Về lại chốn xưa
Minh họa của MINH SƠN. |
- Dũng ơi, hãy về với vợ con mày đi.
- Ừ. Về đi! Về đi…
- Mình ơi, mình về với mẹ con tôi đi. Cả nhà vẫn đợi mình...
Sau giọng giục dã của những người đàn ông trạc tuổi như mình là giọng của người phụ nữ vừa sụt sùi khóc vừa ôm chặt hai đứa con nhỏ cũng đang thút thít khóc theo mẹ. Ông Dũng ngọ nguậy cái đầu, lắc qua lắc lại rồi choàng tỉnh giấc. Trời đã hửng sáng. Ông biết mình lại gặp chiêm bao. Đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ, ông thấy khoảng không xanh vợi trên cao với đôi ba cặp chim trời rủ nhau bay lượn. Có tiếng vượn hú gọi bầy từ cánh rừng bên kia vọng sang. Rồi thì tiếng suối chảy như tiếng đàn trong trẻo. Tiếng chim non ríu rít được chim mẹ mớm mồi. Ngoài sân, những chùm hoa li ti đủ màu còn cõng trên mình những hạt sương đêm lấp lánh. Nắng đầu ngày thanh tân lách mình qua tán cây, kẽ lá, hắt vào khe cửa một màu vàng sánh như mật. Ông Dũng sờ lên trán, mồ hôi lấm tấm đọng lại thành giọt ướt đẫm vầng trán vốn đã hằn nhiều nếp nhăn của cái tuổi gần 70. Dạo này ông thường xuyên mơ những giấc mơ lặp đi lặp lại. Những giấc mơ chợt hiện về rồi lại chợt tan biến. Lúc mãnh liệt, khi lại mờ nhạt. Lúc vui vẻ, khi lại buồn bã. Nó khiến ông nhói đau và nhớ đến cồn cào. Ông đưa tay lên gạt mồ hôi, định bước ra khỏi giường thì có tiếng gọi vọng vào:
- Ông ơi, ông dậy ăn sáng cho nóng ạ!
Tiếng bước chân soàn soạt dẫm trên đám lá khô ngày một gần. Chưa nhìn thấy mặt, ông Dũng đã đoán biết đó là Tín. Tín bước vào, trên tay bưng chén cháo vẫn còn hôi hổi nóng, hướng về ông, vui vẻ hỏi:
- Đêm qua ông ngủ có ngon giấc không? Ông có còn mơ những giấc mơ như mấy hôm trước không?
Ông Dũng ngồi thừ ở mép giường, khuôn mặt trầm lặng:
- Vẫn những giấc mơ ấy, vẫn những con người ấy cháu ạ. Hôm thì họ trò chuyện, hôm thì gọi ông đi, hôm thì ôm lấy ông khóc thảm thiết.
Tín đặt chén cháo lên bàn, ngồi xuống cạnh ông, mắt chăm chăm nhìn một bên tay phải đã bị cụt đến ngang vai, phập phồng trong cánh tay áo rộng thùng thình của ông, đưa tay mình nắm lấy bàn tay trái sần sùi, thô ráp còn lại của ông, mắt rưng rưng:
- Vậy là ông sắp nhớ lại rồi. Cứ thế này, chỉ một thời gian nữa là ông có thể nhớ ra quê quán, gia đình, vợ con của mình. Ông có thể trở về đoàn tụ với họ.
Ông Dũng đưa tay lên gãi đầu, khì khì cười:
- Liệu có ai còn nhớ ông không hay mọi người đã nghĩ ông chết rồi.
- Không đâu ông ạ. Cháu tin rằng, ở quê nhà, người thân vẫn đang đợi ông trở về.
Tín nói rồi bưng chén cháo đưa lên, đút từng muỗng cho ông ăn. Sau câu nói của Tín, ông Dũng cảm thấy lòng ngùi ngùi, mắt ươn ướt. Ông tủm tỉm cười, đón nhận muỗng cháo Tín đút và ăn một cách ngon lành.
- Ông hôm nay thế nào hả con?
Giọng chị Lán, mẹ Tín hỏi khi thấy con trai đang vừa đi vừa hát nghêu ngao.
- Hôm nay con thấy ông khỏe ra đấy mẹ. Trí nhớ của ông đang dần hồi phục nữa.
- Thế hả? Thế thì mừng quá. 40 năm rồi, ông thật tội nghiệp, mẹ thương ông lắm.
Trong đầu chị Lán hiện về câu chuyện mấy chục năm trước khi chị còn là một đứa trẻ mới lên 7. Gia đình chị Lán sống ở Tây Nguyên. Những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến trường Tây Nguyên ác liệt lắm. Chồng chết vì bom đạn. Bà Len, mẹ chị Lán dẫn chị chạy trốn rồi đi lạc sang nước bạn Lào. Hai mẹ con được giúp đỡ, dựng tạm ngôi nhà ở sát bìa rừng rồi rau cháo nuôi nhau.
Hôm ấy, mẹ con bà Len đang đi rừng thì bỗng nghe tiếng rên rỉ của ai đó từ xa. Ban đầu vì sợ nên họ chẳng dám lại gần. Sau đó, lấy hết can đảm, bà Len dắt tay con gái bước lại thì hay đó là một anh bộ đội đang bị thương nặng, trên mình máu me loang lổ. Một cánh tay phải đã bị mảnh bom cắt đến sát vai. Trên người chẳng có lấy một vật dụng gì ngoài bộ áo quần quân phục và chiếc mũ tai bèo cũng bê bết máu. Cho đến bây giờ, chị Lán vẫn không thể nhớ được vì sao và làm thế nào mà mẹ chị có thể đưa ông Dũng về đến tận nhà mình với sức vóc của một người phụ nữ mảnh mai, yếu đuối như thế. Chỉ biết rằng, những ngày sau đó, ông Dũng lúc tỉnh lúc mê. Khi được hỏi về tên tuổi, quê quán, gia đình thì ông chỉ nhớ mỗi tên mình là Dũng. Còn lại, không nhớ gì hết. Suốt ngày, người đàn ông gần 30 tuổi ấy cứ bần thần, hết ngồi lại đứng, lại đi quanh quẩn, cười cười, nói nói như một đứa trẻ. Vừa chăm con gái nhỏ, bà Len vừa chăm sóc người đàn ông chưa hề quen biết bằng tình cảm tương thân tương ái, không một chút so đo, tính toán.
20 năm trôi qua. Bà Len qua đời sau một trận đau nặng. Chị Lán khi ấy cũng đến tuổi lập gia đình. Chị ưng và lấy một người thanh niên Lào hơn mình 3 tuổi. Họ có với nhau cu Tín một năm sau đó. Ông Dũng lúc này đã là người đàn ông ngoài 50 tuổi nhưng tính cách vẫn như một đứa trẻ. Mọi ký ức về quá khứ của ông vẫn chẳng khác gì tờ giấy trắng. Tín lớn dần bằng sự nuôi dưỡng của ba mẹ nhưng lại gắn bó suốt cả tuổi thơ bên ông Dũng. Tín chẳng thể quên những ngày cùng ông rong ruổi hết bìa rừng này đến bìa rừng nọ, hết con suối này đến con suối khác. Ông chỉ cho Tín biết tên của các loài chim qua giọng hót của chúng. Nhờ có ông, Tín biết được nhiều loài hoa, nhiều loại cây lạ.
Cuộc sống vẫn cứ bình yên trôi như dòng chảy của con suối rừng ngày đêm róc rách kia nếu không có chuyện bất ngờ xảy đến. Trong một lần đi rừng, ông Dũng trượt chân ngã, đầu đập vào một tảng đá. Vợ chồng chị Lán lo lắng, tìm đủ mọi thứ thuốc để chạy chữa cho ông. Ông Dũng nằm suốt một tuần vì đầu ê nhức đến khó chịu. Thế nhưng cũng sau lần ngã ấy, trong đầu ông chập chờn những mảnh ghép chắp vá nhập nhòe về quá khứ.
- Dũng ơi, mày còn sống. Mày hãy trở về đi. Bọn tao ở lại với núi rừng. Bọn tao sẽ giữ bình yên cho quê hương xứ sở.
- Hùng, Trung, Phong… đừng đi. Chờ tao đi với!
- Không được. Bọn tao không thể đưa mày đi theo. Mày hãy về đi!
- Không! Không!
- Anh Dũng! Anh Dũng ơi! Em là Loan đây, vợ của anh đây. Đây là thằng Quyết, đây là thằng Thắng. Chúng rất nhớ anh. Anh về đi…!
Ông Dũng bật dậy giữa đêm. Ông lẩm nhẩm và gọi tên đồng đội. Rồi ông lại gọi tên vợ và hai đứa con của ông. Ông nhớ ra rồi. Ông nhớ trong trận chiến cuối cùng ở mặt trận Tây Nguyên, ông bị thương rồi lạc đồng đội và mất trí nhớ từ đó. Ông nhớ rõ mồn một từng khoảnh khắc vui đùa cùng con ngày còn ở quê nhà. Nhớ ngày lên đường nhập ngũ, hai đứa con vẫn còn rất nhỏ. Chúng lon ton chạy theo ôm chặt lấy chân ông, dặn đi dặn lại “giết giặc xong, ba về chơi với chúng con, chúng con ở nhà chờ ba!”. Ông nhớ lời vợ sụt sùi trước lúc chia tay “nhớ trở về nghe mình!”. Ông nhớ quê ông có cây cầu bắc qua con sông ngày đêm nước lững lờ trôi. Nhớ xóm làng được bao quanh bởi những ngọn núi cao… Tất cả những ký ức đứt đoạn trong tâm trí ông giờ được chắp nối liền mạch, từ từ hiện ra qua màn sương đêm dày đặc.
“Tên mình là Nguyễn Trung Dũng. Quê quán... Từng tham gia chiến đấu ở... Vợ con mình là… Ôi! Nhớ hết rồi. Nhớ ra rồi”. Ông Dũng đem khoe niềm vui ấy với Tín. Hai ông cháu cứ ôm lấy nhau sung sướng cười. Đã từ lâu, cái suy nghĩ muốn tìm lại gia đình, tìm lại tổ ấm cho ông đã nung nấu trong lòng Tín. Và giờ có lẽ là thời gian thích hợp nhất.
Hôm nay, tròn 40 năm ngày giỗ ông Dũng. Bà Loan cùng dâu con đang chuẩn bị mâm cỗ, bày biện lên bàn thờ người quá cố. Bà Loan nay đã bước sang tuổi 65, tóc đã bạc, lưng đã còng. Hai đứa con trai nay cũng đã ngoài 40. Tấm di ảnh ông Dũng chụp hồi mới lên đường nhập ngũ được đặt trang trọng trên bàn thờ kể từ ngày nghe tin đồng đội báo về ông đã hy sinh. 40 năm nay, bà Loan vẫn trông mong từng ngày có phép màu tìm được hài cốt của chồng. Có như thế, bà mới yên tâm nhắm mắt. Thế nhưng… Giọng của bác Hai hàng xóm hớt hải chạy vào sân báo:
- Bà Loan đâu. Thằng Quyết, thằng Thắng đâu. Cả nhà ra đây mà đón ông Dũng này!
Ai nấy từ trong nhà chạy ra, nửa tin nửa ngờ. Bà Loan đang định thắp nén nhang, nghe nói, cũng chậm chạp bước ra. Từ ngõ, ông Dũng đang bước vào đích thị bằng xương bằng thịt. Bên cạnh ông còn có cả một người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi và cậu thanh niên chừng 20 tuổi. Hàng xóm theo đến ngày một đông. Người vui vẻ cười. Người xúc động, tò mò. Có người còn đến véo tay ông Dũng vì không tin đó là sự thật. Quyết, Chiến sung sướng chạy đến ôm lấy ông Dũng như hồi còn nhỏ. Bà Loan lại đứng im lặng nhìn chồng từ xa, đôi mắt mờ nhòe. Mái tóc ông đã bạc hơn nửa đầu. Tuổi già hiện rõ trên gương mặt đầy nếp nhăn và những vết chân chim. Một ống tay áo chồng phập phồng trong gió để lộ một bên cánh tay đã mất. Giọt nước mắt nhớ thương, mừng mừng tủi tủi rỉ ra hai bên kẽ mắt.
Quyết chạy đến dẫn tay mẹ lại gần và đặt vào bàn tay ba mình. Bà Loan rưng rưng nhìn khắp khuôn mặt chồng, bật lên tiếng gọi “mình ơi” rồi khóc nghẹn. Bao nhớ thương bỗng thu nhỏ lại trong những giọt nước mắt hạnh phúc muộn màng.
Truyện ngắn của LÊ THỊ XUYÊN