.

Hạnh phúc của chị

Cập nhật: 09:53, 12/10/2018 (GMT+7)
Minh họa của MINH SƠN .
Minh họa của MINH SƠN .

1. Nếu để đoán tuổi chị qua dáng vẻ bên ngoài thì có lẽ sẽ chẳng ai nói đúng. Mọi người sẽ đều bất ngờ khi biết rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, trẻ trung, xinh đẹp, vui tính kia đã ngoài năm mươi. Đối với phụ nữ, ở cái tuổi đó, kể như cũng đã già. Và hầu hết đã yên bề gia thất, thậm chí có cháu cả rồi. Vậy mà chị vẫn đi về lẻ bóng. Chị chưa có gia đình. Nói đúng hơn là chị không muốn trói buộc mình vào hai chữ “gia đình”. Có ai hỏi thì chị chỉ cười: chị yêu tự do. Lúc nào chị cũng vui vẻ, nhí nhảnh lắm. Mọi người chọc: chị còn son chán. Kiểu này vẫn có thể làm điêu đứng khối đấng mày râu, không ngoại trừ những anh chàng trẻ trung, ga lăng. Mặc chị không muốn nhưng tình cảm là thứ vô hình, nó trú ngụ trong cái tâm hồn cũng vô hình, chẳng thể nhốt vào hay khóa chặt hay bóp chết. Khi nó gặp được đúng đối tượng, khi muốn yêu, muốn ghét, nó vẫn dần dần hiện ra. Nó mượn cái vẻ ngoài của thể xác để thể hiện. Nó điều khiển tâm tư, suy nghĩ và cả cách nói năng của chủ thể. Dù có cố giấu khéo léo đến mấy thì vẫn có điểm khác thường. Và chị, con người đã đi qua nửa cuộc đời, đã đủ khôn ngoan, khéo léo và tinh tế để nhận ra điều đó, từ Huân.

2. Huân chưa vợ nhưng có vẻ ngoài chững chạc, từng trải và rất phong trần. Chị thích điều đó từ Huân. Nhưng chỉ thích vậy thôi. Giống như những người bạn, người em mà chị vẫn hay nói chuyện, pha trò cho họ cười. Và cũng giống họ, Huân cũng thường sà đến chuyện trò cùng chị mỗi khi có dịp. Nói, cười, trêu chọc vui vẻ lắm. Mấy người em đồng nghiệp và cả Huân nữa thường hay gọi chị là người đẹp không tuổi. Chị lại cười “Mấy đứa phải gọi là người đẹp lâu năm mới chuẩn chứ!”. Lại cười. 

- Người đẹp của em!

Không nhìn ra phía cửa quán ăn, ai cũng biết đó là Huân. Anh bước vào quán, miệng tươi rói chọc chị. Mọi người nghe vậy cười vang. Chị cũng cười nhưng bất chợt chột dạ khi bắt gặp ánh mắt Huân nhìn mình. Dù chỉ là lướt qua nhưng chị cũng cảm thấy có điều gì đó khác thường. Chị lắc đầu bên này, bên kia kêu cái “rốp” tự trấn an “Tỉnh lại đi”. 

Huân kém chị gần hai chục tuổi. Cậu trai trẻ ngoài ba mươi, đẹp trai, phong độ, lịch thiệp. Thiếu gì các cô gái trẻ vây quanh. Có lẽ chị nghĩ nhiều quá. Có lẽ Huân chỉ trêu đùa vậy thôi. Nhưng tại sao chị lại cứ nghĩ về Huân thế nhỉ. Không thể thế được. Chị cười: tự do muôn năm. Chị bắt đầu giữ khoảng cách với Huân để cậu biết được đâu là điểm dừng. Rồi thì chị cũng vui mừng và thở phào khi thấy ít lâu sau Huân thường đi với một cô gái trẻ, dịu dàng. Thực ra, chị cũng đã từng yêu và từng bị đổ vỡ trong tình yêu. Chị cũng đã từng có một gia đình và bây giờ chị tôn thờ tự do. Vết thương năm xưa giờ đã lành, không còn đau nữa nhưng vẫn để lại sẹo. Vết sẹo đó chị găm vào lòng như để nhắc nhở mình…

Chị yêu từ năm cuối đại học. Tình yêu đủ mặn nồng sẽ dẫn đến một mái ấm gia đình. Một đám cưới ấm cúng được tổ chức sau khi chị đi làm được một năm. Chị hạnh phúc, rạng rỡ trong váy cưới cô dâu, đi bên người hứa yêu thương chị đến cuối cuộc đời. Hai người vui vẻ giữa bao lời chúc phúc của khách khứa hai bên và cũng tràn đầy hy vọng: đầu năm hoa cưới cuối năm thêm người cho vui cửa vui nhà. Nhưng cuối năm, rồi lại cuối năm. Thời gian cứ vùn vụt trôi. Nhìn bụng chị cứ mãi lép kẹp, mẹ chồng thở dài bóng gió xa xôi.  

Rồi thì tình cảm vợ chồng cũng chẳng còn được như trước. Chị biết một mái ấm trọn vẹn không chỉ có tình yêu của hai vợ chồng mà cần có cả tiếng cười của những đứa con thơ. Nó chính là sợi dây kết nối chắc chắn cho mạch hạnh phúc tuôn chảy. Chị cũng nóng lòng, khao khát có một đứa con để rồi đau khổ nhận thông báo từ bác sĩ trong ột lần hai vợ chồng đưa nhau đi khám: chị bị vô sinh nguyên phát. Chị vùng vẫy trong nỗi tuyệt vọng, tưởng rằng chồng sẽ an ủi, sẻ chia. Yêu thương đến thế kia mà. Thề nguyền cũng nhiều lắm kia mà. Vậy mà chị bị cả nhà chồng tìm cách buộc phải chấp nhận ly hôn bằng một âm mưu được sắp đặt sẵn từ trước: Chị ngoại tình. Người ta hất chị ra khỏi nhà một cách đường đường chính chính mà không sợ bị ai nói là cạn tình cạn nghĩa. Chị cay đắng ký vào giấy ly hôn bởi đau đớn, bởi thất vọng. Chị cười gằn trong tiếng khóc, trong nước mắt chảy dài khi người chồng từng một thời yêu đương mặn nồng lặng lẽ, dửng dưng nhìn chị xách túi bước đi. Chị bắt đầu thấy ghê tởm con người ấy, bởi chị biết anh ta thừa hiểu tất cả chỉ là một vở kịch. Một vở kịch mà chị là nạn nhân, mẹ anh là đạo diễn và có nhiều vai diễn thân quen trong gia đình. Còn anh, một khán giả xem từ đầu đến cuối vở kịch bằng một thái độ hết sức bình tĩnh và chỉ đợi cho xong hồi kết. Màn hạ, anh ta đứng dậy quay đi. Cuối cùng chị ra đi. Và không lâu sau chị được tin anh lấy vợ. Rồi ngôi nhà đó có tiếng trẻ thơ bi bô mỗi ngày. Chị tự an ủi mình, thôi thì đã hết duyên. Thôi hờn trách, thôi oán hận. Chị quyết định sống một cuộc đời mới vui vẻ, tự do. 

Một khi con người ta vượt ra khỏi được tận cùng nỗi đau cũng là lúc họ có thể sống thanh thản nhất, thoải mái nhất. Chị cũng vậy. Bao nhiêu năm qua, dù không có một bờ vai để dựa, dù không có người bên cạnh sớm tối nói lời yêu thương, chị vẫn vui. Bởi chị còn nhiều thứ để quan tâm hơn cả một mái ấm cho riêng mình. 

3. Sáng cuối tuần, chị dậy thật sớm chuẩn bị mọi thứ để đi. Không, nhất định không phải một cuộc hẹn hò với nhóm bạn. Cuối tuần, chị luôn dành riêng cho đám trẻ mồ côi trong ngôi làng SOS. Chúng mong chị cũng như chị luôn muốn gặp chúng. Ở đó, chúng gọi chị là mẹ. Mẹ Trang. Chị là mẹ của cả một đàn con, lớn nhỏ hơn chục đứa. Ở đó, chị như một sứ giả thánh thiện đem niềm tin, hy vọng cho bao người phụ nữ, bao cô gái lầm lỡ. Họ tin chị, yêu chị và cũng rất thương chị. 

- Mẹ Trang đến rồi! 

Mấy đứa nhóc đứng ngóng ở cổng thấy xe chị đến thì hô thật to. Thế là lũ trẻ ùa ra. Chúng vây quanh chị, chúng cười, chúng reo hò. Ôi chao, chị luôn nghĩ, cuộc đời mình chỉ cần có vậy thôi đã hạnh phúc lắm rồi. Khi nào về hưu chị sẽ đến đây ở hẳn với chúng. Được không nhỉ? Tại sao không khi chị không có một lý do gì để vướng bận ngoài kia. Tự hỏi, tự trả lời. Chị vội xuống xe, đưa đồ cho đứa lớn xách vào, xoa đầu từng đứa nhỡ, bế trên tay đứa nhỏ nhất. Đứa níu áo, đứa cầm tay, thi nhau kể cho mẹ Trang của chúng nghe chuyện cả một tuần qua, đứa nào ngoan, đứa nào hay khóc nhè, đứa nào ngủ hay tè dầm… 

- Chào chị! 

Vẫn giữ nụ cười tươi trên môi trước sự tíu tít của lũ nhỏ, chị nhẹ nhàng nghiêng đầu chào lại người đàn ông. 

- Chào anh! Anh… - chị ngập ngừng. Chị đoán có thể ông ấy đến để đăng ký nhận một đứa trẻ làm con nuôi. Hoặc có thể ông ta là cha của một đứa trẻ nào đó trong số những đứa con của chị. Vì một lý do nào đó, cha con thất lạc nhau, giờ ông ta đến nhận lại. Chị nhìn người đàn ông đoán chừng.

Thằng bé con lắc tay chị: 

- Bác ấy ở đây hai hôm rồi mẹ Trang ạ. Bác ấy muốn xin ở đây với tụi con đấy. Mà tụi con nói phải hỏi mẹ Trang đã. Bác lớn rồi, sao ở đây được mẹ nhỉ?

Chị cười nhẹ, thả mấy đứa nhỏ xuống cho chúng chạy đi chia quà bánh, chơi đùa với nhau. 

Câu chuyện của anh khiến chị rưng rưng. Sao trên đời lại khéo có chuyện trùng hợp đến thế. Anh cũng đã từng có gia đình, từng đổ vỡ từ lâu và đã khép lòng yêu từ ngày ấy để dành thời gian cho công việc, bạn bè và những chuyến thiện nguyện. Giờ đến khi về hưu, anh muốn được thường xuyên qua lại chăm sóc lũ nhỏ trong làng SOS này. 

- Sao giống tôi vậy? Tôi cũng nghĩ vài năm nữa mình nghỉ công việc rồi thì tới đây phụ ban quản lý của trại trẻ chăm sóc, dạy dỗ lũ nhỏ luôn đấy. 

Cả hai cùng nhìn nhau cười. Chị như tìm thấy sự đồng cảm nơi người đàn ông xa lạ, lần đầu tiên gặp mặt. Biết đâu ông ấy sẽ là người đồng hành cùng chị trong chặng đường sắp tới của cuộc đời. Chị không hy vọng nhưng thấy thoải mái, nhẹ nhàng và an tâm khi được trò chuyện cùng ông.  

Mỗi cuối tuần, hai người lại hẹn nhau đến thăm lũ trẻ. Bọn chúng vẫn vui vẻ reo hò khi chị đến. Nhưng giờ có thêm người bế những đứa nhỏ cùng chị. Hai người ngồi bên nhau, lũ nhỏ đứa ngồi trong lòng, đứa ngồi bên cạnh nắm tay, ôm cổ, lí lắc kể cho ba mẹ nuôi của chúng đủ thứ chuyện trong một tuần xa cách. 

Truyện ngắn của LÊ PHƯỢNG

.
.
.