.
TẠP BÚT

Đò dọc

Cập nhật: 09:50, 03/08/2018 (GMT+7)
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thuyền chở khách sang sông gọi là “đò ngang”, thuyền chở khách đi theo đường sông thì gọi là “đò dọc”. Đò ngang thì nhỏ, thường không có mui và do người chèo. Đò dọc lớn hơn nhiều, có buồm cánh dơi, có mui và nhiều người kéo. 

Ngày còn nhỏ, năm tôi học lớp 1, cha cho đi đò dọc một lần “lên Thái Bình”. Sáng hôm ấy, cha con tôi dậy sớm lắm. Mẹ đã chuẩn bị cho gói “cơm nếp đậu” với mấy quả trứng luộc. Cha khoác túi đi trước, tôi thập thõm theo sau. Tôi háo hức lắm vì lần đầu được “đi tỉnh”. 

Quãng đường từ nhà tôi xuống đến bến đò chừng hơn cây số. Tới nơi đã thấy người đứng ngồi lố nhố với bao với gánh. Cha tôi bảo họ đi “buôn chuyến” đấy. Tôi nhìn chả thấy ai quen cả nên cứ bám lấy vạt áo cha. Thuyền lịch kịch áp vào bến. Tiếng nước ì oạp. Tiếng dây buồm cót két... tiếng mấy người phu í ới gọi nhau. Rồi cái cầu gỗ dài được bắc từ thuyền lên bờ. Mọi người theo nhau lên đò. Cái cầu ván gỗ cứ dập dềnh, dập dềnh dưới bước chân. Vào khoang, người lớn phải cúi đầu. 

Chợt có tiếng ai đó mãi bên trong: “Cha con thằng cu đi đâu vậy”. Tôi chẳng biết là ai. Cha tôi nói to: “Chào bác... Nay bác đi tỉnh hả”. Người đàn ông ngồi dịch lại cho cha con tôi vào. Thì ra là bác họ tôi, hôm nay cũng “đi tỉnh”. 

Con đò chòng chành rồi rời bến. Tôi thò đầu ra cái cửa sổ hẹp bên mạn. Ngang tầm mắt tôi là bờ sông. Nước đỏ ngầu. Đằng trước, trên bờ là dăm bảy người đàn ông khoác dây chão cắm cúi gò lưng bước. Họ đang kéo thuyền. Cha tôi nhắc cho đầu vào. Tôi loay hoay một lúc lâu mà cái đầu vẫn... ở ngoài cửa sổ. Đến lúc ấy cha tôi mới bảo: con ghé ngang đầu ra. Tôi làm theo và rút được đầu vào. Hú vía. Bác họ tôi bảo, thằng bé nghịch quá. 

Đò đi dọc theo mạn sông. Những vườn chuối, bờ tre lùi dần, lùi dần. Trên kia, những người kéo thuyền vẫn lặng lẽ bước. Khách đi đò nhỏ to trò chuyện. Ai đó nói: hôm nay nước xiết, trời lại “ắng” gió thế này, khổ cho mấy người kéo thuyền. Tôi chẳng hiểu gì cả, hỏi cha. Cha tôi bảo trời không có gió, không giương buồm được, nên người phải kéo con ạ. Sau này, khi lớn lên một chút tôi mới hiểu được lời cha nói.

Gần trưa thì đến nơi. Cha con tôi cùng với ông bác và mấy người lên đò. Những người “buôn chuyến” đều ngồi lại. Họ còn phải đi tiếp lên Hà Nội. Lại qua cái cầu ván. Nhưng quái lạ, tôi đã đi qua cầu rồi, lên bờ rồi mà sao vẫn còn thấy dập dềnh dập dềnh. Cha khoác cái túi đi trước, tôi lại chạy theo sau, lâng lâng như đang ngồi đò. Trưa, cha con ngồi ở “vườn hoa tỉnh” ăn cơm nếp đậu. Sau đó hai cha con đi dọc phố, vào mấy cửa hàng. Tôi thấy mấy cái ô tô chạy trên phố, xe ngựa, xe đạp kính coong và đèn điện. 

Chiều, cha đưa tôi trở lại bến đò dọc. Đợi một lát thì đò đến. Lượt về, tôi chả xem được gì vì trời cũng sắp tối. Sau đó thì tôi ngủ lúc nào không biết. Sáng hôm sau tôi dậy muộn, cha tôi bảo: thằng bé nặng gớm, cõng từ bến về nhà mỏi hết cả lưng. Con đò dọc ấy không biết nó còn hoạt động đến bao giờ. Mãi sau này, đâu như năm 1979-1980, có lần tôi có đi đường thủy lên thị xã Thái Bình. Khi ấy là cái tàu thủy chở khách, có động cơ, mà cũng chỉ ghé qua bến làng tôi thôi. 

 LANH NGUYỄN

.
.
.