FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2005: TÔN VINH NÓN HUẾ VÀ NGHỀ THÊU
![]() |
Thêu họa tiết trên vải lụa |
Huế là thành phố của lễ hội, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Năm nay, lần đầu tiên TP. Huế tổ chức festival chuyên đề, xen vào giữa hai kỳ festival lớn tổ chức vào các năm chẵn, tạo ra tiền đề kết nối liên tục mùa lễ hội mỗi năm... Tuy quy mô nhỏ hơn Festival Văn hóa Du lịch đã có thương hiệu nhưng festival nghề truyền thống cũng đã làm nên nhiều bất ngờ, thú vị, hấp dẫn và quyến rũ.
Trên cơ sở phát huy các ngành nghề truyền thống, Festival nghề truyền thống Huế 2005 chọn giới thiệu, quảng bá và tôn vinh nghề thêu và nghề nón. Có 3 chương trình chính, diễn ra trong 3 ngày đêm, từ 15 đến 17-7. Đêm 15-7 tà áo dài Việt Nam, chiếc nón bài thơ xứ Huế, nghệ thuật thêu cố đô kết hợp với nghệ thuật âm nhạc và múa truyền thống đã được quảng diễn trên sân khấu trước bia Quốc Học trong chương trình khai mạc có tên gọi khá ấn tượng: "Sắc màu quê hương". Trước đó, từ 8 giờ sáng, tại sân khấu Trường THPT Hai Bà Trưng (trường Nữ sinh Đồng Khánh xưa) đã khai hội cuộc thi thêu và chằm nón, giới thiệu nghề thêu, nghề chằm nón xưa và nay.
Đêm 16-7, cũng với trọng tâm giới thiệu áo dài và nghệ thuật thêu, sân khấu chính của lễ hội tiếp tục giới thiệu bộ sưu tập trang phục áo dài Việt Nam, gồm 60 mẫu độc đáo của 2 nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh và Vũ Thu Giang. Chất liệu của những bộ áo dài là hàng tơ lụa Việt Nam, được thiết kế dựa theo những bức tranh thêu trên một trăm năm tuổi, phần lớn do nhà sưu tập tranh thêu cổ Huế Phan Văn Thắng sưu tầm trong 12 năm qua. 60 mẫu áo dài là 60 cách xử lý khác nhau để giữ nguyên giá trị của mỗi tác phẩm, giữ được nét cổ khi chiếc áo dài đã được cách tân, vừa truyền thống vừa hiện đại. Các người mẫu 3 miền trình diễn trên sân khấu ngoài trời, được trang trí một bức vải thêu lớn, hai bên là những dãy nón, hai dãy khung thêu, thợ thêu miệt mài thêu thùa trong trang phục áo dài khăn vành cổ xưa của Huế.
Chương trình lễ tôn vinh nghề và lễ rước đêm 17-7 bao gồm phần lễ và phần hội mang tính cộng đồng cao, với sự tham gia của các nghệ nhân thêu, nón, diễn viên và nữ sinh Huế. Sau phần lễ tôn vinh tổ nghề theo nghi thức truyền thống là phần lễ rước trang trọng các sản phẩm thêu, nón lá trên trục phố chính Lê Lợi về đường Nguyễn Đình Chiểu.
Trong khuôn khổ festival, có thêm hoạt động trưng bày và thao diễn nghề truyền thống của các thợ thêu, chằm nón đến từ TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Tây, Đà Lạt... Đáng chú ý là sự có mặt của các nghệ nhân "Bàn tay vàng" Hữu Hạnh, Nguyễn Đức Khoa, Kim Chi, Diệu Trinh, nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh... Đặc biệt, phòng trưng bày của nhà nghiên cứu và phục chế trang phục cung đình Trịnh Bách một lần nữa có dịp giới thiệu đến người xem, cùng kíp nghệ nhân lành nghề dệt, thêu, chạm khảm bạc đến từ Hà Tây. Festival là một cuộc biểu dương lực lượng của nghề nón, nghề thêu. Một nỗ lực lớn của TP. Huế nhằm tôn vinh người thợ, nghệ nhân và nghề nghiệp của họ. Hơn thế nữa, chính quyền thành phố còn có tham vọng tìm ra những giải pháp để phục hồi, chấn hưng nghề truyền thống. Đó là một cuộc hội thảo "Di sản nghề thủ công trong bối cảnh Festival" do UBND TP. Huế phối hợp với Viện Văn hóa-Thông tin (Phân viện tại Huế) tổ chức, với sự tham gia của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Hội thảo đã đặt ra một số vấn đề lớn: Làng nghề với việc phát triển du lịch, với Festival. Nghề gì là đặc trưng của mỗi địa phương, của Huế? Những lực cản đối với sự phát triển của các làng nghề…
Festival còn có nhiều hoạt động đa dạng như triển lãm bưu ảnh, ảnh nghệ thuật về nghề truyền thống Huế; Thư pháp; tác phẩm nghệ thuật sắp đặt "Vô đề" và "Dưới dàn thiên lý" làng diều và nghệ thuật múa rối trên không; Hội LHTN thành phố tổ chức tour du lịch "Huế - mùa hè xanh và làng nghề truyền thống"; liên hoan múa lân, múa rối "Tuổi thần tiên"; tái hiện bến đò Thừa Phủ qua sông Hương, một hình ảnh đẹp, nay chỉ còn trong ký ức của người Huế...
Thanh Tùng - Ngọc Văn