.

Xuân bên mẹ

Cập nhật: 09:17, 01/02/2019 (GMT+7)

Chiều nào mẹ tôi cũng ra sân đợi tôi về. Thói quen đó đã theo mẹ tôi tự lúc nào không biết. Hễ cơm nước xong, khói vẫn còn bảng lảng trong chái bếp, mẹ bưng mâm cơm để lên vạc tre sau nhà rồi lại ra sân đứng nhìn. Phía Tây đỏ rực. Mẹ trông đến mỏi mòn đôi mắt chỉ thấy mây trời mênh mang, bóng chiều phủ trùm lên cánh đồng, bãi bờ, con nước.

Tôi về thăm nhà vào một chiều cuối năm. Xóm nhà tôi nằm trơ trọi giữa cù lao hoang vu, muốn về cù lao phải đi trên chiếc đò của ông già trạc ngoài bảy mươi tuổi, râu tóc bạc phơ hệt như những cụ già trong câu chuyện cổ tích xưa cũ. Cuối năm, gió lạnh lất phất thổi về cù lao. Vòm trời màu mỡ gà, hơi úa. Ngoài sông, đám lau lách trổ bông trắng muốt lơ thơ. Tôi xuống xe đò, đi một chặng trên con đường quen thuộc về bến. Cảnh vật quê tôi vẫn như xưa, bao tháng năm vẫn không hề thay đổi, chắc chỉ có lòng người thay đổi. Tôi nghĩ vậy. Gặp ông lão đưa đò đang ngồi đợi khách trên bến vắng, tôi mừng rơn. Ngày cuối năm thường không có đò về cù lao, người phương xa đã về quê từ mấy hôm trước. Duy chỉ mình ông lão vẫn cần mẫn đợi khách. Tuổi đã cao nhưng ông sống đơn độc một mình trong căn chòi lá nằm xiêu vẹo bên bờ sông. Năm nào cũng vậy, ông lão thức đến khuya chờ đợi để đưa đò, biết đâu có ai về muộn còn có đò mà qua cù lao, về xóm. 

Chiếc đò cập bến, tôi vẫy tay chào ông lão rồi bước thật nhanh về nhà, chân nọ ríu vào chân kia. Mơ hồ tôi thấy mình của những năm tháng trước. Hồi ấy bình yên quá đỗi, trong căn nhà nhỏ, ba mẹ con tôi sống đầm ấm bên nhau. Nhà bà ngoại ở bên kia sông, thỉnh thoảng tôi lại xin mẹ bơi xuồng qua sông thăm ngoại, ở lại ăn cơm chiều hoặc hứng chí thì ngủ lại nhà ngoại đến sớm mai mới về. Đêm lặng thinh, ếch nhái kêu oải oạp ngoài cánh đồng tịch mịch. Những đêm như thế, bà ngoại kể cho tôi nghe chuyện cuộc đời của mẹ. Ngoại vẫn còn nhớ một buổi chiều ngoại đứng bên này sông nhìn về xóm mẹ, dưới bến, mẹ tôi loay hoay xách nước đổ đầy hai cái khạp sành trước mũi ghe. Ngoại hỏi vóng:

- Thằng Ngạn định đi đâu nữa à? Tết nhứt tới nơi rồi, đợi qua tết rồi đi, gấp gáp gì?

Mẹ tôi vừa chăm chú đổ nước vào cái khạp để nước khỏi tràn ra ngoài, vừa nói:

- Má coi, con kêu vậy mà anh Ngạn đâu có chịu? 

Ba tôi buột miệng:

- Con ráng buôn hết mớ hàng này, lấy thêm một đợt dưa hấu, củ kiệu nữa rồi bán lại, tới chừng con về là kịp tết, nhà con cũng có tiền ăn tết.

Ngoại lắc đầu:

- Số thằng Ngạn thiệt khổ. Thôi, đi đi con, bán mau mau rồi còn về với vợ với con.

Ba tôi nổ máy, chiếc ghe rẽ nước ra đi để lại sau lưng vạt khói đùn đục khỏa lấp cái nhìn khắc khoải của mẹ tôi trên bến nước. Ba tôi đi lần đó không về. Ngày cuối cùng của năm, mẹ bồng tôi ra bến sông đợi ba, khóc ròng. Ngoại cập xuồng vào bến, thấy mẹ khóc, ngoại trấn an:

- Chắc thằng Ngạn ế hàng nên nấn ná lại bán tới giao thừa nó về, ông trời thương nó.

Mẹ tôi gật đầu, ngồi đợi. Bên kia sông, đám trẻ tụ tập giữa cánh đồng khô khốc, đốt rơm, đốt cỏ khô, khói bay lên tạt về phía cù lao. Trời tối om, dòng sông sáng rực dưới bóng trăng ngà đêm giao thừa yên tĩnh. Mẹ tôi ngồi đợi ba về, hạt nước mắt lăn ra, rớt xuống đám cỏ lởm chởm những giọt sương đêm. 

- Vậy là ba con đi mãi sao ngoại? Mà ba con đi đâu hả ngoại? - Tôi dúi đầu vào ngực ngoại, líu ríu hỏi.

- Ừ, ba mày đi luôn. Không ai biết ba mày đi đâu, chiếc ghe từ đó không trở về xóm cù lao lần nào nữa.

Tôi rơm rớm nước mắt. Tôi chưa từng trông thấy khuôn mặt hiền từ và lam lũ của ba. Ngày ba đi, anh hai tôi tròn năm tuổi, nhưng ký ức về ba đọng lại trong anh tôi cũng không nhiều. Chỉ có mẹ tôi là mãi nhớ thương ba, một lòng chung thủy sắt son. Ngày trước, mỗi lần có chiếc ghe nào quen quen chạy ngang qua dòng sông, trước ghe có hai cái khạp sành lỏng bỏng nước, mẹ tôi bưng mặt khóc, đứng trên bờ vẫy tay gọi mãi không thôi. Chiếc ghe không cập bến, mẹ buồn bã ngồi xuống bến nước, tóc mẹ lòa xòa. Anh em tôi đứng sau gốc cây sầu đâu nhìn mẹ mà không kìm được nước mắt. Ba tôi đi đâu? Ba ơi! Tôi thường gọi ba trong những giấc mơ. Tôi mong cầu ba trở về với mẹ con tôi, trở về với mái nhà bình yên có ngọn khói ban chiều cần mẫn ngoi lên từ chái bếp. Nơi quê hương có mẹ tôi, có chúng tôi chờ đợi ba về.

- Hay là ba con đi theo người đàn bà khác, bỏ mẹ con con rồi hả ngoại?

Tôi hỏi ngoại, rồi chợt ân hận vì mình đã hỏi ngoại như thế. Giọng ngoại tôi buồn bã:

- Nói dại, mẹ mày nghe mà buồn. Ba mày sống lành, hiền từ lắm, thương mẹ con mày hết mực. Đừng nghĩ ba mày như vậy?

- Chứ đi đâu mà mấy năm trời không chịu về? Anh em con nhớ ba lắm!

- Giá mà mình biết hết mọi chuyện trên đời thì đâu khổ sở thế này đâu con. Thôi, con ngủ đi, rồi sẽ lại gặp ba…

Ngoại dỗ dành tôi như vậy. Tôi nằm ngủ trên cánh tay của ngoại. Ngực ngoại phập phồng theo từng hơi thở. Ngoài kia sông chảy rạt rào. Và tôi mơ về ba. 

***

Đã lâu rồi tôi không được nằm trong vòng tay yêu thương của ngoại. Đã lâu rồi tôi không được ngoại tôi âu yếm, vỗ về. Rồi ngoại cũng không thể sống đời với tôi được, ngoại về với đất, tôi lớn lên trong tim ôm ấp những kỷ niệm đẹp về ngoại, hơi ấm thân thương của ngoại. Mẹ nuôi anh em tôi bằng cơm canh, rau cá, toàn những thức ăn dân dã quê mình mà nghĩa tình mộc mạc. Mẹ dắt anh em tôi đến trường. Mẹ lam lũ, một nắng hai sương nuôi chúng tôi nên người. Anh em tôi như cánh chim trời, ngày một lớn không, để rồi một ngày anh em tôi lần lượt xa rời mái nhà quê hương, xa cù lao, xóm nhỏ. Từ miền quê nghèo khó, chúng tôi lặn lội lên thành phố học đại học, khao khát đổi đời. Hôm tôi đi học xa, mẹ tiễn tôi ra bến sông, chiếc đò trở mũi đưa tôi về bên ấy. Trên sông mù khói, ngoảnh lại tôi vẫn trông thấy mẹ tôi đứng bơ vơ trong khung trời rộng lớn mênh mông. Trong miền ký ức của tôi, mẹ chính là quê hương, còn quê hương có mẹ, có những người dân chân chất hiền lành luôn dang rộng vòng tay đón anh em tôi quay về với những bình yên dịu ngọt.

Mẹ tôi cứ nhắc hoài: 

- Không biết anh bây bận bịu gì ở trên thành phố mà không về thăm mẹ, mẹ nhớ thằng hai lắm, đã hai cái tết rồi mà nó chưa chịu về.

- Mẹ đừng có lo - Tôi trấn an - Anh hai vẫn khỏe, chắc tại công việc trên ấy nhiều quá anh hai không về thăm mẹ được. Con về thăm mẹ thay phần của anh. Chừng nữa thong thả anh hai lại về.

Mắt mẹ buồn buồn. Dạo này mẹ tôi thường hay nhức lưng, nhức khớp. Tôi van mẹ đừng trồng khoai trồng bắp nữa, để anh em tôi lo lắng, báo hiếu. Mẹ chỉ cười:

- Mẹ quen rồi, không động tay động chân đâu có được.

Hàng xóm vẫn thường khen: “Bà út có hai đứa con, thiệt xứng đáng hết biết”. Tôi biết mẹ hạnh phúc vô biên. Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra mình càng xa mẹ, xa quê hương thân thương có dòng sông nhỏ, có cây cầu tre lắc lẻo gập ghềnh. Một năm về quê được chừng hai, ba bận, rồi đi. Mẹ bảo:

- Con lớn rồi, đâu thể ở bên mẹ mãi được. Con còn cuộc sống của con.

Trời ơi, còn mẹ! Tôi thốt lên trong lòng. Mẹ đã dành trọn thanh xuân vì tôi mà không một lời than vãn. Mẹ vẫn ngóng đợi ba cho đến khi tóc mẹ phai màu. Mẹ vắt cạn sức mình vì anh em tôi, để rồi ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ còn mình mẹ nơi xóm nhỏ êm đềm, với những nỗi niềm xưa cũ. 

Trước mắt tôi hiện ra mái nhà nhỏ đơn sơ nằm dưới rặng dừa nghiêng nghiêng soi bóng. Chiều giáp tết, xóm cù lao quết bánh phồng, nấu bánh tét, mùi khói xộc vào mũi tôi thân thương đến lạ. Tôi nhớ lại hồi mình còn bé xíu, đêm giao thừa hai anh em ngồi canh nồi bánh tét ngoài sân, lửa hồng cháy rực, trong nhà, mẹ tôi ngồi khâu lại áo cho hai đứa con thơ. Hồi ấy bình yên quá phải không mẹ?

Trong nhà đã lên đèn. Tôi bước vào, căn nhà gọn gàng, ngăn nắp. Bàn học của tôi. Con ngựa gỗ ngày nhỏ tôi hay ngồi nghịch vẫn còn nằm tư lự góc nhà. Mọi đồ đạc không gì thay đổi. Tôi cất tiếng gọi:

- Mẹ ơi, mẹ…

- Trời ơi, thằng ba… thằng ba đó hả con?

Mẹ tôi đon đả chạy ra. Trông thấy tôi, mẹ vui mừng mà không giấu được dòng nước mắt:

- Con về rồi, mẹ mừng quá. Mau mau rửa tay rửa chân cho mát rồi mẹ dọn cơm cho mà ăn. Chiều nay mẹ mần con gà mái tơ, kho gừng, ngon lắm - Sực nhớ ra điều gì, mẹ tôi chựng lại - Còn thằng hai? Sao nó không về với con?

Tôi im lặng một lúc rồi khe khẽ:

- Thế nào giao thừa anh hai cũng về. 

Mẹ tôi gật đầu. Mâm cơm chiều chỉ hai mẹ con tôi ngồi bên nhau, vừa ăn cơm, vừa tâm sự. Dưới ánh đèn, tôi thấy nước mắt mẹ giọt vắn, giọt dài, lăn trên đôi gò má…

Đêm giao thừa, vàm sông rộn rã. Cù lao cũng sáng rực ánh lửa đốt đống cỏ khô, mùi thơm phưng phức. Tôi rót nước trà để lên bàn thờ ngoại, mẹ thắp nhang, khấn vái lầm rầm. Mùi nhang trầm tỏa ra ấm áp lạ thường.

- Mẹ ơi, út ơi. Anh hai về rồi nè!

Nghe tiếng gọi, mẹ tôi sửng sốt. Trong khoảnh khắc tôi thấy mẹ định thần lại, chắc mẹ sợ mẹ nghe lầm. Rõ ràng là tiếng của anh hai.

- Đúng là anh hai, anh hai về mẹ ơi…

Hai mẹ con tôi chạy ra cửa đón anh hai. Tay anh run run nắm lấy tay mẹ. Mẹ cười mà rưng rưng nước mắt. Ôi, cái cảm giác này hệt như những ngày xưa, khi chúng tôi còn nhỏ, mỗi năm tết đến là ba người lại quây quần với nhau. Cuộc đời cho ta bao khoảnh khắc ngọt ngào, thân thương để rồi đọng mãi trong khung trời ký ức.

Đêm giao thừa, ngọn gió lồng lộng từ ngoài sông thổi vào, mát rượi.

Đêm giao thừa, hạnh phúc ngập đầy trong đôi mắt người mẹ hiền từ, nhân hậu của chúng tôi. 

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

.
.
.