.

Mối tình đơn phương của thi sĩ Bùi Giáng

Cập nhật: 09:53, 09/11/2018 (GMT+7)
Thi sĩ Bùi Giáng.
Thi sĩ Bùi Giáng.

Nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng, nhiều người nghĩ ngay đến một trường phái “thơ điên”, khi nói về con người ông, bởi có những đồn đoán rằng ông bị điên. Nhưng cái “điên” của Bùi Giáng cũng thuộc loại hiếm có và vì vậy, nó tạo nên những áng thơ độc nhất vô nhị mà sau này nhiều người “tỉnh” đến mấy cũng không theo kịp, hoặc có bắt chước cũng không tới.

1. Trong các giai thoại về Bùi Giáng, có lẽ giai thoại ly kỳ nhất là mối tình si của ông với NSND Kim Cương. Nghệ sĩ Kim Cương sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, cha là ông bầu Phước Cương, mẹ là NSND Bảy Nam, người dì cũng là người thầy - nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ. Vào giữa thập niên 1950, Kim Cương được biết đến với danh hiệu “kỳ nữ” qua vai diễn trong “Giai nhân và ác quỷ”. Năm 1956, bà sáng lập một trong những đoàn kịch nói đầu tiên của Sài Gòn. Bà là tác giả, đồng thời là đạo diễn sân khấu của 70 vở kịch nổi tiếng như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà Hoa Nữ, Tôi làm mẹ… Trước năm 1975, bà là tác giả của 7 bộ phim nhựa đình đám, có chuyên mục kịch trên truyền hình, giữ một trang trả lời thư bạn đọc trên báo Điện Tín… 

Thi sĩ Bùi Giáng gặp NSND Kim Cương tại đám cưới của một người bạn. Khi đó, bà mới 19 tuổi, đã nổi tiếng gần xa, được mệnh danh là bậc “kỳ nữ” trong làng sân khấu. Lần đầu gặp gỡ, Bùi Giáng như thấy ở nữ nghệ sĩ phát ra ánh hào quang vì Kim Cương mặc áo dài lụa trắng. Bùi Giáng đã đem lòng si mê Kim Cương rồi sau vài lần tiếp xúc, ông ngỏ lời cầu hôn nhưng bà tìm cách tránh né. NSND Kim Cương từng trải lòng: bà từ chối vì bà thấy ở ông toát lên cái gì đó “kỳ dị”, bất bình thường nên sợ! Bùi Giáng đã viết: “Vô ngần tao ngộ đầu tiên/Em bao giờ biết anh phiền ưu sao/Yêu em từ những kiếp nào/Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ”. 

Trong thơ Bùi Giáng, người ta thấy có rất nhiều bóng dáng giai nhân nhưng có lẽ Kim Cương vẫn là hình ảnh đậm nét nhất. Trong thơ ông, “kỳ nữ” được gọi trìu mến là “tiên nữ”, là “nương tử”... Điều thú vị là, mỗi khi đến nhà Kim Cương chơi, Bùi Giáng lại sáng tác thơ để tặng bà. Ông tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là viết ào ào lên đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Sau này, những bài thơ của ông viết cho nghệ sĩ Kim Cương được viết vào những cuốn sổ tay. Và suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng “nương tử Kim Cương”. Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ: “Kể từ tao ngộ đầu tiên/Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng/Bốn mươi năm đã lẫy lừng/Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân/Trái tim thiết thạch vô ngần/Từ tam thu tới tử phần hôm nay”. Và lời tỏ tình tha thiết với người trong mộng: “Kính thưa công chúa Kim Cương/Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây/Tờ thư rất mực mỏng dày/Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?”. 

Một ngày tháng 8-1998, Bùi Giáng bị té nặng, chấn thương sọ não. Kim Cương là người đầu tiên được gia đình thông báo đến Bệnh viện Chợ Rẫy gặp ông, trước khi ông qua đời. Khoảng nửa tháng trước đó, ông đã viết cho Kim Cương những vần thơ như một lời báo trước: “Thương yêu có lẽ như là/Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương/Ông đi đau xiết vui buồn/Một mình ở lại muôn trùng em yêu”. Rồi còn hẹn đến kiếp sau “Kiếp sau gặp lại, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”…

Kỳ nữ Kim Cương và thi sĩ Bùi Giáng.
Kỳ nữ Kim Cương và thi sĩ Bùi Giáng.

2. Trong hồi ký của mình, NSND Kim Cương cũng đã dành nhiều trang sách để nói về mối lương duyên kỳ lạ với Bùi Giáng. Ở những trang sách ấy, người ta thấy được sự yêu thương, trân trọng và đôi khi là biết ơn của bà dành cho thi sĩ Bùi Giáng. Bà tâm sự: “Nhiều người không hiểu tại sao ông Bùi Giáng điên mà lại yêu thương tôi gần 40 năm và cũng không hiểu sao ông ấy điên mà tôi lại tử tế với ông ấy suốt thời gian đó trong khi tôi không hề đáp lại. Đối với tôi, trên thế gian không có gì đẹp và thiêng liêng bằng tình yêu, miễn là yêu chân chính”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu nhận định: “Bản chất văn chương Bùi Giáng là sự tổng hòa của những nghịch lý. Trong cái cà rỡn có sự đau xót, trong bỡn cợt có nỗi ngậm ngùi, trong sự nghịch ngợm hồn nhiên trẻ thơ có sự uyên bác, trong điên loạn cuồng si là một cõi mộng bát ngát đẫm tình… Cái nét riêng ấy không ai có được, không ai bắt chước được và không thể có người thứ hai”. Nhà văn Sơn Nam nhận định: “Sống như Bùi Giáng thật vui mà thật khó vậy. Ông thuộc vào loại thiên tài không định nghĩa được, là một bí ẩn toàn diện trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái nửa không nửa có nửa hư nửa thực”. Sức hấp dẫn của Bùi Giáng có lẽ là ở chỗ, thi sĩ đã dành trọn tâm trí và cuộc đời mình cho thơ mà không màng tới vinh hoa, phú quý, được thua với cõi trần. Có người bảo thơ ông là “thơ điên” nhưng cũng có người đánh giá là “thơ tiên”. 

Thi sĩ Bùi Giáng là một hiện tượng kỳ lạ và độc đáo của nền thơ ca Việt Nam. Với hơn 60 tác phẩm hiện còn lưu trữ, Bùi Giáng đã để lại cho đời một di sản văn chương đồ sộ, đa dạng và mang phẩm tính triết thuật cao diệu, cả trong thơ, khảo cứu và dịch thuật. Từ cuộc đời đến trang sách, thơ Bùi Giáng luôn phản ánh một cách riêng biệt nhất tình cảm, tư tưởng, triết mỹ của chính ông trong từng chặng hành trình cuộc sống.

VŨ THANH HOA

.
.
.