Mười mấy năm dằng dặc xa quê, đi về đến cả trăm lượt, nhưng lần nào cũng thế, cứ tàu vào gần đến sân ga Hương Phố là lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc khó tả…
Ga xép bình yên, mỗi ngày dăm lượt tàu qua, ồn ào một lúc rồi lại quay về với nhịp sống êm ả đến buồn tẻ.
Tôi nhớ năm học xong cấp 3, vác ba lô lên tàu ra Bắc đi học, bạn bè tiễn ra ga. Mấy đứa con gái khóc thút thít. Định “mèo”, thằng bạn nghệ sĩ “nửa mùa” cùng lớp bập bùng ghi ta, hát một đoạn nhạc vàng lâm li bi đát nói về cảnh chia ly. Lúc ấy tôi rất bực, chỉ muốn giật cây đàn từ tay nó quật vào đường tàu cho chừa cái thói sến không đúng lúc, đúng chỗ… Người ra đi, cứ nghĩ học xong sẽ về quê làm việc, bởi chẳng thể nào xa được cái thị trấn phố núi nhỏ xinh đã là một phần đời của mình. Thế mà đến giờ, đi mãi… đi mãi… trở thành người xa xứ lúc nào không hay?
Sân ga ngày ấy có cô bé hàng nước chừng 13, 14, da trắng, má hồng, môi đỏ, mắt đen lúng liếng, cộng với đôi lúm đồng tiền làm duyên khiến lũ sinh viên bọn tôi mỗi lần về quê qua ga đều tìm cách nấn ná uống chén nước chè, ăn mấy cái kẹo để được trò chuyện cùng bé. Buồn cười nhất là mãi đến sau này, dù ở đâu, chỉ cần nhìn thấy những chuyến tàu qua là trong đầu lại hiện lên hình ảnh cô bé hàng nước xinh xắn năm nào, với nụ cười trong veo như hút hồn người đối diện.
Những lần đi, tôi hay đứng bên này sân ga, nhìn qua bên kia nóc nhà thờ Tân Phương, hình ảnh tháp chuông hoặc là đỏ rực trong ánh chiều tà (về mùa hè) hoặc như tạc vào nền trời đông ảm đạm, gợi nên cảm giác buồn buồn, cô tịch… Cảnh thực thế, hay do lòng người chùng xuống trước những phút chia xa?
Có lẽ chỉ những kẻ tha phương như tôi mới hiểu, sân ga ấy dù chỉ là một sân ga nhỏ bé, khiêm nhường nhưng luôn đong đầy tình quê.
TĂNG ĐẠI