọng ca Bích Phượng và Ngọc Thảo (đội ĐCTT TX.Phú Mỹ) cùng song ca, ngân vang, luyến láy những ca từ trong bài “Liệt nữ anh hùng”; tài tử Trúc Phương (Đội ĐCTT huyện Châu Đức) để lại ấn tượng với giọng ca ngọt ngào, sâu lắng trong bài “Khúc hát tri ân”...  Suốt 3 đêm thi diễn (22, 23, 24-5) của hội thi, 62 tiết mục đơn ca, song ca, hòa tấu, độc tấu, ca ra bộ của dòng nhạc ĐCTT Nam bộ như: Đẹp mãi những dòng sông, Trở lại quê hương, Nhớ ơn Bác Hồ, Bốn ngàn năm một thuở, Bến Xuân, Khúc hát tri ân, Cội nguồn quê hương, Trang sử nước Nam, Một khúc nam ai, Sự tích bánh chưng… như thể hiện được sức sống của môn ĐCTT Nam bộ trên đất BR-VT qua sự đầu tư tập luyện công phu và “cháy” hết mình trên sân khấu của các nghệ nhân, tài tử.

  ĐCTT không chỉ vang lên trên sân khấu các hội thi, hội diễn cấp tỉnh được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, dòng chảy âm nhạc Nam bộ này vẫn được duy trì theo năm tháng trong đời sống tinh thần của nhiều cư dân BR-VT. Không cần có sân khấu lớn, cũng không cần bài bản được hòa tấu, dàn dựng công phu, chỉ cần những người đam mê đờn, ca, không phân biệt, già, trẻ, gái, trai, cùng cây đàn ghi ta phím lõm, cây đàn nguyệt, đàn tranh, đàn kìm... đã tạo thành những điểm sinh hoạt đờn ca thú vị. Người ĐCTT khi nào thích thì cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà, hay tại tụ điểm sinh hoạt văn hóa trong xã, huyện... rồi cùng hòa đàn, ca hát để vui chơi và để cho người mộ điệu thưởng thức. Nhiều năm qua, các CLB ĐCTT tại các huyện, thành phố: Vũng Tàu, Bà Rịa, TP.Phú Mỹ, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức... đã duy trì sinh hoạt. Ông Đinh Xuân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Châu Đức cho biết, Trung tâm hỗ trợ địa điểm, điện, kinh phí phục vụ trà, nước cho 22 thành viên CLB ĐCTT huyện sinh hoạt mỗi tháng/lần. Ngoài ra, trong các chương trình giao lưu văn nghệ, hội thi, hội diễn ở địa phương, Trung tâm động viên CLB ĐCTT huyện tham gia để duy trì phong trào. 

CLB ĐCTT TX.Phú Mỹ thi diễn tại hội thi ĐCTT BR-VT lần thứ IX, năm 2019.
CLB ĐCTT TX.Phú Mỹ thi diễn tại hội thi ĐCTT BR-VT lần thứ IX, năm 2019.

Trên địa bàn tỉnh, còn nhiều CLB đã xây dựng được những chương trình sinh hoạt thường kỳ, tạo nơi luyện ngón đờn, giọng ca cho các nghệ nhân, tài tử như: CLB ĐCTT tỉnh có chương trình “Điểm hẹn sông Dinh”, CLB ĐCTT TX.Phú Mỹ với chương trình “Phú Mỹ đêm trăng”, CLB ĐCTT thị trấn Long Hải với chương trình “Đêm biển gọi”, CLB ĐCTT thị trấn Phước Hải với chương trình “Dấu ấn phương Nam”...

Sức sống của ĐCTT trên địa bàn tỉnh còn được thể hiện qua niềm đam mê của từng cá nhân. Nhiều người vì yêu thích mà đã cố gắng học, tập luyện giọng ca, ngón đờn. Ông Hà Chí Trạng (ấp Phú Qúy, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) gắn bó với CLB ĐCTT xã Hòa Hiệp hơn 20 năm nay. Trước đây, ông chỉ biết hát ĐCTT. Ông Trạng cho biết, khi hát những bài, bản ĐCTT, mình cũng phải vừa lắng nghe và hiểu được nhịp đệm của tiếng đàn tranh, đàn sến, đàn cò... thì mới hát đúng nhịp. Sự tò mò cộng với niềm yêu thích khiến ông tìm hiểu, học hỏi thêm cách đánh đàn sến từ anh em trong CLB. Năm 2015, khi hay tin Sở VH-TT mở lớp học ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (cũ), ông đã đăng ký học. Sau 3 tháng được thầy Hoàng Tấn - nghệ nhân ĐCTT đến từ TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn, ông Trạng đã biết chính xác về âm, nhịp của đàn sến, biết cách đánh đàn nhanh, chậm theo tiết tấu của các bài hát ĐCTT theo các thể điệu: Xàng Xê, Nam Ai, Nam Đảo, Tây Thi... “Đàn sến là một trong những loại đàn được dùng để độc tấu, hòa tấu trong dàn nhạc ĐCTT. Âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng của đàn sến khiến tôi rất thích”, ông Trạng nói. Cũng vì yêu ĐCTT mà cách đây 18 năm, chị Bích Phượng, CLB ĐCTT TX.Phú Mỹ đã tìm đến nhà thầy Thiện Quang (xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ) để học hát ĐCTT. Sau hai tháng được thầy hướng dẫn, chị Phượng đã biết hát được vài bài ĐCTT. Theo chị Phượng, ĐCTT có nhiều nhịp: từ nhịp 2, 4, 16, 32... đến 64 nhịp. Học hát ĐCTT khó nhất là học nhịp, cách nhấn nhá, luyến láy theo nhạc điệu của các loại đờn. Từ chỗ khó học, khó nhớ, đến nay, ĐCTT đã gắn với chị như một “món ăn” tinh thần bổ ích. Chị là trong những thành viên chủ chốt của CLB ĐCTT TX.Phú Mỹ, thường xuyên sinh hoạt trong các chương trình ĐCTT ở địa phương đến tham gia các hội thi, hội diễn cấp tỉnh. Nhạc sĩ Võ Lê, Hội VH-NT tỉnh cũng đam mê ĐCTT từ năm 16 tuổi do được tiếp xúc nhiều với các nghệ nhân ĐCTT và bắt đầu sáng tác từ năm 1976. Nhiều bài ĐCTT của ông được được phổ biến rộng rãi, vang lên qua các giọng ca nổi tiếng như: “Tranh đẹp Đồng Nai” do NSND Bạch Tuyết thể hiện, “Ánh sáng niềm tin” do NSƯT Thanh Kim Huệ hát, “Chung một chiến trường” do NSƯT Ngọc Thu và chính tác giả ca chung. Nhiều bài ĐCTT như: “BR-VT mảnh đất yêu thương”, “Nơi đó quê tôi”, “Liên nam”, “Liệt nữ anh hùng”... của nhạc sĩ Võ Lê được đội ĐCTT các huyện, thành phố chọn để tập luyện, tham dự các hội thi, hội diễn từ cơ sở đến cấp tỉnh.

Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT huyện Châu Đức tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện.
Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT huyện Châu Đức tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện.

Những dẫn chứng trên cho thấy, lớp lớp nghệ nhân đã chơi, đã truyền lửa đam mê nghệ thuật ĐCTT bằng tiếng đờn, giọng ca, soạn lời đã để lại nền tảng cho phong trào ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 56 CLB và nhóm ĐCTT (mỗi nhóm, CLB có từ 15-25 thành viên), duy trì sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa cơ sở. BR-VT là một trong 21 tỉnh, thành phía Nam có phong trào nghệ thuật ĐCTT (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013). Để bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT, ngày 18-12-2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, Sở VH-TT đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án. Trong năm 2019, Sở VH-TT sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên truyền cổ động trực quan bằng panô, áp phích hình ảnh về hoạt động của các CLB ĐCTT trên các đường phố chính của các huyện, thành phố; phát hành 200 đĩa CD, 200 đĩa DVD, in tài liệu tuyển tập 400 bài, bản ĐCTT và giáo trình truyền dạy ĐCTT để phát cho các CLB ĐCTT, HS, SV; tổ chức các buổi tập huấn trang bị kiến thức về ĐCTT cho đội ngũ giáo viên dạy môn âm nhạc ở các trường học; mở lớp bồi dưỡng nghệ ĐCTT cho các nghệ; tổ chức 10 buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật ĐCTT HS các trường học trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của ĐCTT; trang bị nhạc cụ cho 15 CLB ĐCTT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh…  

Bài, ảnh: THI PHONG

 
.
.
.