"Cô bé bán diêm" - câu chuyện 170 năm chưa hề cũ

Thứ Sáu, 21/12/2018, 08:58 [GMT+7]
In bài này
.

Cứ mỗi độ giáng sinh về, nhìn ngắm, thưởng ngoạn không khí giáng sinh lung linh, ấm áp, tôi lại nghe tim mình thổn thức khi nhớ tới hình ảnh tội nghiệp của cô bé bán diêm trong truyện cổ tích cùng tên của nhà văn nổi tiếng Andersen.

Cô bé bán diêm trong phim hoạt hình.
Cô bé bán diêm trong phim hoạt hình.

Hans Christian Andersen (1805-1875) là nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch. Ông được coi như danh nhân văn hóa của nhân loại với nhiều tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi: Nàng tiên cá, Bà chúa tuyết, Chim họa mi, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Đôi giày đỏ, Bầy chim thiên nga… đã làm rung động con tim bao thế hệ suốt gần hai thế kỷ qua. Những tác phẩm giàu tính nhân văn của ông đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng, tái bản nhiều lần và luôn là một trong những cuốn sách bán chạy nhất hành tinh. 

Có lẽ không cần thiết phải kể nhiều về tiểu sử của Andersen, chúng tôi muốn nói về một trong những câu chuyện cảm động nhất, thường được các bà mẹ kể cho con nghe mỗi dịp Giáng sinh về: Truyện cổ tích “Cô bé bán diêm”. 

Chuyện bắt đầu vào một buổi tối cuối thu, tại một khu phố thuộc thành phố Copenhagne, Đan Mạch. Andersen đang đi mua sắm chuẩn bị cho một chuyến du lịch xa thì nghe một giọng khàn khàn, mệt mỏi vang lên: Chú ơi, chú mua giúp cháu bao diêm. Ông nhìn sang. Một bé gái khoảng mười tuổi, gương mặt hốc hác, run rẩy trong bộ quần áo rách nát, để lộ đôi vai gầy gò. Thân hình xanh xao, tiều tụy của em run lên khi gió lạnh. Nhìn qua có thể đoán em đang phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu uống từ lâu. Cô bé rơm rớm nước mắt kể rằng cả ngày cô chẳng bán được bao diêm nào, cũng chẳng được ai bố thí cho chút gì và nếu về nhà tay không thì cô sẽ bị cha bỏ đói và đánh đòn. 

Hoàn cảnh đáng thương của cô bé khiến Andersen nhớ đến thời thơ ấu của mình. Ông cũng đã từng là một đứa trẻ mồ côi nghèo khó và đã từng phải làm đủ nghề để kiếm sống trước khi thành danh với công việc sáng tác. Nhà văn đã tặng cô bé tất cả số tiền mang theo. Ông còn hứa sẽ gặp lại cô sau chuyến du lịch xa và sẽ tặng cô một món quà khác. 

Nhưng rồi công việc sáng tác bận rộn, những cuộc gặp gỡ thú vị với những người bạn văn chương nổi tiếng thế giới và sự hấp dẫn của những vùng đất lạ đã khiến Andersen quên mất lời hứa với cô bé bán diêm. Khi về lại khu phố cũ, nhớ tới cô bé bất hạnh, ông đã mua một chiếc áo lông cừu ấm tìm em để tặng. Nhưng sau nhiều lần dò hỏi tin tức của cô bé, ông được biết rằng em đã chết. Em chết ngay trong đêm giáng sinh, trước ngày đầu năm mới. Thi thể của em được tìm thấy nơi góc đường, bên cạnh vẫn còn những bao diêm, trên tay vẫn nắm hờ một bao diêm đã đốt hết. 

Cái chết của cô bé, những trải nghiệm buồn đau thời thơ ấu là những chi tiết ám ảnh tạo lên tuyệt tác “Cô bé bán diêm”. Câu chuyện cảm động ấy đã lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả. Một cô bé trong đêm giao thừa: Thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi mà mọi người gác mọi công việc, trở về tận hưởng những phút giây đầm ấm, hạnh phúc cùng gia đình trong ánh nến lung linh, bên mâm cỗ Giáng sinh và cây thông Noel tuyệt đẹp thì cô bé nghèo khổ với cái bụng đói, đôi tay cứng đờ, đôi chân sưng tấy vì lạnh vẫn phải lang thang ngoài trời cầu xin ai đó mua giúp một bao diêm, hoặc bố thí cho em chút gì đó để em có thể về nhà mà không bị cha phạt đòn. 

Cô bé tội nghiệp không được ai quan tâm, giúp đỡ nhưng cô không hề khóc than cũng không oán hận. Cô cứ mải miết, mỏi mòn làm nhiệm vụ cha giao và âm thầm hồi tưởng về những kỷ niệm hạnh phúc khi còn bà và mẹ. Ngoài trời băng giá, thái độ của mọi người thờ ơ, lạnh lẽo nhưng tim em lại cháy rực niềm mơ ước, khát khao về những điều tốt đẹp. Những cây diêm em đốt lên không đơn giản chỉ để sưởi ấm thân hình lạnh giá mà chính là sưởi ấm trái tim trẻ thơ đầy mộng ước của em. Lò sưởi, con ngỗng quay, cây thông Noel xinh đẹp tuy chỉ là ảo ảnh vụt hiện lên rồi lại chìm vào hiện thực phũ phàng nhưng chúng vẫn giúp em thỏa mãn những mơ ước khao khát được sưởi ấm, được ăn, được sống trong không khí gia đình ấm áp. Chính vì vậy, dù chết vì đói rét nhưng đôi má em vẫn hồng, đôi môi em vẫn thoáng nở nụ cười hạnh phúc. 

Thế giới ngày nay đã thay đổi nhiều, các em bé bán diêm theo nghĩa đen không còn nữa nhưng cuộc sống xung quanh ta vẫn còn vô vàn những mảnh đời bất hạnh cần được quan tâm, chia sẻ. Hãy ít nhất một lần mở lòng với những “cô bé bán diêm” hiện đại. Các em đang phải đi đánh giày, bán vé số, hàng rong ở độ tuổi được đến lớp đến trường, được hạnh phúc ấm êm trong vòng tay của cha mẹ và người thân. 

Kỳ ảo mà chân thật, giản dị mà hấp dẫn, tinh tế mà đa nghĩa “Cô bé bán diêm” từ khi ra đời năm 1848 cho đến nay tròn 170 năm, vẫn là một trong số ít những câu chuyện hay nhất, cảm động nhất làm thổn thức trái tim triệu triệu người đọc mỗi dịp tiếng chuông nhà thờ ngân vang nhắc nhớ ngày Đức Chúa giáng sinh. 

AN AN

;
.