Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong tỉnh ngày càng cao, tuy nhiên các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh hiện nay khá nghèo nàn, chưa xứng tầm so với mức độ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người dân. Việc xây dựng một nhà hát có quy mô là một giải pháp cần được tính tới.
Một tiết mục văn nghệ do đoàn Ca múa nhạc tỉnh biểu diễn phục vụ hoạt động đối ngoại của tỉnh. |
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có nền kinh tế phát triển bậc nhất cả nước nhưng các sản phẩm văn hóa, giải trí còn thiếu phong phú, chưa theo kịp nhu cầu của người dân. Đây cũng là lý do khiến du lịch của tỉnh chưa có khả năng níu giữ du khách lưu trú dài ngày. Sự đơn điệu của các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là thiếu một không gian biểu diễn nhạc, kịch quy mô đang làm cho BR-VT thua kém các địa phương khác.
Với hy vọng nâng cao chất lượng nghệ thuật, tạo ra địa điểm thưởng thức văn nghệ hấp dẫn cho người dân và du khách, đoàn Ca múa nhạc tỉnh vừa hoàn thiện đề án “thành lập Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Lêkima”. NSƯT Nguyễn Văn Tám, Trưởng đoàn Ca múa nhạc tỉnh cho biết, việc xây dựng Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Lêkima trên cơ sở nâng cấp đoàn Ca múa nhạc nhằm xây dựng đoàn nghệ thuật vững mạnh hơn về số lượng, qua đó, tạo ra được nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân.
Theo đề án, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Lêkima mang phong cách truyền thống - dân tộc - hiện đại, gồm 1 hội đồng nghệ thuật, 3 phòng chuyên môn và 2 đoàn nghệ thuật (đoàn ca múa nhạc dân tộc và đoàn ca múa nhạc nhẹ). Trong đó, đoàn ca múa nhạc nhẹ biểu diễn các chương trình văn nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị, lưu diễn phục vụ người dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và đoàn ca múa nhạc dân tộc nhằm sáng tác, giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa và các sản phẩm văn nghệ truyền thống dân tộc, của BR-VT đến với khách du lịch trong và ngoài nước… Khi có 2 đoàn ca nhạc, sẽ tăng tần suất biểu diễn lên gấp nhiều lần so với hiện nay (hiện 150 suất/năm). Như vậy, khi nhà hát được thành lập, sẽ tạo ra nhiều thể loại ca múa nhạc đa dạng, phong phú. Ngoài ra, với chức năng đào tạo, nhà hát sẽ tạo điều kiện cho một số nghệ sĩ đã nhiều tuổi có thể quay sang làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các ca sĩ, diễn viên trẻ để cung cấp lực lượng chuyên sâu về nghệ thuật cho các trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn. Nhà hát sẽ là “lò” đào tạo và thu hút nguồn nhân lực nhằm phát triển nghệ thuật biểu diễn của tỉnh.
NSƯT Nguyễn Văn Tám nói: “Khi nhà hát ra đời, ngành VHTTDL cần gắn các sản phẩm văn hóa vào tour du lịch để đáp ứng kỳ vọng của nghệ sĩ, người dân và du khách. Đoàn Ca múa nhạc cũng sẽ có nhiều phương án như: tiếp cận tinh hoa văn nghệ của thế giới, đồng thời, chú trọng vào khai thác bản sắc văn hóa của dân tộc như các làn điệu dân ca, điệu hò, điệu lý, dân vũ… của dân tộc để làm mới các chương trình nghệ thuật”.
Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đoàn Ca múa nhạc tỉnh cần phải có định hướng rõ ràng để khi nhà hát được triển khai xây dựng và hoạt động sẽ đúng với chức năng, nhiệm vụ. Được biết, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ rà soát, xem xét, thẩm định lại để đề án khả thi hơn, khi được triển khai và đi vào hoạt động sẽ hiệu quả, tránh lãng phí.
Bài, ảnh: HOÀNG LINH